21/06/2018 10:52 GMT+7

Lào giao nhà thầu Trung Quốc xây thêm thủy điện, dân Mekong lo ngại

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Chính phủ Lào vừa gửi thông báo tới Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết nước này dự kiến xây đập thủy điện lớn thứ 4 trên dòng chính sông Mekong, sau 3 đập thủy điện Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng.

Lào giao nhà thầu Trung Quốc xây thêm thủy điện, dân Mekong lo ngại - Ảnh 1.

Bản đồ các công trình đập thủy điện trên dòng Mekong, trong đó có các đập của Lào - Nguồn: CGIAR/INTERNATIONAL RIVERS, Đồ họa: V.CƯỜNG

Thông báo về kế hoạch xây đập thủy điện 770MW tại Pak Lay, tỉnh Xayaburi của Lào khiến công luận các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong ngạc nhiên, lo lắng.

Bất thường

Đập thủy điện dự kiến Pak Lay thuộc tỉnh Xayaburi, nằm phía dưới xuôi về hạ lưu so với thủy điện Xayaburi hiện đã gần hoàn thành và cách biên giới Thái Lan gần 100km. Lào dự kiến khởi công dự án này vào năm 2022, hoàn thành năm 2029. 

Sở dĩ chính phủ Lào gửi thông báo tới MRC do họ phải thực hiện thủ tục tham vấn trước (prior consultation) theo Quy trình thủ tục thông báo, tham vấn trước & thỏa thuận (PNPCA) của MRC. 

Tới nay, Pak Lay là dự án thủy điện thứ tư trên dòng chính của sông Mekong phải gửi thông báo theo quy trình này.

Bà Maureen Harris - giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á thuộc International Rivers (Những dòng sông quốc tế), một tổ chức phi lợi nhuận giám sát môi trường có trụ sở tại California (Mỹ) - cho rằng thông báo của chính phủ Lào có những điểm bất thường. 

Bà nói: "Trước hết, dự án này dự kiến khởi động năm 2022, tức là còn tới hơn 3 năm nữa. Thế nên việc khởi động quá trình (thông báo) sớm hơn nhiều so với các dự án khác cũng đã trải qua thủ tục này tính tới nay. Thứ nữa, trong thông báo cũng chưa xác định rõ đơn vị nhà thầu cũng như đối tác mua điện". 

Từ đó, bà Harris cho rằng rất có thể đã có những lo ngại tại Lào về tác động môi trường của các đập thủy điện.

Tại một hội nghị thượng đỉnh ở Campuchia hồi tháng 4, các đại diện của MRC đã trình bày những kết quả từ nghiên cứu đánh giá khoa học đồ sộ với chi phí lên tới 4,7 triệu USD xem xét các kế hoạch phát triển công trình trên dòng sông, vốn là nguồn cung thực phẩm và nguồn sinh kế quan trọng cho toàn khu vực Đông Nam Á. 

Nghiên cứu cho rằng nếu các dự án hiện tại tiếp tục được thực hiện đúng như kế hoạch, 39-40% trong tổng sinh khối cá (trị giá 4,3 tỉ USD) sẽ biến mất vào năm 2040 tại khu vực hạ lưu châu thổ sông Mekong (trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam), nơi có khoảng 200 triệu người đang phải sống nhờ vào dòng sông.

Bất kể việc MRC bày tỏ quan điểm tin tưởng rằng những tác động tiêu cực của dự án đập thủy điện Pak Lay có thể được giảm thiểu qua quy trình tham vấn trước, giới chuyên gia Thái Lan ngay lập tức lên tiếng phản đối, cho rằng dự án này sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm những ảnh hưởng xuyên biên giới với sinh kế của người dân cũng như hệ sinh thái của dòng Mekong.

Điện mặt trời đánh bại thủy điện

Tại Hội nghị thượng đỉnh MRC hồi tháng 4-2018, những đại biểu chủ trương sử dụng năng lượng có thể tái tạo ca ngợi quyết định của Thái Lan dừng mua điện từ thủy điện Pak Beng có công suất 912MW của Lào. 

Họ ca ngợi nó như "điểm bùng phát" trong giai đoạn chuyển đổi từ thủy điện sang năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió. Thái Lan là một trong những đối tác mua điện chính của Lào.

Cũng vừa mới tháng 1 năm nay, báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế cho biết giá điện mặt trời đã được "san bằng", bằng chứng là trong khoảng từ năm 2010-2017 đã giảm 73% giá bán. 

Từ đó, cơ quan này dự đoán giá bán điện mặt trời còn giảm tiếp một nửa vào năm 2020 và sẽ rẻ hơn thủy điện. 

Trong khi đó, theo kế hoạch, ít nhất phải tới năm 2029 thủy điện Pak Lay mới bắt đầu hòa vào lưới điện của Lào.

Ông Han Phoumin, chuyên gia kinh tế năng lượng cấp cao ở Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á tại Jakarta (Indonesia), cho rằng ở thời điểm hiện tại, thủy điện vẫn đang là lựa chọn cạnh tranh hơn so với năng lượng tái tạo. 

"Sự phát triển của điện gió và điện mặt trời có thể khả thi và tới một thời điểm nào đó, chúng có thể đánh bại thủy điện" - ông Han Phoumin nói.

Tham vọng thủy điện

Theo Đài phát thanh The Thaiger (Thái Lan), tính tới năm 2020, Lào dự kiến có hơn 90 nhà máy thủy điện với tổng công suất gần 14.000MW.

Số đường dây truyền tải điện của Lào kết nối tới các nước láng giềng gồm: 14 đường tải điện tới Thái Lan, 2 tới Việt Nam, 1 tới Trung Quốc, 2 tới Campuchia và 1 tới Myanmar.

Đến tháng 9 năm ngoái, Lào có 42 nhà máy thủy điện đang hoạt động với tổng công suất 6.000MW.

Nhà thầu Trung Quốc?

Theo báo Nation (Thái Lan), dù trang web của MRC không đề cập tới nhà thầu và chi phí xây dựng dự án thủy điện Pak Lay, nhưng nguồn tin của họ cho biết chính phủ Lào đã nhượng quyền phát triển dự án này trong 30 năm cho nhà thầu là các công ty Trung Quốc gồm Công ty Xuất nhập khẩu điện quốc gia Trung Quốc và Công ty Sinohydro.

Chi phí cho dự án ước tính 8 tỉ USD.

Sau Biển Đông, cảnh báo cuối cùng cho sông Mekong

TTO - Viện Lowy của Úc tiếp tục đánh động thế giới về mưu đồ của Trung Quốc đối với sông Mekong, đặc biệt sau khi nước này quân sự hóa xong Biển Đông. Đông Nam Á cần phải hành động trước khi quá muộn.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên