Tổ công tác đặc biệt sẽ tháo gỡ mọi khó khăn cho tất cả các dự án đầu tư FDI, đầu tư công, PPP - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tổ công tác do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh là tổ trưởng, được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài được thành lập vào năm 2020.
Tổ phó thường trực Tổ công tác sẽ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng và các tổ phó khác là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư và Thứ trưởng Bộ Tư pháp đảm nhiệm, cùng các thành viên Tổ công tác từ các bộ, ngành liên quan.
Theo quyết định vừa được ký, Tổ công tác đặc biệt lần này có vai trò, nhiệm vụ lớn hơn rất nhiều.
Tổ công tác trước đây chủ yếu tập trung tham mưu cho Thủ tướng các cơ chế, chính sách, tiêu chí cho việc thu hút các FDI, đón sóng đầu tư nước ngoài. Đơn cử như việc tập trung xây dựng chính sách, đàm phán để thu hút các tập đoàn lớn, các FDI có quy mô toàn cầu và thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết.
Trong khi đó, Tổ công tác đặc biệt vừa được thành lập có nhiệm vụ bao quát toàn bộ hoạt động đầu tư của nền kinh tế. Cụ thể, Tổ sẽ có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời giúp Thủ tướng chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, đề xuất hướng xử lý.
Tổ công tác cũng sẽ đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương. Từ đó tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới;
Trong hoạt động xúc tiến đầu tư, Tổ công tác sẽ chủ động tiếp cận, đàm phán với các tập đoàn lớn, có công nghệ cao nhằm vận động, xúc tiến đầu tư. Thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao, có sự lan tỏa, giúp DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư cũng như hỗ trợ giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư.
Với chức năng nhiệm vụ rộng hơn, Tổ công tác đặc biệt có quyền hạn rà soát các dự án lớn hơn. Bao gồm dự án đầu tư công (bao gồm dự án ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài); dự án đầu tư trong nước và dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI; dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận