11/10/2015 12:09 GMT+7

Lập hồ sơ truy tặng danh hiệu anh hùng không theo quy định

NHÓM PV
NHÓM PV

TT - Trong hai đơn vị cũ của người được đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng, một nơi nói không có thành tích đặc biệt, một nơi trả lại hồ sơ.

Bìa cuốn sách nói về nhiều thành tích của ông Ngoạn trong giai đoạn công tác tại Đắk Lắk. Tuy nhiên, khi điều tra và đối chiếu thì không ghi nhận có thành tích đặc biệt nào - Ảnh: PV
Bìa cuốn sách nói về nhiều thành tích của ông Ngoạn trong giai đoạn công tác tại Đắk Lắk. Tuy nhiên, khi điều tra và đối chiếu thì không ghi nhận có thành tích đặc biệt nào - Ảnh: PV

Thế nhưng hồ sơ vẫn được thông qua dù có ý kiến thắc mắc về quy trình không đúng.

Ông Đào Tấn Ngoạn (1923-2001), người được đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, công tác chủ yếu ở Thừa Thiên - Huế và Đắk Lắk. Trước khi nghỉ hưu năm 1980, ông Ngoạn là bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột (nay là Thành ủy Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Thông tư 07 ngày 29-8-2014 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành các nghị định của Chính phủ về thi hành Luật thi đua - khen thưởng có quy định “cá nhân đã nghỉ hưu (hoặc hi sinh, từ trần) thì hồ sơ đề nghị khen thưởng do cơ quan quản lý cán bộ nghỉ hưu (hoặc hi sinh, từ trần) xem xét, hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền theo quy định”.

Như vậy, trường hợp ông Ngoạn phải là Thành ủy Buôn Ma Thuột đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng.

“Không có thành tích trong chiến đấu”

Lập hồ sơ chỉ trong một tháng

* Ngày 27-7-2015, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên làm việc với Ban chỉ huy quân sự TP Tuy Hòa và Ban chỉ huy quân sự P.5 triển khai lập thủ tục hồ sơ.

* Ngày 13-8-2015, Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh Phú Yên họp, thống nhất 100%.

* Ngày 20-8-2015, Ban thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên thống nhất.

* Ngày 25-8-2015, UBND tỉnh Phú Yên có tờ trình gửi Ban Thi đua khen thưởng trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho ông Ngoạn.

Ngày 9-10, một lãnh đạo Ban tuyên huấn Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk xác nhận giai đoạn ông Đào Tấn Ngoạn công tác tại Thị ủy thị xã Buôn Ma Thuột “không có thành tích chiến đấu”.

“Giai đoạn này cụ Ngoạn chỉ làm công tác lãnh đạo, không tham gia chiến đấu - một trong những yếu tố quyết định để phong tặng hoặc truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang” - vị này phân tích.

Cũng theo Ban tuyên huấn Bộ chỉ huy quân sự Đắk Lắk, năm 2014 Bộ chỉ huy quân sự và Tỉnh ủy Phú Yên có đề nghị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk lập hồ sơ về thành tích chiến đấu của ông Ngoạn tại địa phương.

Đơn vị cũng nhận được cuốn sách Đào Tấn Ngoạn - Kôn Meo - Ama Lộc - Từ quê lúa Tuy Hòa đến đại ngàn Trường Sơn (Kôn Meo - Ama Lộc là hai tên gọi khác của ông Đào Tấn Ngoạn) nói về nhiều thành tích của ông Ngoạn trong giai đoạn công tác tại Đắk Lắk.

Tuy nhiên đối chiếu với lịch sử Đảng bộ Thị ủy thị xã Buôn Ma Thuột và phỏng vấn các lão thành cách mạng cùng thời, Ban tuyên huấn Bộ chỉ huy quân sự Đắk Lắk không ghi nhận ông Ngoạn có thành tích đặc biệt nào.

“Dựa trên căn cứ xác minh, đơn vị có văn bản tham mưu để Tỉnh ủy Đắk Lắk trả lời Tỉnh ủy Phú Yên là cụ Ngoạn không có thành tích đặc biệt trong giai đoạn công tác tại Đắk Lắk. Còn cụ có thành tích ở huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) và tỉnh Phú Yên như thế nào chúng tôi không biết” - vị cán bộ này nói.

Thành tích do Phú Yên... soạn sẵn

Cũng trong ngày 9-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Trừ - bí thư Huyện ủy A Lưới (Thừa Thiên - Huế) - xác nhận Ban thường vụ Huyện ủy A Lưới đã ký vào hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Đào Tấn Ngoạn.

Tuy nhiên, Ban thường vụ Huyện ủy A Lưới không chủ động lập hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Ngoạn, mà chỉ thực hiện theo công văn đề nghị của Tỉnh ủy Phú Yên và công văn chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, hồ sơ đề nghị này do Phú Yên làm sẵn rồi chuyển ra.

“Chúng tôi tiếp nhận hồ sơ báo cáo thành tích của ông Đào Tấn Ngoạn dài 10 trang do Tỉnh ủy Phú Yên chuyển đến. Sau khi tham vấn ý kiến các nhân chứng là những người sống và chiến đấu cùng thời với ông Ngoạn, Ban thường vụ Huyện ủy A Lưới thấy hợp lý nên đã ký vào hồ sơ thành tích này để gửi lên Ban thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế” - ông Trừ nói.

Về câu chuyện này, ông Trần Thanh Bình, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, cho biết vào tháng 3-2014 Tỉnh ủy Phú Yên có công văn gửi thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đề nghị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xét và đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Đào Tấn Ngoạn.

Xét thấy công lao của ông Ngoạn đã được Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế và huyện A Lưới tôn vinh, ghi nhận trong sách lịch sử Đảng bộ tỉnh và Đảng bộ huyện, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã đồng tình với quan điểm của Tỉnh ủy Phú Yên.

“Tất cả hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng của đồng chí Đào Tấn Ngoạn đều do Phú Yên làm. Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế chỉ xác nhận thành tích đồng chí Ngoạn trong giai đoạn từ tháng 4-1956 đến tháng 10-1960” - ông Bình nói.

Ngày 10-4-2015, Bộ chỉ huy quân sự Thừa Thiên - Huế đã gửi công văn xin ý kiến của Quân khu 4. Phòng tuyên huấn (Cục Chính trị Quân khu 4) đã trả lời: Theo hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, năm 2015 các cơ quan, đơn vị không xét đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Do đó Quân khu 4 không thụ lý hồ sơ ông Đào Tấn Ngoạn, nên ngày 23-4-2015 Bộ chỉ huy quân sự Thừa Thiên - Huế đã chuyển trả toàn bộ hồ sơ cho Bộ chỉ huy quân sự Phú Yên.

Hai lần xét đều có thắc mắc

Ngày 27-7-2015, Bộ chỉ huy quân sự Phú Yên làm việc với Ban chỉ huy quân sự TP Tuy Hòa và Ban chỉ huy quân sự P.5 (nơi ông Ngoạn sống khi đã nghỉ hưu) triển khai lập thủ tục hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Ngoạn.

Lý giải về điều này, đại tá Phạm Văn Hổ - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên - phân bua: “Bữa trước chúng tôi có đề nghị Buôn Ma Thuột làm, nhưng họ trả lời thời gian ông Ngoạn công tác ở đó không có thành tích đặc biệt xuất sắc, mà thành tích đặc biệt xuất sắc là thời kỳ 1956-1960 ở huyện A Lưới, nên A Lưới mới xây dựng hồ sơ báo cáo thành tích.

Ngày 17-7-2015, Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị có văn bản về việc nghiên cứu xét truy tặng danh hiệu Anh hùng gửi Quân khu 5. Cục Tuyên huấn đề nghị Quân khu 5 chỉ đạo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên và các cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền xem xét thành tích hồ sơ của ông Ngoạn. Do vậy, chúng tôi mới thực hiện”.

Ông Huỳnh Ngọc Sanh - nguyên chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Yên (vừa nghỉ hưu ngày 1-10), thành viên cuộc họp xét truy tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Đào Tấn Ngoạn - cho biết:

“Trường hợp bác Ngoạn đã được Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh đưa ra một lần vào cuộc họp ngày 12-3-2014, nhưng khi đó hội đồng nhận định không làm ở Phú Yên được nên đề nghị chuyển lên Buôn Ma Thuột làm. Lần này, tôi đặt câu hỏi là tại sao đợt trước nói Phú Yên không làm được mà nay lại tổ chức họp để thống nhất đề nghị thì người chủ trì cuộc họp cho biết trên Buôn Ma Thuột và Thừa Thiên - Huế đều không làm được”.

Còn ông Phạm Minh Chu - phó giám đốc Sở Nội vụ, trưởng Ban thi đua khen thưởng tỉnh Phú Yên - cho hay: “Tại cuộc họp của Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh có ý kiến thắc mắc, cho rằng quy trình làm hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho cụ Ngoạn chưa đúng. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng là những tấm phiếu kín của các thành viên và kết quả đạt 100%”.

Tạm dừng xét truy tặng

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, ngày 25-8 UBND tỉnh Phú Yên có tờ trình gửi Ban Thi đua khen thưởng trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đề nghị trình truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Đào Tấn Ngoạn.

Tuy nhiên, sau đó có bảy vị nguyên lãnh đạo tỉnh Phú Yên gửi đơn thư kiến nghị đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cho rằng hồ sơ truy tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Ngoạn làm không đúng với quy định hiện hành, trường hợp ông Ngoạn phải do Thành ủy Buôn Ma Thuột đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng chứ không phải Phú Yên.

Theo ông Nguyễn Hữu Đoạt - phó vụ trưởng Vụ I, Ban Thi đua khen thưởng trung ương, sau khi có kiến nghị nêu trên, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã tạm dừng việc này.

Ông Đoạt còn nói theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, việc xét phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ đã kết thúc trong năm 2014.

V.V.THÀNH - PV

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên