03/12/2022 09:14 GMT+7

Lập đội chuyên trách bắt đổ rác bậy

BẠCH NAM
BẠCH NAM

TTO - Vào dịp cuối năm khi nhu cầu dọn dẹp nhà cửa, thay mới đồ đạc của người dân tăng, các điểm đất trống ven đường, dọc kênh rạch được "biến" thành những điểm tập kết rác thải, đổ rác bậy.

Lập đội chuyên trách bắt đổ rác bậy - Ảnh 1.

Tấm biển cấm đổ rác nghiêng ngả giữa đống rác thải xung quanh - Ảnh: BẠCH NAM

Theo phản ảnh của người dân, Tuổi Trẻ ghi nhận tại khu vực dọc bờ sông Vàm Thuật (phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM) có vô số rác thải lớn nhỏ bị đổ chất đống.

Đổ rác bậy dọn không xuể

Tại các đoạn đường vắng thậm chí còn có cả "núi rác" tích tụ lâu ngày trải dài gần chục mét, trên mớ rác này chuột, gián chạy khắp nơi.

Rác thải tại đây chủ yếu gồm rác thải công nghiệp, xây dựng và một số ít là rác thải sinh hoạt. Ngoài ra trên mặt đất còn vương vãi các mảnh kim loại, kính vỡ và linh kiện điện tử.

Theo người dân sống tại đây, ngoài vấn nạn đổ rác bậy, khu vực ven sông Vàm Thuật còn có tình trạng đốt rác thải kim loại lén lút với số lượng lớn để lấy dây đồng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cũng như ô nhiễm khói bụi.

Anh Sơn, một nhân viên công ích tại đây, cho biết: "Phần lớn rác thải tại đây do người từ nơi khác thuê xe ba gác đem đến đổ. Họ canh lúc tối khuya để tới đổ rồi rời đi nhanh chóng. Chúng tôi thì chỉ làm đúng nhiệm vụ dọn rác của dân thôi chứ đống rác bên sông đó thì quá nhiều nên vượt quá khả năng của chúng tôi".

Anh Sơn cũng góp ý phải gắn camera giám sát và cử người theo dõi thì mới mong bắt được những người đổ rác bậy và có phương án xử lý triệt để.

Còn bà Thảo, người dân buôn bán quán nước ở khu vực bờ sông Vàm Thuật, kể lại có khi rác thải còn lấn sâu ra lòng đường, người dân qua đường phải né. Mới đây người dân thấy không chịu được phải bỏ mấy triệu đồng để dọn đống rác cao như núi.

Bà Thảo cho biết thêm, chính quyền địa phương đã nhiều lần bắt phạt các đối tượng đổ rác bậy nhưng chỉ được một thời gian ngắn đâu lại vào đó.

"Giờ muốn triệt để thì dân phải đóng góp sức bằng cách hỗ trợ phường theo dõi và phường phải phạt nặng thì mới răn đe được. Không có gì là không thể, chỉ cần mạnh tay đánh vào túi tiền người vi phạm thì họ sẽ sợ", bà Thảo góp ý.

Cần sự chung tay của người dân

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Lê Phan Quang Tiến, phó chủ tịch UBND phường An Phú Đông - phụ trách đô thị, cho biết UBND phường thường xuyên tổ chức kiểm tra và giám sát. 

Tuy nhiên do các đối tượng xả thải thường canh đổ rác vào tối khuya hoặc rạng sáng nên dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện và xử lý.

"Nhằm khắc phục tình trạng đổ rác không đúng nơi quy định, phường đã và đang thực hiện những giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế để quản lý công tác vệ sinh môi trường. Cụ thể, phường sẽ tăng cường phối hợp tuyên truyền và giáo dục đối với người dân. 

Từ đó xây dựng cơ chế huy động vai trò của người dân, cộng đồng tham gia phát hiện, ghi hình, tố giác các đối tượng xả rác nơi công cộng. 

Đồng thời, phường sẽ có những hình thức khen thưởng, biểu dương cá nhân và đơn vị kịp thời phát hiện đối tượng vi phạm và trình báo lên chính quyền địa phương xử lý", ông Tiến chia sẻ.

Cũng theo ông Tiến, thời gian tới phường cũng sẽ tiến hành lắp đặt camera và thành lập đội chuyên trách việc giám sát và kiểm tra xung quanh khu vực bờ sông, kênh rạch để xử lý vấn nạn này.

Còn Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết trong thời gian đợi các dự án cải tạo kênh rạch đã được thông qua sẽ thi công, sở này sẽ phối hợp các quận, huyện, TP Thủ Đức đảm bảo môi trường và không để xảy ra lấn chiếm kênh rạch.

Mời tham gia diễn đàn "Kênh rạch Sài Gòn xưa - nay và ngày mai"

Vấn đề bảo vệ môi trường kênh rạch hiện là một thử thách đối với chính quyền và người dân TP.HCM - nơi tập trung sinh sống, làm ăn của hơn 10 triệu dân. Vùng đất Sài Gòn - Gia Định từ 300 năm qua đã gắn liền với sông Sài Gòn và những dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé...

Đó là huyết mạch giao thông, giao thương, tiêu thoát nước, xử lý môi trường và cũng là nét văn hóa của TP đông dân nhất nước.

Dù chính quyền có đề ra nhiều chính sách, luật lệ môi trường, nhưng ý thức sinh hoạt cộng đồng trong mỗi cư dân sẽ là yếu tố quyết định để bảo vệ cho những dòng kênh mãi xanh.

Từ ngày 2-12, Tuổi Trẻ chính thức phát động diễn đàn "Kênh rạch Sài Gòn xưa - nay và ngày mai" để trân trọng tiếp nhận góp ý của quý bạn đọc. Nội dung viết về những ký ức, văn hóa kênh rạch xưa và nỗi buồn ô nhiễm của hôm nay, đồng thời hiến kế xây dựng cho ngày mai. Bài viết xin gửi về email [email protected].

(tác giả vui lòng ghi tên, số điện thoại và tài khoản giúp báo Tuổi Trẻ thuận lợi chi trả nhuận bút).

Thành phố hướng sông - Kỳ cuối: Thành phố hướng sông - Kỳ cuối: 'Hồi sinh' dòng xanh thành phố và trách nhiệm mỗi người

TTO - Chiều cuối thu thanh bình, những người trẻ sinh năm 2000 đi dưới hàng cây xanh đôi bờ Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngày nay chắc chắn khó biết được dòng kênh dài gần 10km này từng ô nhiễm khủng khiếp và "chở" bao phận người nghèo khó như thế nào.

BẠCH NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên