31/10/2017 21:14 GMT+7

Lập danh sách ca khúc cấm thay vì cấp phép từng bài hát

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Hành lang pháp lý nào để 'cởi trói' ca khúc xưa (sáng tác trước năm 1975) vẫn còn là câu hỏi lớn chưa có lời giải.

Hội thảo chuyên đề Hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức sáng 31-10 tại Hà Nội chưa đưa ra được giải pháp nào khả thi.

Dù được báo chí kỳ vọng sẽ là chủ đề thảo luận sôi nổi tại hội thảo, tuy nhiên việc cấp phép ca khúc xưa lại không được đưa ra bàn thảo ngay từ đầu cho đến khi báo chí đặt vấn đề.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Vương Duy Biên vẫn giữ quan điểm sẽ cởi mở hơn trong việc cấp phép phổ biến các ca khúc xưa và có thể phân quyền về địa phương.

Nhưng tạo hành lang pháp lý ra sao để các địa phương thực thi việc này được thuận lợi nhất thì ông Biên thú thật: "Các bạn cùng nghĩ chung chứ tôi cũng chưa nghĩ ra!".

Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến đặt vấn đề có nên xoá bỏ việc cấp phép các tác phẩm sáng tác trước năm 1975 hay không? 

Bởi nếu còn duy trì việc cấp phép ca khúc xưa có nghĩa là không chấp nhận hòa hợp, hòa giải dân tộc.

Ông Nguyễn Hữu Ngân (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hải Dương) ví von: việc lập danh sách cấm cũng như nhặt sạn trong một thúng cát, dễ hơn nhặt từng hạt cát. 

"Trên website của cục đăng tải các bài hát được cấp phép, nhưng tôi tra thì bài có, bài không, nên phải tra lại Google xem bài hát đó ra đời năm bao nhiêu, trước hay sau năm 1975".

Đại diện Bộ Tư pháp cũng nghiêng về phương án lập danh sách các ca khúc cấm thay vì cấp phép phổ biến từng bài hát. 

Tuy nhiên, ông Vương Duy Biên cho rằng đề xuất này khó khả thi bởi khó có thể cập nhật được hết danh mục bài hát.

Phải biết giới trẻ đang thích gì

Một thực trạng khác được ông Lê Minh Tuấn, cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn, nêu ra là hiện nay nhiều clip ca nhạc có ca từ nhảm nhí và hình ảnh phản cảm được phổ biến, truyền tải tự do.

Ông Nguyễn Văn Trực, Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội, cũng phàn nàn về những bài hát "lời lẽ ngô nghê, nghe chẳng hiểu gì".

"Những tác phẩm được thẩm định qua các hội đồng nghệ thuật trước khi ra công chúng lại không được giới trẻ yêu thích" - ông Trực nói.

Với thực trạng này, bà Nguyễn Thị Minh Châu, phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN, đề nghị: "Chúng ta coi thường các bài hát đó, cho rằng không có giá trị nghệ thuật và không nghe, không xem. Nhưng chúng ta phải xem để hiểu nó là cái gì, để biết giới trẻ đang thích cái gì".



V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên