Tọa đàm do Trường ĐH Sài Gòn, báo Tiền Phong, hệ thống giáo dục Tesla tổ chức sáng 1-12 tại TP.HCM.
Tôi tán thành việc lắp camera ở các lớp học mần non. Nhưng đây chỉ là cái ngọn. Đã ngăn chặn nạn bạo hành thì phải làm tận gốc, chứ không chặt ngọn. Gắn camera thì ai giám sát, ai quản lý. Đã có trường hợp gắn camera, nhưng đến thời điểm xảy ra sự cố thì camera lại bị ngắt
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ
Tại hội thảo, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - cho biết: "Mỗi năm Việt Nam có khoảng 3.000-4.000 vụ bạo lực trẻ em tại các trường mầm non nói riêng và xã hội nói chung.
Trẻ từng bị bạo hành thường sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và thể chất, có trẻ còn mắc chứng "rối loạn và căng thẳng hậu chấn thương".
Một phụ huynh đã kể với tôi rằng: "Con chị đã quá ám ảnh và sợ hãi với việc người lớn cầm dao đe dọa trẻ nhỏ trong trường mầm non. Khi chị dẫn con đi ăn hủ tiếu, thấy bà chủ cầm dao xắt thức ăn, cháu đã hốt hoảng chạy trốn...".
Kiểm tra mức độ yêu thương trẻ
Luật sư Ngọc Nữ nhận định: "Trẻ nhỏ như những mầm cây, các em quá yếu ớt, không thể tự bảo vệ mình.
Các em được cha mẹ gửi đến trường với hi vọng các cô giáo như người mẹ thứ hai, chăm sóc học sinh bằng phương pháp sư phạm và tình yêu thương của mình.
Ở những gia đình bận rộn, trẻ ở nhà còn ít hơn ở trường. Các em gắn bó và gần gũi với cô giáo nhiều hơn cả với cha mẹ. Giao con cho những giáo viên mầm non lạnh lẽo trong tình cảm, cư xử bạo hành với trẻ, khác nào giao trứng cho ác".
Theo bà Nữ: "Ở các nước phát triển, việc đào tạo giáo viên mầm non quan trọng như đào tạo bác sĩ. Giáo viên tương lai phải làm bài kiểm tra trắc nghiệm và xử lý tình huống, để được đánh giá mức độ yêu thương trẻ nhỏ".
Trong khi đó, ở nước ta tình trạng thiếu giáo viên mầm non đã khiến các trường, nhóm, lớp mần non khó tuyển dụng được giáo viên đã tốt nghiệp sư phạm mầm non.
Hiện tại, tiêu chuẩn của một cô nuôi dạy trẻ mà nhiều nhóm, lớp màm non tư thục đang áp dụng: là người tốt nghiệp THPT và trải qua khóa đào tạo 3-6 tháng về nuôi dạy trẻ.
Chúng ta còn thiếu trầm trọng trường mầm non. Khi trường mầm non công lập không đủ chỗ, nhiều phụ huynh phải chấp nhận gửi con đến trường tư thục, các cơ sở giữ trẻ tư nhân.
Ngoài những trường mầm non tư thục tốt dành cho học sinh con nhà khá giả, tại các địa phương vẫn còn khá nhiều lớp, nhóm trẻ mần non tư thục chất lượng thấp.
Theo tôi, tình trạng bạo hành trẻ trong trường, lớp mầm non có nhiều nguyên nhân. Như từ việc nhà trường giao quá nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu, thành tích... cho giáo viên. Do phụ huynh yêu cầu bé phải tăng cân mỗi tháng. Đây chính là nguyên nhân gây áp lực nặng nề nhất cho các cô nuôi dạy trẻ. Bữa ăn của trẻ có khi là sự kinh hoàng đối với nhiều giáo viên mầm non.
ThS Phan Thị Thu Hà (hiệu trưởng Trường MN Tesla)
Điều chỉnh thời gian thực tập cho sinh viên
Cô Nguyễn Như Ngọc - nguyên giáo viên mầm non ở Q.Thủ Đức, TP.HCM - đề nghị: "Giáo viên mầm non cần nhất là cái tâm, sự yêu nghề, mến trẻ.
Các trường đào tạo giáo viên mầm non cần cho sinh viên, học viên đi thực tập, kiến tập ở trường mầm non ngay từ những năm đầu tiên để sinh viên hiểu được công việc thực tế khó khăn, vất vả như thế nào.
Nếu sinh viên thấy yêu trẻ thì tiếp tục học, không thì chuyển ngành nghề khác. Tôi thấy nhiều bạn tốt nghiệp sư phạm mầm non, được phân công nhiệm sở hẳn hoi, nhưng về trường dạy một thời gian ngắn thì bỏ việc, rất lãng phí tiền bạc vàthời gian".
Còn TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao - trưởng khoa giáo dục mầm non Trường ĐH Sài Gòn - cho biết sẽ xem xét để điều chỉnh thời gian và thời điểm cho sinh viên đi kiến tập, thực tập.
Bà Dao khẳng định: "Cách đây 3 năm, khi một số vụ bạo hành trẻ bị phanh phui, chúng tôi đã bổ sung, lồng ghép các kiến thức liên quan đến bạo hành trẻ MN vào các môn học như "nghề giáo viên mầm non", "giao tiếp sư phạm mầm non".
Trong việc phát triển chương trình chu kỳ 2016-2020, tập thể cố vấn chuyên môn và ban chủ nhiệm khoa giáo dục mầm non đã cập nhật một môn học mới là "giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non" để hướng dẫn, rèn luyện về cách thức, kỹ năng quản lý cảm xúc cho giáo viên mầm non tương lai.
Vấn đề đào tạo giáo viên mầm non có thể nói tạm ổn nhưng việc giáo viên tốt nghiệp, đi làm với cường độ cao, áp lực công việc nặng nề, ít được quan tâm về sức khỏe tinh thần lại là chuyện khác".
Theo ThS Phan Thị Thu Hà - hiệu trưởng Trường mầm non Tesla, tình trạng bạo hành trẻ có chấm dứt được hay không là do con người.
"Phụ thuộc vào việc tuyển dụng giáo viên vào trường mầm non; vào quá trình giám sát của cán bộ quản lý các cấp với các cơ sở giáo dục trẻ mầm non, với người nuôi dạy trẻ" bà Hà phân tích.
Đà Nẵng: rà soát, kiểm tra các cơ sở mầm non
Ngày 1-12, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện chỉ đạo kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở giáo dục mần non trên địa bàn về việc đảm bảo các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ theo đúng quy định hiện hành.
Đồng thời có báo cáo chuyên đề về loại hình ngoài công lập, đặc biệt là nhóm, lớp độc lập tư thục quy mô từ 8-50 trẻ, và nhóm dưới 7 trẻ.
Rà soát lại toàn bộ đội ngũ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, người lao động tại các trường mầm non tư thục và nhóm, lớp độc lập tư thục theo đúng quy định của điều lệ trường mầm non.
UBND TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo Sở GD-ĐT có hướng dẫn chi tiết cho các cơ sở giáo dục mầm non, về đề cương báo cáo tình hình đội ngũ cán bộ quản lý, chủ nhóm, giáo viên, cấp dưỡng; điều kiện về cơ sở vật chất, quy mô số lượng trẻ/nhóm, lớp; việc tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ mầm non; việc đảm bảo an toàn cho trẻ; công tác thực hiện chế độ chính sách cho người lao động... theo quy định của Bộ GD-ĐT.
ĐOÀN CƯỜNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận