23/01/2018 12:42 GMT+7

Lập trình viên khiếm thị người Việt ở Singapore

LÊ NAM
LÊ NAM

TTO - Chúng tôi gặp Nguyễn Hoàng Giang, chàng lập trình viên khiếm thị 23 tuổi hiện làm việc tại văn phòng Công ty công nghệ đặt xe Grab, cuối giờ chiều sau khi rời khỏi văn phòng làm việc ở đường Cecil.

Lập trình viên khiếm thị  người Việt ở Singapore - Ảnh 1.

Nguyễn Hoàng Giang ở trạm xe buýt trên đường Tanjong Pagar chờ xe về nhà - Ảnh: LÊ NAM

Tôi nghĩ ai cũng có thế mạnh và năng lực riêng có thể cống hiến. Hãy tự đi tìm và gõ cửa cho mình, cửa này không mở thì tìm cửa khác

NGUYỄN HOÀNG GIANG

Nhấp ly cà phê nóng không đường, Giang thông báo với chúng tôi đã đặt vé máy bay để cuối tuần một mình sang Bangkok và Chiang Mai (Thái Lan) du lịch.

"Tôi chỉ đi một mình sang đó và nhập băng với các bạn. Hồi trước đi chơi lang thang trong nước, giờ khám phá thêm thế giới bên ngoài".

Với Giang, khiếm khuyết về thị lực không hề là cản trở của anh trong cuộc sống và công việc. Anh là một trong tám người được Grab chọn từ gần 400 ứng viên khác và là lập trình viên khiếm thị đầu tiên tính đến tháng 10-2017.

Một mình sang Singapore

Đến đầu tháng 8-2017, Giang đã vượt qua sáu tháng thử việc để trở thành nhân viên lập trình chính thức cho Grab Singapore, sau khi vài công ty khác từ chối đơn xin việc mà Giang đã nộp khi chỉ còn vài tháng mới tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Quốc tế TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Trong hồ sơ xin việc, Giang không muốn người tuyển dụng biết mình khiếm thị. Chỉ đến khi vượt qua vòng kiểm tra kiến thức trên mạng, bước vào vòng phỏng vấn trực tiếp, Giang mới xuất hiện và may mắn vượt qua rồi một mình thu xếp hành lý sang Singapore sinh sống và làm việc.

Ngoài việc lập trình thông thường với trải nghiệm bản thân, Giang cùng các đồng nghiệp nước ngoài phát triển thêm tính năng cho người khiếm thị để đặt xe mà không cần sự trợ giúp của người khác.

Dù tự thân vận động, làm việc, học hành, đi lại, thậm chí đi du lịch nhiều nơi ở VN nhưng môi trường sống mới ở Singapore cũng làm Giang có chút bỡ ngỡ: dùng toàn tiếng Anh, thứ ngôn ngữ mà Giang phần lớn tự học ở nhà và thời gian đi học ở trường.

Tự đi tìm thuê nhà, tự di chuyển và tranh thủ thời gian lang thang cùng bạn bè khám phá môi trường sống mới ở Singapore theo cách của mình, Giang thừa nhận nhiều lần đi lạc, vất vả tìm đường đi ở Singapore nhưng tất cả chưa từng được xem là trở ngại với Giang.

Dường như chàng thanh niên này đã luôn biết cách vượt qua nghịch cảnh đến với mình từ khi còn nhỏ, cuộc sống với Giang luôn tươi mới, "đầy màu sắc" và tự tin lạc quan, yêu đời.

Giang kể chúng tôi nghe các địa danh mà anh đã tự trải nghiệm: khu dự trữ MacRichee, núi Faber, đảo Sentosa... với nhiều cung bậc vui vẻ, hào hứng và đặc biệt hứng thú với thiên nhiên, chim chóc trong khu công viên thiên nhiên.

Trên đôi chân mình

Giang thực tập từ năm ĐH thứ ba và làm bán thời gian cho một công ty khởi nghiệp trước khi nộp đơn tìm việc và sang Singapore khi vừa nhận bằng tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành máy tính.

Suốt cuộc nói chuyện, chàng trai khiếm thị này chỉ muốn tìm cách được đối xử như người bình thường. "Nhiều người cứ nghĩ người khiếm thị thì chẳng làm được gì..." - có lúc Giang bỏ lửng câu nói.

Giang kể từng muốn thi TOEFL nhưng không được vì đề thi không có phần mềm đọc hỗ trợ cho người khiếm thị nên đã tìm mọi cách: điện thoại, email sang Mỹ nhờ hỗ trợ đặc biệt. Khi chúng tôi hỏi điều gì thôi thúc Giang nhiều như vậy, Giang trả lời ngoại ngữ và kiến thức sẽ giúp hội nhập nhiều hơn vào cuộc sống, giữ gắn kết với bạn bè và công việc. 

Giang đọc khá nhiều sách ngoại ngữ, sách nghiên cứu, kinh tế, công nghệ... "Nhờ vậy mà tôi nghĩ thế giới này còn nhiều thứ để khám phá và học hỏi" - Giang nói.

Giang giờ là kỹ sư phần mềm, lập trình viên khiếm thị duy nhất của Grab. "Tôi chỉ giúp cho người khiếm thị dễ tiếp cận hơn vì trước đó người khiếm thị vẫn dùng được, chỉ có điều hơi khó và chưa thân thiện lắm" - Giang khiêm tốn giải thích công việc mà Giang cho rằng rất bình thường này.

Chia tay chúng tôi, Giang không quên nhắc phần cà phê của mình bao nhiêu tiền và tự trả cho phần nước uống này. Giang tự tìm cách ra trạm xe buýt, vừa đi chàng thanh niên 23 tuổi nói mình phải cố gắng hoàn tất khối lượng công việc tương đối nhiều ở công ty trước cuối tuần để thời gian khám phá Thái Lan thoải mái nhất.

Tự nấu ăn

"Tôi cũng tự lò mò mua đồ về nấu nướng, một phần thích tự làm món mình ăn" - Giang nói.

Giang nói không muốn mọi người giúp đỡ một cách thương hại: cho thức ăn mỗi khi lần mò ra hawker (tên gọi của khu bán thức ăn, thực phẩm tại khu chung cư nhà ở xã hội đặc trưng tại Singapore).

Giang cho biết mình nấu không ngon vì không có nhiều gia vị gì ngoài muối, mắm, bột ngọt, lại còn thỉnh thoảng thức ăn nấu bị hư do không quen chỉnh bếp từ nhưng Giang tự hào nói "nhìn tôi vẫn khỏe mạnh và chưa bị phỏng hay thiệt hại nào lớn".

Giang cười kể lại việc bà chủ không cho nấu ăn bằng bếp gas vì sợ phỏng, hỏa hoạn, trừ khi có bạn cùng phòng (nhưng mãi đến hết sáu tháng ở căn nhà thuê mà Giang vẫn ở một mình) nên để lại bếp từ trong bếp.

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên