21/04/2018 09:52 GMT+7

Lao vào phân lô bán nền đẩy giá đất Phú Quốc cao ngất ngưởng

KHOA NAM
KHOA NAM

TTO - Tình trạng tách thửa, chia nhỏ đất nông nghiệp rồi mua đi bán lại diễn ra tràn lan, đẩy giá đất ở Phú Quốc (Kiên Giang) lên ngất ngưởng.

Lao vào phân lô bán nền đẩy giá đất Phú Quốc cao ngất ngưởng - Ảnh 1.

Rất đông người dân làm thủ tục đo đạc tách thửa tại chi nhánh Văn phòng đ8ang ký đất đai tại Phú Quốc - Ảnh: K.NAM

Một cán bộ Phòng tài nguyên - môi trường huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cho biết theo quy định, trước năm 2018 việc tách thửa đất nông nghiệp không bị cấm.

Tuy nhiên, nếu tách thửa để chia nhỏ mảnh đất ra bán nền là sai, nhưng người ta vẫn mua bán, chuyển nhượng ào ào.

Ông Trần Văn Còn - ngụ ấp Suối Đá, xã Dương Tơ, Phú Quốc - cho hay ông có 7ha đất trồng tiêu, chôm chôm, sầu riêng. Năm 2012, ông bán 4ha với giá 20 tỉ đồng. Hiện tại mảnh đất này đã chuyển chủ tới 6 lần, giá bây giờ là 4 tỉ đồng/công (1.000m2).

Mảnh đất vườn từ 20 tỉ ban đầu, sau 6 năm đã vọt lên tới 160 tỉ đồng. "Tui biết họ tách thửa rồi bán nhiều miếng, mỗi miếng khoảng 1-2 công mới có giá đó, chứ bình thường không thể có giá như vậy" - ông Còn nói.

Ông P.T.Tuân - làm "cò" đất khoảng 4 năm nay ở Phú Quốc - giải thích thêm đất vườn cách xa đường thì người ta mua từng miếng lớn vài hecta, bất kể đã tách nhiều thửa hay chưa.

Còn đất mặt tiền đường nam - bắc đảo, vòng quanh đảo, đường tránh thị trấn Dương Đông..., tách mỗi thửa khoảng 200-400m2 rồi bán theo nền với giá 2-7 tỉ đồng/nền tùy vị trí xa hay gần trung tâm đảo.

Tấp vào 1 khu đất được treo bán "dự án" khu dân cư trên đường Dương Đông - Cửa Cạn, đoạn qua ấp Gành Gió, xã Cửa Dương, chúng tôi được nhân viên tiếp thị chào mua nền nhà với giá 2,2-2,7 tỉ đồng/nền rộng hơn 100m2.

Một nhân viên tên Huy giới thiệu: "Đất mặt tiền chúng em không bán, nhưng phía trong thì vô tư. Chúng em đã đối chiếu quy hoạch cẩn thận, anh yên tâm mua nền".

Lao vào phân lô bán nền đẩy giá đất Phú Quốc cao ngất ngưởng - Ảnh 2.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đất F1 và đất F2

Khi được hỏi đất có chuyển mục đích lên thổ cư (đất ở lâu dài) chưa, nhân viên "dự án" khu dân cư trên trấn an: "Chỉ là đất trồng cây lâu năm, nhưng yên tâm, chúng em sẽ hỗ trợ anh chuyển lên thổ cư đúng theo quy hoạch".

Tại 1 văn phòng giao dịch đất đai khác ở đường Nguyễn An Ninh, thị trấn Dương Đông, cô nhân viên ngồi trực ở đây nói: "Cả đảo Phú Quốc, bất kể đất nền, đất công gì cũng đều là đất trồng cây lâu năm, rất hiếm có đất thổ cư đưa ra giao dịch".

Cũng như dự án nói trên, cô nhân viên tiếp thị cũng khẳng định: "Dự án" mà công ty chào bán dù hiện tại là đất trồng cây lâu năm, nhưng về lâu về dài thì cứ yên tâm mà xây nhà rồi lên thổ cư.

Theo giới "cò" đất có kinh nghiệm ở Phú Quốc, những người dám bỏ tiền đầu cơ đất 5-7 năm trước được gọi là "đời F1". Gần hơn, cách đây 2-3 năm được coi là "đời F2".

Chỉ giới đầu cơ đời F1, F2 mới có cơ hội mua gom đất từng miếng lớn để chờ giá. Còn từ tháng 11-2017 tới nay, đất Phú Quốc bước vào giai đoạn ồ ạt phân lô bán nền. Cái này giới đầu cơ gọi là: "chia nhỏ suất đầu tư, tối đa hóa lợi nhuận".

Lao vào phân lô bán nền đẩy giá đất Phú Quốc cao ngất ngưởng - Ảnh 3.

Chào bán đất nền ở ấp Ông Lang, xã Cửa Dương - Ảnh: K.NAM

Không dễ có một dự án dân cư

Ông Phan Hoàng Tuấn - chủ tịch UBND xã Cửa Cạn - cho biết việc các tổ chức, cá nhân từ các nơi về xã mua bán đất rồi phân lô bán nền, làm "dự án khu dân cư" xã không kiểm soát được, vì xã không có thẩm quyền.

"Chúng tôi cũng đang phối hợp rà soát để báo cáo lên cấp trên. Hiện ước trên địa bàn có khoảng 20 khu phân lô bán nền, tập trung chủ yếu ở ấp 2 và 3. Các dự án đều nằm trên đất nông nghiệp. Giá bán tăng từng ngày" - ông Tuấn nói.

Theo ông Trần Công Sơn - phó ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, để có 1 dự án khu dân cư không hề đơn giản. Trước hết, thửa đất xin chủ trương đầu tư dự án phải nằm trong vùng quy hoạch đất dân cư.

Rồi nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính. Chưa kể dự án khu dân cư muốn đưa ra thị trường chào bán phải qua sàn giao dịch bất động sản được pháp luật công nhận, phải hoàn thiện hạ tầng: điện, nước, đường giao thông nội bộ... Và quan trọng nhất là phải có công trình xây dựng trên đất.

Quy định là vậy, với những gì chúng tôi chứng kiến, có đến 90% gọi là "dự án khu dân cư" đang chào bán rầm rộ ở Phú Quốc hiện nay chỉ có mảnh đất trống, con đường 3-4m xẻ ngang, cắt dọc và 1 bản vẽ chia lô.

Mua đất nền thì phải hết sức thận trọng

Trả lời báo chí, ông Võ Văn Lên - giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Phú Quốc - cho biết từ đầu năm đến nay, lượng hồ sơ đăng ký làm thủ tục liên quan tới đất đai tại huyện đảo này tăng đột biến gấp 2-3 lần. Hiện còn tồn 7.000 hồ sơ đang chờ giải quyết.

Ông Huỳnh Quang Hưng - phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - cũng cho hay hiện nay địa phương này còn tồn đọng trên 4.000 hồ sơ xin cấp chứng nhận quyền sử dụng đất chưa giải quyết xong.

Bà Võ Thị Vân, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Kiên Giang, cho hay trước đây việc làm thủ tục tách thửa đất trồng cây khá đơn giản. Nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, UBND tỉnh Kiên Giang đã quy định muốn tách thửa đất trồng cây lâu năm, diện tích tối thiểu phải là 500m2.

Mục đích của quy định này chính là để hạn chế tình trạng phân lô bán nền ở Phú Quốc.Ông Đặng Đức Giới - tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển bất động sản Đặc Khu (DK Land) - khuyến cáo hiện tại giá đất Phú Quốc đã có dấu hiệu khựng lại, nhất là từ khi có tin sắp có đợt thanh tra. Cho nên, nếu chọn đầu cơ mua đất nền thì phải hết sức thận trọng.

Còn trường hợp người dân muốn mua đất làm nhà ở thực sự thì phải chọn dự án được phê duyệt chính thức, phù hợp quy hoạch, có hạ tầng hoàn chỉnh, thậm chí là phải đáp ứng nhu cầu sinh sống trong tương lai vài chục năm tới để mua. Tránh trường hợp "sập bẫy" đất nền ảo sẽ lâm cảnh tiền mất tật mang.

Luật sư Trần Công Ly Tao: Chính quyền buông lỏng quản lý

Thực tế để xảy ra tình trạng lách luật phân lô bán nền là do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, thậm chí "bắt tay" với doanh nghiệp để cố tình làm sai quy định. Bản thân các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi kinh doanh chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân, nếu quản lý không chặt sẽ dễ dẫn đến việc doanh nghiệp, nhà đầu tư bắt tay, thông đồng cùng chính quyền thao túng để trục lợi.


Quy định đầy đủ, quan trọng là việc thực thi luật pháp như thế nào. Do vậy, việc quan trọng nhất hiện nay là xây dựng hệ thống quản lý rõ ràng, tạo điều kiện để người dân giám sát các hoạt động về quản lý đất đai. Khi quyền lực quản lý được giám sát, chính quyền quản lý địa phương mới làm đúng trách nhiệm của mình. (Tiến Long ghi)

Sốt đất TP.HCM: Thông tin ra sao, thực ảo cỡ nào?

TTO - Hai tháng nay, giá nhà đất nhiều quận, huyện ở TP.HCM đồng loạt lên “cơn sốt”, tăng 30-40%. Thậm chí có khu vực tăng hơn 100% bởi có tin đồn quy hoạch huyện lên quận, sáp nhập các quận thành thành phố mới.

BĐS Phú Quốc quý II-2018: sốt giá, nhà đầu tư chuyển hướng

Sau khi tuyên bố rời bỏ thị trường Phú Quốc, bà Hoàng Liên, đại diện một nhóm đầu tư BĐS đến từ Hà Nội, bất ngờ báo rằng mình vừa tìm được vài căn nhà rất hấp dẫn tại đảo ngọc.

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên