19/10/2018 13:05 GMT+7

Lao động nữ mang thai được chuyển công việc nhẹ hơn

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - "Người sử dụng lao động phải chuyển người lao động nữ mang thai sang làm việc nhẹ hơn mà không bị cắt giảm tiền lương, các quyền, lợi ích…".

Lao động nữ mang thai được chuyển công việc nhẹ hơn - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hà, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cùng ông Craig Chittick, đại sứ Úc tại VN (phải) và ông Bùi Sỹ Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, chủ trì hội thảo - Ảnh: Đ.BÌNH

Đây là một trong những điều được khẳng định tại một chương mới quy định riêng về lao động nữ tại dự thảo Luật lao động sửa đổi, được đưa ra tại hội thảo tham vấn "thúc đẩy bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật lao động", ngày 19-10 do Bộ LĐ-TB&XH, Đại sứ quán Úc, Cơ quan phụ nữ Liên Hiệp Quốc phối hợp tổ chức.

Theo ông Hà Đình Bốn, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ luật lao động sửa đổi đã, đang và sẽ có nhiều hội thảo, lấy ý kiến trên mạng để khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ vào tháng 1-2019. 

Dự thảo luật sửa đổi "có nhiều nội dung cơ bản thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó dành hẳn một chương về lao động nữ theo tinh thần tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ người lao động nữ khi thực hiện chức năng sinh sản, làm mẹ. Hướng tới thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, thu hẹp khoảng cách trong quan hệ lao động…".

Cụ thể, dự thảo đã đưa các phương án sửa đổi về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động bị ngược đãi, bị quấy rối tình dục hoặc bị cưỡng bức lao động. 

Lao động nữ mang thai cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do "phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền".

Ngược lại, chủ sử dụng lao động lại không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người nghỉ việc theo chế độ thai sản. Bên cạnh đó, không được xử lý kỷ luật sa thải đối với lao động nữ có thai, nghỉ thai sản, lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Cùng với việc bố trí việc làm nhẹ nhàng hơn cho lao động nữ mang thai, chủ sử dụng lao động không được bố trí họ làm việc ban đêm, làm thêm giờ, đi công tác xa nếu lao động nữ mang thai không đồng ý.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định về thời gian nghỉ giữa ca đối với lao động nữ trong thời gian hành kinh (30 phút/ngày), nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày mà vẫn hưởng nguyên lương…

Lao động nữ sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60

Dự thảo sửa đổi Bộ luật lao động nêu: từ 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (hiện là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) sẽ điều chỉnh nâng lên thành 62 tuổi với nam và 60 tuổi đối với nữ.

Có 2 phương án, từ 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 nữ đủ 60 tuổi thì nghỉ hưu.

Phương án hai là từ 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên