Lao động người Việt làm việc tại một nhà hàng ở Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: Nikkei Asia
Báo Nikkei Asia của Nhật dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ chính phủ nước này đang cân nhắc nới lỏng visa cho lao động nhập cư. Việc điều chỉnh diễn ra trong bối cảnh Nhật đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng và thiếu lao động trầm trọng ở một số ngành nghề.
Theo một đạo luật có hiệu lực vào năm 2019, lao động nhập cư làm việc trong 14 lĩnh vực có kỹ năng như nông nghiệp, điều dưỡng,... chỉ được cấp visa 5 năm. Ngoại trừ ngành xây dựng và đóng tàu, lao động ở 12 lĩnh vực còn lại không được đem theo gia đình.
Các công ty sử dụng lao động đã than phiền về những hạn chế này và thúc giục chính phủ thay đổi, cho phép thêm nhiều lĩnh vực được đem theo gia đình, theo Hãng tin Reuters.
Nguồn tin của Nikkei Asia tiết lộ quy định visa 5 năm sẽ được dỡ bỏ với tất cả 14 lĩnh vực. Họ sẽ được phép gia hạn visa vô thời hạn và được đem theo gia đình sang Nhật.
Theo Reuters, nếu được sửa đổi và có hiệu lực từ năm tới, lao động Việt Nam và Trung Quốc sẽ là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất. Đây cũng là hai nước có nhiều lao động nhập cư đang làm việc tại Nhật dưới danh nghĩa "thực tập sinh kỹ năng".
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Matsuno Hirokazu, lưu ý visa vô thời hạn không đồng nghĩa những người này sẽ tự động có quyền thường trú nhân. Việc xin cấp thẻ thường trú nhân vẫn tuân theo một quy trình riêng biệt.
Nhật Bản từ lâu đã duy trì các chính sách lao động nhập cư nghiêm ngặt. Theo số liệu của chính phủ, quốc gia này có 1,72 triệu lao động nước ngoài vào tháng 10-2020. Khoảng 35.000 người đã ở lại sau chương trình thực tập sinh kỹ năng để giải quyết tình trạng thiếu công nhân.
Lao động nhập cư được xem là một vấn đề nhạy cảm tại Nhật Bản do sự phản đối của các nhóm bảo thủ trong nước, những nhóm xem sự hiện diện của người nước ngoài là mối đe dọa cho lao động địa phương.
Nikkei Asia dự đoán quá trình thông qua sửa đổi mới sẽ còn nhiều trở ngại và kéo dài. Ngoài các nhóm bảo thủ tại Nhật, việc mở cửa cho lao động nước ngoài trong lúc dịch COVID-19 đang gây khó khăn kinh tế cho nhiều người Nhật cũng được xem là một vấn đề nhạy cảm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận