03/03/2010 09:04 GMT+7

Lắp đặt hầm Thủ Thiêm ra sao?

NGỌC ẨN - PHÚC HUY
NGỌC ẨN - PHÚC HUY

TT - Câu hỏi này được nhiều người quan tâm, thắc mắc khi lần đầu tiên trong nước lắp đặt hầm lớn nhất Đông Nam Á có chiều dài 1.490m. Hơn 700 kỹ sư và công nhân ở 16 đơn vị, cơ quan đang chuẩn bị cho công tác lai dắt và lắp đặt hầm Thủ Thiêm dưới đáy sông Sài Gòn từ ngày 7-3. Công việc này sẽ kéo dài trong bốn tháng.

CWyWlUwy.jpgPhóng to
Đốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên đang được kéo ra sông Lòng Tàu - Ảnh: T.T.D.
pY65zsTI.jpgPhóng to
Kỹ thuật dìm hầm
6RHy8rGY.jpgPhóng to
Lai dắt đốt hầm
42EbriHo.jpgPhóng to
Bể đúc các đốt hầm
TZruOmK4.jpgPhóng to
Đường lai dắt các đốt hầm từ bể đúc (Nhơn Trạch, Đồng Nai) về sông Sài Gòn - Đồ họa: Như Khanh

Kịch bản lai dắt các đốt hầm

Chiều 2-3, Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM đã báo cáo UBND TP kịch bản công tác lai dắt và lắp đặt các đốt hầm (thuộc hạng mục xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn, dự án đại lộ Đông - Tây). Theo đó, hầm số 1 sẽ được kéo về vị trí lắp đặt vào ngày 7-3 và dìm hầm ngày hôm sau. Tương tự, ba đốt hầm còn lại được lai dắt về vị trí lắp đặt vào tháng 4, 5 và 6. Để lai dắt mỗi đốt hầm nặng hàng chục ngàn tấn từ Nhơn Trạch (Đồng Nai) đến khu vực Thủ Thiêm với đoạn đường dài 22km là công việc không dễ dàng.

Kịch bản cho biết ngoài việc thuê bốn tàu kéo của Thái Lan để làm tàu kéo chính, còn một tàu kéo khác dự phòng và hai tàu đẩy cảnh giới, năm canô cao tốc hành trình cùng đoàn lai dắt từ vị trí bể đúc hầm đến vị trí dìm hầm làm nhiệm vụ dẫn đường, cảnh giới.

Sẽ diễn tập vào ngày 6-3

Chiều 2-3, sau khi nghe báo cáo kịch bản lai dắt và lắp đặt các đốt hầm Thủ Thiêm, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: đây là hầm dưới đáy sông đầu tiên ở VN, phải huy động các lực lượng chuyên môn thực hiện sao cho đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình lai dắt, lắp đặt hầm.

Tại cuộc họp, một số đơn vị liên quan băn khoăn nếu sử dụng tàu kéo 3.200-3.500 mã lực sẽ không đảm bảo cho quá trình lai dắt các đốt hầm, nên chăng sử dụng tàu kéo từ 4.000 mã lực trở lên? Tuy nhiên, phía nhà thầu Obayashi (Nhật) cho rằng đơn vị này từng lai dắt thành công một số dự án với quy mô tương tự. Ông Lê Hoàng Quân đề nghị nhà thầu cam kết và chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Dự kiến trước khi chính thức lai dắt các đốt hầm, ngày 6-3 các đơn vị liên quan sẽ có cuộc diễn tập công việc này.

Từ 7g ngày 7-3 tại bờ đê bể đúc, “lệnh xuất phát” được ban hành và bắt đầu lai dắt đốt hầm số 1 về vị trí lắp đặt với vận tốc 3,7-5,5km/giờ. Trong vòng khoảng sáu giờ sau, đốt hầm sẽ về đến vị trí cần lắp đặt. Sau đó nhà thầu xoay đốt hầm và neo đậu, chuẩn bị công tác dìm hầm vào sáng hôm sau.

Quá trình lắp đặt hầm kéo dài 10-13 giờ, bắt đầu lúc 9g ngày 8-3. Trước khi lắp đặt, mọi hoạt động lưu thông tàu biển và các phương tiện thủy nội địa khác quanh khu vực dìm hầm sẽ tạm ngưng lại trong 36 giờ. Công việc này sẽ kết thúc lúc 23g cùng ngày.

Từ thời điểm này đến trưa hôm sau là công việc bịt lối vào bên trong hầm trên mái, tháo dỡ các thiết bị phụ trợ, thu hồi các rùa neo... Lễ nối kết, thông đốt hầm số 1 với đường dẫn phía Thủ Thiêm dự kiến tổ chức sáng 10-3.

Một số tình huống sự cố và các phương án xử lý cũng được đặt ra, chẳng hạn như trong quá trình lai dắt đốt hầm có thể va phải vật chìm dưới đáy sông, đứt dây kéo đốt hầm, các tàu nhỏ mất điều khiển và trôi gần đến đốt hầm; hoặc tình huống tàu kéo bị tắt máy, vách ngăn đầu hầm bị thủng hoặc sự cố buộc phải đánh chìm đốt hầm tại chỗ khi bị nước rò rỉ vào bên trong không thể khắc phục được...

Lắp đặt các đốt hầm ở độ sâu 12-13m

Khu vực lắp đặt bốn đốt hầm Thủ Thiêm đã hoàn thành nạo vét 450.000m3 bùn dưới đáy sông Sài Gòn để đạt độ sâu âm 12-13m.

Để dìm hầm đúng vị trí dưới đáy sông, nhà thầu áp dụng định luật Archimedes bằng cách bơm nước vào hầm để đưa hầm đang nổi trên sông từ từ hạ xuống đáy sông và sử dụng hệ thống GPS (định vị toàn cầu) để xác định chính xác vị trí lắp đặt đốt hầm. Đồng thời mỗi đốt hầm được lắp đặt hai tháp định vị cao 26m để khi hầm dìm sâu dưới đáy sông thì tháp định vị vẫn còn nhô cao trên mặt nước vài mét. Theo đó, công nhân sẽ từ tháp định vị theo cầu thang xuống hầm dìm để làm việc.

Sau khi đặt hầm đúng vị trí, bên dưới đáy đốt hầm sẽ được bơm cát để đốt hầm nằm ổn định trên bệ cát và bên trên nóc đốt hầm dìm được phủ lớp cát dày 3m để an toàn cho đốt hầm dưới đáy sông, không bị phương tiện thủy bên trên va đập. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 8-2010 hoàn thành lắp đặt toàn bộ bốn đốt hầm Thủ Thiêm...

Theo thiết kế, hầm Thủ Thiêm cho phép tất cả các loại xe lưu thông trong hầm, không hạn chế xe gắn máy. Tuy nhiên, việc cho phép loại xe nào lưu thông còn phải chờ Sở Giao thông vận tải TP xem xét và đề xuất UBND TP chấp thuận.

Chùm ảnh lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm:

CtUt28FN.jpgPhóng tovNnlUrjD.jpgFVtMPDOE.jpg3CR1QUT6.jpgĐốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên được kéo ra ra sông Lòng Tàu (ảnh chụp chiều 2-3) - Ảnh: Trần Tiến Dũng

* Tin bài liên quan:

Dời thời gian lắp đặt đốt hầm Thủ ThiêmChỉ có thể khắc phục nếu chất lượng cốt bêtông còn tốtHầm dìm Thủ Thiêm nứt, hầm hở lún quá mứcKhắc phục hiện tượng rạn nứt tại 4 đốt hầm Thủ Thiêm cần sớm thực hiệnTìm tư vấn đánh giá sự cố nứt đốt hầm Thủ ThiêmCả 4 đốt đều nứtHầm Thủ Thiêm sắp nối đôi bờ sông Sài GònChuẩn bị lắp các đốt hầm Thủ ThiêmĐạt khối lượng thi công trên 70%Vết nứt ở bốn đốt hầm Thủ Thiêm: đang trong tầm kiểm soátSửa chữa vết nứt 4 đốt hầm Thủ ThiêmXây dựng nhánh cầu Thủ Thiêm chậm một năm vì chờ giải tỏaBơm nước kiểm tra các đốt hầm Thủ ThiêmTP.HCM: tạm ngưng lưu thông hàng hải để thi công hầm Thủ Thiêm

NGỌC ẨN - PHÚC HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên