Cụm kiến trúc Hải Vân quan trên đèo Hải Vân trong tình trạng lộn xộn, hoang phế - Ảnh: THÁI LỘC |
Quyết định trên được đưa ra sau cuộc bàn bạc giữa đại diện ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng tại TP Huế ngày 4-11.
Theo đó, khu vực 1 - khoanh vùng bảo vệ di tích được thống nhất rộng gần 1.300m2, gồm cổng Hải Vân quan (hướng về Đà Nẵng) và cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan (hướng về phía Huế) và hệ thống cổ lũy bằng gạch đá.
Khu vực 2 - khoanh vùng bảo vệ di tích rộng hơn 5.300m2 gồm một đoạn con đường thiên lý xưa chạy qua đỉnh đèo (nay là quốc lộ 1) và các yếu tố cảnh quan liên quan. Phương án quản lý di tích sau khi được công nhận, bước đầu được thống nhất do hai địa phương cùng phối hợp tổ chức.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, cụm kiến trúc cổ trên đỉnh đèo Hải Vân là “cửa ngõ” phía nam của khu vực kinh đô triều Nguyễn ở Huế (cùng với Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo Ngang là “cửa ngõ” phía bắc).
Các kiến trúc này, người xưa xây dựng dựa trên địa hình tự nhiên. Tuy nhiên sau này, khi phân định địa giới hành chính các tỉnh thành, người ta lại dựa vào đường phân thủy (đường đỉnh núi) để phân chia. Do đó kiến trúc Hải Vân quan (và cả Hoành Sơn quan) nói trên nằm trên đường phân giới, dẫn đến sự tranh chấp di tích âm ỉ.
Cuộc họp ngày 4-11 không đề cập vấn đề tranh chấp như lâu nay vẫn diễn ra âm ỉ đối với hệ thống kiến trúc cổ lũy này.
Hồ sơ di tích dự kiến sẽ được đệ trình Bộ VH-TT&DL vào cuối năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận