Cô giáo Oanh và học sinh trong một tiết dạy - Ảnh: THANH TÚ |
Ở đó, dù có khó khăn, có vất vả thật nhưng đã tiếp thêm ngọn lửa yêu nghề và lòng nhiệt huyết. Nhưng trên hết, tôi đã rèn nghề từ môi trường đó”, cô giáo Phạm Thị Thúy Oanh (45 tuổi), trường Tiểu học Thủ Khoa Huân, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, khẳng định.
Ngày đó, ngay sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm, cô giáo trẻ tuổi 21, quê thị xã Gò Công điền vào đơn nguyện vọng được đến những vùng đất vùng sâu, vùng xa của tỉnh Tiền Giang để dạy học.
Cô Oanh kể từ nhỏ cô quen sống với cuộc sống thành thị nhưng trong những buổi học trên giảng đường, cô được nghe thầy cô của mình kể về những vùng nông thôn nghèo khó, ở đó chuyện vận động được các em đến trường đầy đủ cũng đã là cả một vấn đề chứ chưa nói đến chuyện các em có chịu khó học hay không. Những câu chuyện đó cứ thôi thúc cô giáo trẻ Phạm Thị Thúy Oanh sẽ phải thử thách mình trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó.
“Ngày nhận quyết định, tôi một mình đạp xe đạp gần 100km từ nhà đến ngôi trường tiểu học ở xã Tân Hưng, huyện Cái Bè để nhận nhiệm vụ. Ngày đó, đường bùn lầy lội, bánh xe cứ dính chặt xuống mặt đường mà dù cố đẩy xe cũng di chuyển chậm chạp”, cô Oanh nhớ về thời tuổi trẻ.
Những ngày đầu mới lên, cũng có thầy cô đã không chịu nổi những khó khăn vất vả nên đã bỏ ngang. Một số cô giáo xa gia đình lâu ngày không chịu được cũng tìm cách chuyển địa bàn.
“Tôi cũng có những phút yếu lòng nhưng cũng may, những suy nghĩ tiêu cực cũng nhanh qua khi tôi tìm được niềm vui trong công việc”, cô Oanh kể.
Những buổi chiều sau tiết học trên lớp xong, thấy em nào không đến trường như thường lệ cô cùng các đồng nghiệp đến tận nhà các em để nắm tình hình, vận động các em quay lại lớp để tiếp tục học.
Ở cái xứ miếng ăn còn chưa đủ, các em chỉ muốn cùng cha mẹ ra đồng kiếm vài ký lúa chét, bắt con tôm con cá để no cái bụng thì việc vận động các em quay lại trường không hề đơn giản. Nhưng ngày nào cô cũng đến tận từng xóm, vận động từng em nên sĩ số lớp của cô không hề hao hụt.
Mùa nước nổi, khu nhà cho giáo viên nước ọc ạch đến chân giường. Đêm nằm nơm nớp lo rắn rết bò vào mùng. Thế nhưng cô không bỏ trường mà ở lại để cùng phụ huynh, học sinh đắp để bao chống lũ. Kê bàn ghế trong lớp để không bị hư hại.
“Cũng nhờ thế, những giáo viên quen sống trong sung sướng như tôi càng cảm thông hơn cho các em học sinh và phụ huynh. Nếu lỡ có trường hợp nào có ý định nghỉ học giữa chừng thì chúng tôi cũng biết được nguyên nhân từ đâu để khuyên nhủ”, cô Oanh nói.
Đến giờ, nhiều học sinh được cô vận động quay lại lớp ngày ấy giờ là công an, giáo viên, kỹ sư.
Thử thách ở vùng đất trũng 6 năm, cô Oanh được chuyển về giảng dạy tại trường tiểu học Tân Long, TP. Mỹ Tho. Đây là một ngôi trường trên cồn Tân Long - một cù lao thưa người nằm ở hạ lưu sông Tiền, phương tiện đi lại chủ yếu bằng đò ngang.
Môi trường mới không kém phần khắc nghiệt tiếp tục thử thách cô. Những năm đó, ngành giáo dục thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ thông tin vào giáo dục và cô Oanh trở thành người tiên phong trong phong trào sử dụng giáo án điện tử, trình chiếu bằng phần mềm PowerPoint. Phương pháp này sau đó được chính cô hướng dẫn, nhân rộng trong trường.
Năm 2011, cô được phân công về dạy tại Trường tiểu học Thủ Khoa Huân, trường trọng điểm của TP. Mỹ Tho.
Gần 24 năm đứng trên bục giảng, với các nhiệm vụ được phân công như giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy bồi dưỡng, tổ trưởng chuyên môn, . . . là suốt ngần ấy năm cô phấn đấu không ngừng để học hỏi, tìm tòi, sáng tạo để nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.
Em Nguyễn Châu Huỳnh Giang, là học sinh giỏi nhiều năm liền của lớp do cô Oanh làm chủ nhiệm nhận xét: “Cô dạy rất nhiệt tình. Những gì tụi con khó hiểu, cô dạy đi dạy lại đến khi nào ai cũng biết cô mới qua bài mới. Chúng con coi cô như người mẹ thứ hai của mình nên bất cứ thứ gì chúng con cũng có thể chia sẻ với cô”.
Còn cô Lê Thị Minh Thắm, hiệu trưởng Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân, nhận xét cô Oanh là giáo viên có nghiệp vụ vững vàng, quan tâm chăm sóc học sinh chu đáo và có tinh thần tự học, tự rèn luyện. Cô được phụ huynh, đồng nghiệp tính nhiệm cao và là tấm gương có nhiều giáo viên trẻ noi theo.
Liên tục từ 1995 đến nay, cô Phạm Thị Thúy Oanh đều đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, 3 lần chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Năm 2009, cô đón nhận Bằng khen của Thủ tướng và tháng 12-2013 cô vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 3. Tháng 10-2016, cô được vinh dự đại diện giáo viên toàn tỉnh Tiền Giang dự lễ “Tuyên dương nhà giáo và học sinh tiêu biểu năm học 2015-2016” tại Hà Nội do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận