16/07/2021 09:53 GMT+7

Lào muốn thành 'viên pin xanh' của Đông Nam Á

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Các dự án điện gió và điện mặt trời công suất lớn đang được khẩn trương triển khai tại Lào, hiện thực hóa tham vọng đưa quốc gia này trở thành nhà cung cấp năng lượng xanh của khu vực Đông Nam Á.

Lào muốn thành viên pin xanh của Đông Nam Á - Ảnh 1.

Một nhà máy điện mặt trời nổi tại tỉnh An Huy, Trung Quốc - Nguồn: Laotian Times

Rất nhiều cái "nhất" trong các dự án năng lượng tái tạo đang quy tụ tại Lào. Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, điện từ các dự án này sẽ tỏa đi các nước xung quanh, bao gồm Việt Nam và Thái Lan.

Nguồn thu ngoại tệ

Hôm 12-7, Chính phủ Lào và các cổ đông Nhà máy thủy điện Nam Theun 2 đã nhất trí phát triển dự án Nhà máy điện mặt trời nổi Nam Theun 2. Với công suất lên tới 240 MW, đây là nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới.

Tận dụng mặt biển hoặc hồ để lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời không còn là ý tưởng mới và đã có tại một số nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan. Lợi ích lớn nhất của cách làm này là tận dụng được tối đa diện tích mặt nước, hạn chế sự bốc hơi tại các hồ dự trữ nước ngọt vào mùa khô.

Dự án điện mặt trời nổi tại Lào đặc biệt ở chỗ kết hợp với hồ chứa nước cho Nhà máy thủy điện Nam Theun 2. Các tấm pin mặt trời sẽ được lắp nổi trên mặt nước, bao phủ một khu vực rộng khoảng 320ha hồ chứa. 

"Dự án điện mặt trời Nam Theun 2 sẽ cung cấp điện an toàn, tin cậy và không tác động đến môi trường" - ông Jean-Philippe Buisson, phó chủ tịch Tập đoàn Electricite de France (EDF) của Pháp - khẳng định với Hãng tin Tân Hoa xã. EDF là một trong ba cổ đông lớn của dự án Nam Theun 2.

Việc xây dựng Nhà máy điện mặt trời nổi Nam Theun 2 sẽ bắt đầu vào năm 2022 và đi vào hoạt động từ năm 2024, cùng thời điểm vận hành một nhà máy điện gió của Mitsubishi ở Lào. 

Trong thông cáo tháng 6-2021, Mitsubishi xác nhận sẽ cùng với hai công ty Thái Lan xây dựng nhà máy điện gió trên bờ lớn nhất Đông Nam Á với công suất 600 MW. Phần lớn lượng điện sẽ cung cấp cho Việt Nam, góp phần giải quyết bài toán thiếu điện vào mùa khô, theo tuần báo Nikkei Asia của Nhật Bản.

Xuất khẩu điện là một trong những nguồn thu ngoại tệ của Lào, nhưng đó sẽ là lần đầu tiên nước này xuất khẩu điện gió. Theo Vientiane Times, kể từ khi khai thác năm 2010, 95% lượng điện từ Nhà máy thủy điện Nam Theun 2 được cung cấp cho Thái Lan.

Phổ cập điện mặt trời

"Ánh sáng không đơn giản chỉ là ánh sáng mà còn là cuộc sống, một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân tại đây" - ông Teung, trưởng làng Thai Phai Bai nằm ven sông Nam Theun của Lào, nói với đoàn công tác của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tháng

12-2020. Có được nguồn điện ổn định là ước mơ của nhiều người dân ở Thai Phai Bai khi các dự án thủy điện trên sông Nam Theun triển khai.

Tuy nhiên, do vị trí hiểm trở nên lưới điện quốc gia không đến được Thai Phai Bai, buộc người dân phải sử dụng máy phát điện - vốn gây ô nhiễm và chỉ dành cho những nhà có điều kiện.

Cuộc sống tại Thai Phai Bai đã thay đổi từ khi một dự án điện mặt trời tư nhân xuất hiện. Được gọi là mạng lưới điện "mini", hệ thống điện tại làng Thai Phai Bai tách biệt với lưới điện quốc gia. Người dân được trao quyền quản lý và sẽ tự thỏa thuận giá điện họ cho là hợp lý với nhà đầu tư, theo UNDP.

Ông Koun, một người lớn tuổi trong làng, đã rất xúc động khi có điện. Ký ức của ông và những người đồng niên là những ngày vất vả cạo mủ cây trong rừng làm chất đốt ban đêm. 

Những ngày mưa gió, không cạo được mủ thì tối hôm đó phải chịu cảnh tối tăm. "Giờ chỉ cần ngồi một chỗ và bật nhẹ công tắc là có ánh sáng buổi đêm. Cuộc sống thay đổi hoàn toàn" - ông Koun chia sẻ.

Tháng 2-2020, Lào ký biên bản ghi nhớ với một công ty Trung Quốc dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi ở hồ chứa thủy điện Nam Ngum 1, công suất 1.200 MW và bao phủ diện tích 1.500ha nhưng chưa rõ thời gian triển khai.

Chính phủ Lào cam kết 98% dân số sẽ có điện dùng vào năm 2030, tăng từ 90% của năm 2015, theo UNDP.

Việt Nam, Lào bàn về Biển Đông và nguồn nước Mekong Việt Nam, Lào bàn về Biển Đông và nguồn nước Mekong

TTO - Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith ngày 28-6 chia sẻ một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông và việc sử dụng nguồn nước sông Mekong.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên