26/02/2020 09:07 GMT+7

Lao động Việt tại Hàn Quốc: Nghi nhiễm COVID-19, đừng ngại đến bệnh viện

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - "Dù cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhưng nếu nghi bị nhiễm COVID-19, người lao động Việt Nam có thể đến các trung tâm y tế, cơ sở khám chữa bệnh để kiểm tra...

Lao động Việt tại Hàn Quốc: Nghi nhiễm COVID-19, đừng ngại đến bệnh viện - Ảnh 1.

Hướng dẫn sử dụng ứng dụng kết nối người đang làm việc ở nước ngoài với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - thương binh và xã hội)

Khi đến nơi này, người lao động bất hợp pháp cũng không phải chịu truy cứu trách nhiệm cũng như truy cứu về vấn đề bất hợp pháp, bởi vấn đề được quan tâm hàng đầu là làm sao ngăn ngừa được dịch bệnh này lây lan trong cộng đồng". Thông tin trên được lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) - Bộ LĐ-TB&XH thông tin cùng Tuổi Trẻ ngày 25-2.

Chưa ghi nhận lao động Việt nhiễm bệnh

Theo Dolab, hiện có gần 50.000 lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Tại hai vùng dịch lớn nhất ở Hàn Quốc là thành phố Daegu và tỉnh Gyeongbuk có hơn 4.000 người. Trong đó, có hơn 1.000 người đang ở thành phố Daegu - nơi được coi là tâm dịch COVID-19 của Hàn Quốc, và trên 3.000 lao động đang làm việc tại tỉnh Gyeongbuk. Ngoài ra còn có trên 11.000 lao động Việt Nam đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Số lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản là gần 230.000 người, tại Đài Loan trên 224.000 người, khu vực Trung Đông (chủ yếu là ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) có khoảng 3.000 lao động Việt Nam.

Trao đổi với Tuổi Trẻ tối cùng ngày, ông Tống Hải Nam, cục trưởng Dolab, cho biết đến chiều tối 25-2, thông tin nhanh từ Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Trung Đông cho biết chưa ghi nhận trường hợp người lao động Việt Nam nào tại các quốc gia này bị nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19.

Theo lãnh đạo Dolab, Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cũng đã thiết lập đường dây nóng số 010-3248-6886 để lao động Việt Nam cần thông tin về dịch bệnh. Bên cạnh đó, công dân, người lao động Việt Nam cũng có thể gọi tới số 010-4356-2505 của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc để được hỗ trợ.

Đừng bỏ qua ứng dụng COLAB SOS

Trung tâm Lao động ngoài nước (COLAB) - Bộ LĐ-TB&XH cho biết tất cả lao động Việt Nam ở nước ngoài đều có thể tải và cài đặt ứng dụng COLAB SOS trên điện thoại để nắm thông tin về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn cách phòng chống, kênh hỗ trợ. Đặc biệt, trên 40.000 lao động do COLAB quản lý đang làm việc tại các quốc gia trên đã được cấp mã số có thể đăng nhập vào COLAB SOS để gửi lời yêu cầu hỗ trợ, và được tiếp nhận xử lý 24/24 giờ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Thị Lan, phó giám đốc COLAB, cho biết từ năm 2019 đơn vị này đã triển khai sử dụng ứng dụng kết nối người lao động đang làm việc ở nước ngoài (COLAB SOS). 

"Tất cả mọi người đều có thể tải và cài ứng dụng này. Tuy nhiên, đến lúc này chỉ có trên 40.000 lao động do COLAB đưa đi làm việc tại Hàn Quốc (36.000 người), Nhật Bản (4.000 người), Đức, Đài Loan (khoảng 1.000 người) có mã số ID để đăng nhập vào hệ thống, gửi bài viết cũng như gửi yêu cầu hỗ trợ thông tin..." - bà Lan cho biết.

Đối với người lao động chưa có dữ liệu cá nhân có thể tải và cài đặt ứng dụng này để theo dõi thông tin, cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng như các hướng dẫn về cách phòng chống dịch bệnh.

"COLAB sẽ trực 24/24h để tiếp nhận thông tin, phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ khẩn cấp đối với người lao động trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến khó lường. Trong trường hợp cần thiết, nếu được Bộ LĐ-TB&XH cho phép và điều kiện nhân lực đảm bảo, COLAB sẵn sàng mở rộng ứng dụng để không chỉ hơn 40.000 lao động của mình có thể sử dụng, mà tất cả lao động người Việt ở các thị trường trên đều có thể vào ứng dụng để yêu cầu hỗ trợ" - bà Lan cho biết thêm.

Động viên lao động ở lại Hàn Quốc làm việc

Động viên, khuyến khích người lao động Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại tỉnh Daegu và Gyeongbuk (Hàn Quốc) yên tâm làm việc, hạn chế đi lại, không đến các vùng có dịch và không rời khỏi quốc gia, vùng lãnh thổ đó khi không cần thiết nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Đó là một trong những nội dung kết luận của bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội

(LĐ-TB&XH) sau khi làm việc với các cục, vụ của bộ này bàn về phòng chống dịch COVID-19, cũng như bàn các phương án ứng phó với tình hình dịch nếu có diễn biến xấu, phức tạp ngày 25-2.

Về việc tiếp nhận lao động là người Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu xây dựng phương án tiếp nhận có chọn lọc, theo trình tự chặt chẽ và có lộ trình đối với một số chuyên gia, lao động tại một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của công việc.

Tất cả các trường hợp lao động quay trở lại làm việc đều phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về việc kiểm tra sức khỏe, cách ly. Ngoài ra, các doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần dừng ngay việc lao động đi làm việc tại các khu vực có dịch.

Về việc trở lại học của học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc tổ chức cho học sinh, sinh viên đi học trở lại bình thường từ ngày 2-3.


Dịch COVID-19 ngày 26-2: Ý tăng vọt lên 322 ca, Hàn Quốc hơn 1.100 Dịch COVID-19 ngày 26-2: Ý tăng vọt lên 322 ca, Hàn Quốc hơn 1.100

TTO - Hàn Quốc có thêm 169 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 1.446, trong khi số ca nhiễm ở Ý cũng tăng vọt lên hơn 300 người.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên