04/11/2019 09:25 GMT+7

'Lao động chui': Đến được 'miền đất hứa' phải trải qua địa ngục trần gian

Q.NAM - B.DŨNG - V.ĐỊNH - D.HÒA
Q.NAM - B.DŨNG - V.ĐỊNH - D.HÒA

TTO - Trong nhiều nước mà các lao động nghèo quê Nghệ An, Hà Tĩnh tìm đến để làm thuê, Vương quốc Anh được xem như "miền đất hứa". Để đến được đây, những lao động đi theo đường dây chui phải trải qua những hành trình sinh tử, chẳng khác nào địa ngục.

Lao động chui: Đến được miền đất hứa phải trải qua địa ngục trần gian - Ảnh 1.

Những phụ nữ Việt nhập cư phải trú ngụ trong rừng Téteghem, miền bắc nước Pháp, trước khi di chuyển đến địa điểm tiếp theo - Ảnh: VÕ TRUNG DUNG

H.T.L. (quê ở Hà Tĩnh) hiện đang làm trong một trang trại tại Vương quốc Anh. Đây là năm thứ 5 L. sống ở Anh, nhưng chàng trai này nói rằng hầu như anh không được ra bên ngoài.

Để có thể bám trụ và được làm việc như mong muốn trước khi rời quê hương, L. cùng một nhóm 7 lao động cùng quê Hà Tĩnh đã phải trải qua hàng tuần sống chui lủi trong rừng, trực tiếp làm "thùng nhân" trong những container bít bùng rồi vượt biên vào Anh thành công.

Hãi hùng!

L. kể rằng vào năm 2015, khi học hết lớp 12, gia đình L. cắm hết toàn bộ tài sản, vay mượn tổng cộng 19.000 USD để L. chồng tiền cho một đường dây đưa người trong làng qua Anh làm thuê.

Cuối năm, sau khi thỏa thuận được với môi giới, L. được hướng dẫn mua vé máy bay rồi bay qua Nga. Ngay khi xuống sân bay, L. và những người đi cùng được đón lên một xe tải nhỏ và hủy toàn bộ giấy tờ tùy thân, visa để bắt đầu hành trình làm những người tị nạn vô danh.

"Nhóm của tôi đi có 10 người, tất cả đều quê ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Xuống sân bay, không ai biết tiếng địa phương nên người ta chở đi đâu thì đi đó. Chúng tôi được chở tới một ngôi nhà hẻo lánh, những người lạ phát đồ ăn và khóa trái cửa để không ai có thể vào" - L. kể.

L. nói rằng khi bị nhốt lại, mọi người trong nhóm đều vô cùng sợ hãi. Không ai biết phải làm gì bởi tất cả mọi liên lạc đã bị cắt đứt. Hai ngày sau, lúc 23h đêm, hai người đàn ông Nga tới và yêu cầu nhóm lao động lên xe để chở đi qua Ba Lan.

Để đi tới biên giới, đoàn người phải đi bộ xuyên đêm giữa rừng mất 12 tiếng. Quá mệt và đói khát khiến nhiều người ngã quỵ. Để có nước uống, từng người phải cởi quần áo nhúng vào bãi bùn sình rồi vắt ra, ngả đầu đổ vào cuống họng.

Nhưng đường xa, đói khát chưa phải là thử thách kinh khủng nhất. L. cho biết những người Nga dẫn đường rất hung dữ, người nào đi chậm thì lập tức bị vụt gậy vào lưng. Khi đến các đoạn đường có trại gác của lính biên phòng, người dẫn đường ra hiệu cho các lao động phải nằm rạp xuống, bò lê từng mét một rồi bất ngờ vụt dậy chạy thục mạng.

Tối ngày hôm sau, khi dừng chân tới một địa điểm sát biên giới giữa Nga và Ba Lan, cả nhóm được một chiếc xe tới đón và di chuyển thêm 5-6 tiếng.

"Nhưng ngay cả khi lên được xe, không ai được ngồi trên khoang mà phải dồn vào trong cốp xe, chồng lên nhau. Khi tới địa điểm tiếp theo, cả nhóm mới được cho ra bên ngoài để "lấy khí thở". Từ đây, hành trình tiếp theo sẽ đến Pháp và mất khoảng 18 giờ di chuyển nữa" - L. nói.

Quãng đường từ Ba Lan sang Pháp khá "dễ thở" khi lực lượng an ninh không kiểm tra gắt như trước đó từ Nga qua Ba Lan. Nhóm người được lên khoang xe nhưng không được ngồi mà phải nằm rạp người dưới các hàng ghế để tránh bị phát hiện. Thỉnh thoảng tài xế lại dừng xe mua bánh, nước uống phát cho các lao động.

Hai ngày sau khi rời khỏi Nga, nhóm lao động của L. qua được nước Pháp và được dồn vào một ngôi nhà hoang trong rừng. Tại đây, hàng trăm người lao động nhập cư theo diện chui cũng đã được đưa về đó ăn ở từ trước để chờ di chuyển tới địa điểm tiếp theo hướng về biên giới nước

Anh. L. rùng mình khi kể lại quãng thời gian hãi hùng ở Pháp này và cho biết điều xót xa, đau khổ nhất không phải là chuyện bị hạn chế tắm giặt, hôi hám, mà là những người "quản thúc" nhóm lao động di cư ép những nữ lao động phải quan hệ tình dục với chúng.

"Chúng chọn những cô gái trẻ, mặt mũi sạch sẽ rồi ép họ phải ngủ cùng. Nhiều cô gái rất trẻ khi phải rơi vào cảnh này đã quỳ van xin nhưng không được buông tha. Tất cả những gì diễn ra không khác gì địa ngục trần gian mà không một ai được biết trước" - L. kể.

Những chuyến xe may rủi

L. kể rằng quãng thời gian mà hàng trăm lao động được quản thúc trong ngôi nhà ở Pháp, mỗi giây phút trôi qua đều là cả một sự kịch tính. Địa điểm tập kết này như một trạm trung chuyển mà từng lao động tùy theo sự may mắn, nguồn tiền từ gia đình đóng vào cho các "cò" trong đường dây sẽ được những tên quản thúc gọi tên lên xe đi về hướng biên giới để tới Anh.

Mỗi đêm như vậy, những chuyến xe lại tới rồi chở theo cả chục người đi. Khi được gọi tên, nhiều người rơi nước mắt vì họ tiếp tục hi vọng sẽ trở thành người may mắn vào được Anh. Nhưng ở một chiều ngược lại, có những chuyến xe chở những người vào Anh thất bại và buộc phải trở lại ngôi nhà này để đón tàu trở về.

Hơn 2 tháng kể từ ngày rời quê hương, giây phút quyết định sự thành bại của chuyến hành trình được bắt đầu. Một quản thúc cầm tờ giấy gọi tên L. cùng mấy người Nghệ An, Hà Tĩnh đi cùng. Cả nhóm phải rời đi và hướng đến là một bãi tập kết các xe container.

Ai cũng biết rằng những chiếc thùng xe dài và kín mít kia sẽ là nơi mà họ sẽ phải chui vào, nằm ép mình hàng chục giờ đồng hồ để trải qua những giây phút cuối cùng quyết định đến việc xâm nhập vào Anh.

Để lên được container này, các lao động được hướng dẫn nấp sau một cánh rừng. Khi tài xế dừng xe, từng người được gọi tên sẽ chạy thật nhanh ra phía sau container rồi mở cửa chui vào phía trong. Mọi việc phải diễn ra thật gọn lẹ, không có bất kỳ sự chậm trễ hay sơ suất nào. Nếu bị phát hiện thì tất cả chuyến hành trình sẽ đổ bể.

Gói L. đi là gói "cỏ", nên khi chui vào được bên trong, tài xế không hề biết sau thùng xe là các lao động lẻn vào để qua Anh. Khi chuyến xe tới được Anh, tài xế dừng xe mở thùng hàng và biết có người nhập cư ở phía trong nên lập tức gọi điện cho cảnh sát.

"Tụi tôi thấy vậy nên liều mình lao ra khỏi thùng xe rồi chạy tán loạn. Người thì lao về phía rừng cây, có người nhảy xuống ao. Cảnh sát đến rất nhanh và dẫn chó nghiệp vụ rượt đuổi, phía trên thì trực thăng rà quét" - L. nhớ lại.

Trong chuyến xe vượt biên vào Anh năm ấy, L. là một trong hai người may mắn trốn thoát, không bị cảnh sát bắt giữ. Anh cho biết khi nằm im dưới một nắp cống sau nhiều giờ bị truy đuổi, anh tìm cách liên lạc với bạn bè tại Anh và được chỉ cho cách đến các trại nhận lao động. Anh được nhận vào làm phụ bếp trong một tiệm đồ ăn nhỏ với mức lương khá cao.

Rủi may với gói "VIP", gói "cỏ"

cs anh

Cảnh sát và nhân viên pháp y Anh làm việc tại hiện trường chiếc xe tải chứa thi thể tại Essex - Ảnh: REUTERS

P.T.T., trú tại thị trấn Nghèn, H.Can Lộc, Hà Tĩnh, từng có 6 năm lang bạt đi chui vào các nước Nga, Đức, Pháp, Anh làm thuê. Anh T. hiểu rất rõ đường đi nước bước của các lao động chui vào Anh. Tùy vào khoản tiền mà mỗi lao động đóng cho đường dây, họ sẽ được đưa lên các loại container với hai "gói lựa chọn": gói đi "VIP" và gói đi "cỏ".

Với gói đi "VIP", lao động phải bỏ ra khoản tiền trên dưới 10.000 euro. Với gói đi "cỏ", giá khoảng bằng một nửa gói "VIP".

"Các lao động đi gói "VIP" thì tài xế sẽ biết để điều chỉnh nhiệt độ trong thùng. Ngược lại, nếu đi gói "cỏ" thì tính mạng của các lao động sẽ hoàn toàn trông chờ vào sự may rủi", anh T. nói.

Đường dây Đường dây 'cò' đưa 'lao động chui' sang châu Âu ra sao?

TTO - Hầu hết những "lao động chui" đều thông qua một mạng lưới "cò" ở địa phương. Các "cò" đều là các mắt xích ở các ngôi làng có người thân đi nước ngoài thành công và móc nối được với đường dây lớn hơn.

Q.NAM - B.DŨNG - V.ĐỊNH - D.HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên