Khu công nghệ cao TP.HCM là một trong những nơi cần nguồn đầu tư để góp phần phát triển kinh tế thành phố - Ảnh: TỰ TRUNG
Nó có ý nghĩa chiến lược quốc gia, có thể tạo ra các làn sóng tăng trưởng mới dựa vào đổi mới sáng tạo trong thời đại 4.0, tăng cường khả năng an ninh quốc phòng trước những diễn biến hết sức phức tạp của tình hình trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam đã hết sức thành công trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhà máy Intel tại Khu công nghệ cao ở TP.HCM là một trong những điển hình thành công nhất. Intel được ví như con sếu đầu đàn tạo ra làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả của dự án Intel đã đầu tư nói riêng, đầu tư nước ngoài nói chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Mục tiêu tạo dựng một cụm ngành công nghệ cao vẫn còn rất xa và Việt Nam vẫn chưa thể tiến lên những nấc thang thâm dụng chất xám và công nghệ với giá trị gia tăng cao hơn.
Một số nguyên nhân đã được nêu ra trong Báo cáo đánh giá tác động 10 năm đầu tư của Intel tại Việt Nam 2006 - 2016 do Đại học Fulbright Việt Nam thực hiện. Vấn đề quan trọng là thiếu không gian đổi mới sáng tạo, các nền tảng về tài chính, công nghệ, thu hút nguồn vốn, tài năng.
Việt Nam cần tạo ra một không gian mới dựa trên thế mạnh của mình. TP.HCM là nơi có những nền tảng có thể nói là tốt nhất Việt Nam cho vấn đề này, đặc biệt là tinh thần kinh doanh, năng lực sáng tạo và đầu tư mạo hiểm. Khu vực phía đông với diện tích hơn 200km2 và 1,2 triệu người, có Khu công nghệ cao hiện hữu và Thủ Thiêm đã sẵn sàng để xây dựng trung tâm tài chính và thương mại là nơi lý tưởng để lựa chọn.
Thành phố phía đông được tạo ra để có thể thu hút và nuôi dưỡng những thứ tốt nhất của thế giới. Nó có thể đón đầu xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị khỏi Trung Quốc mà dịch Covid-19 đang làm cho tiến trình này xảy ra nhanh hơn. Cơ hội lớn đang đến và Việt Nam cần nắm bắt như giáo sư Trần Văn Thọ đã phân tích trong bài "Không để mất thời cơ lần thứ ba".
Một điều hết sức quan trọng của thành phố phía đông còn góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng cho Việt Nam. Sự hiện hữu các cơ sở kinh tế của các quốc gia có tiềm lực là một bảo đảm vì họ luôn bảo vệ lợi ích của mình ở nước ngoài.
Việc hình thành thành phố phía đông không chỉ giúp những doanh nghiệp như Intel có thể mở rộng các hoạt động tạo ra các chuỗi giá trị và cụm ngành, mà ngay trong quá trình hình thành Việt Nam có thể chọn các đối tác chiến lược đến từ các nước phát triển có tiềm lực mạnh để cùng triển khai.
Khi đó, thành phố phía đông nói riêng, TP.HCM nói chung sẽ thực sự trở thành một trung tâm kinh tế toàn cầu gắn với lợi ích cốt lõi của nhiều nước. Điều này sẽ góp phần tạo ra cân bằng về địa chính trị trong khu vực rất có lợi cho Việt Nam.
Tóm lại, thành phố phía đông là một ý tưởng xứng tầm của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước với truyền thống đi đầu về những ý tưởng đột phá. Ý tưởng này có ý nghĩa chiến lược nên được xem là một ưu tiên quốc gia.
Tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2020 (ngày 8-5), Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng 7 nhóm vấn đề, trong đó có đề xuất thành lập thành phố trực thuộc thành phố. Ông Phong kiến nghị cho phép xây dựng đề án thành lập thành phố phía đông trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Theo dự kiến, thành phố phía đông sẽ có diện tích tự nhiên 211,57km2, quy mô dân số 1.169.974 người.
Đây cũng là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao thành phố đang hướng đến với Khu công nghệ cao ở quận 9, Đại học Quốc gia TP.HCM tại quận Thủ Đức và khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2. Ngoài ra, khu vực này còn có các khu công nghiệp và khu chế xuất gồm Linh Trung 1, Linh Trung 2, Cát Lái và Bình Chiểu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận