26/04/2012 03:40 GMT+7

Lao đao đời cát

MINH ĐĂNG
MINH ĐĂNG

TT - Sau hơn một năm UBND TP Đà Nẵng nghiêm cấm khai thác cát sạn trên sông Yên và sông Túy Loan, hàng trăm người dân trên địa bàn huyện Hòa Vang đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn vì không có việc làm và nợ nần bủa vây.

WEaibSv6.jpgPhóng to
Sau gần 40 năm làm cát, ông Trần Mua (74 tuổi) chuyển sang nghề đánh bắt cá, thu nhập 20.000-50.000 đồng/ngày - Ảnh: Minh Đăng

Khi quyết định nghiêm cấm khai thác cát sạn trên sông Yên và sông Túy Loan được thực hiện, gần 700 lao động làm việc cho 59 chủ phương tiện khai thác cát (có đăng ký) tại các địa phương thuộc huyện Hòa Vang như Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Tiến... phải ký cam kết từ bỏ ngành nghề này. Và đến nay, phần lớn những người này đang trong tình trạng không có việc làm, hoặc làm thời vụ nên không đủ sống.

Xã Hòa Nhơn là địa phương có số người làm cát sạn nhiều nhất huyện Hòa Vang, với 70 hộ dân gồm 294 lao động làm nghề này. Theo ông Nguyễn Tấn Phát - phó chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, phần lớn người dân không có đất sản xuất nên gặp nhiều khó khăn khi từ bỏ nghề làm cát. “Nhiều thanh niên cũng có nguyện vọng học nghề lái xe nhưng đây lại là ngành nghề không thuộc danh mục hỗ trợ học nghề của thành phố. Tự bỏ tiền rất tốn kém nên những người này không đổi nghề được. Những người khác vì lớn tuổi, hoặc học vấn hạn chế nên cũng không mấy mặn mà với các ngành nghề được hỗ trợ đào tạo” - ông Phát cho biết thêm. Công việc không có, lao động dư thừa nên hình ảnh người dân từ thanh niên, phụ nữ đến đàn ông trung niên thường la cà, tụ tập tại các quán xá không còn là hình ảnh hiếm gặp tại các địa phương dọc triền sông Túy Loan, sông Yên.

Không chỉ thất nghiệp, nhiều gia đình còn lao đao bởi món nợ vay mượn để đầu tư phương tiện hành nghề từ hàng chục năm nay vẫn chưa trả hết. Anh Võ Minh (xã Hòa Nhơn), người có ba chiếc thuyền khai thác cát trị giá 540 triệu đồng, đang rơi vào tình cảnh khó khăn vì số nợ ngân hàng ngày một “phình” ra. “Nửa năm nay tui không đóng được một đồng tiền lãi nào vì vay bên ngoài lãi còn cao hơn cả ngân hàng. Giờ thì lãi mẹ đẻ lãi con, biết vậy nhưng bó tay rồi” - anh Minh cho biết. Không có việc làm, anh phải mở tạm một quán ăn nhỏ dựng ở mé sông để duy trì cuộc sống, vỏ của một trong ba chiếc thuyền làm cát được tháo ra để làm bờ chắn, hai chiếc còn lại bỏ chỏng chơ.

Theo thống kê của Phòng Công thương huyện Hòa Vang, số tiền người dân bỏ ra mua sắm phương tiện hành nghề khai thác cát xấp xỉ 18 tỉ đồng. Khi việc khai thác cát sạn bị nghiêm cấm, khối tài sản tiền tỉ này trở thành phế liệu. “Xẻ thịt” bán phế liệu hoặc tận thu là số phận chung của các con tàu khai thác cát một thời. “Lâu lắm mới gặp một vài người địa phương khác đến hỏi mua để về khai thác cát “chui”, biết mình đang thất thế nên họ cũng ép mua bằng một phần mười giá trị con tàu” - chủ tàu cát Võ Ngọc Nghiêm (xã Hòa Nhơn) chia sẻ.

Tháng 8-2011, UBND huyện Hòa Vang đã có tờ trình gửi chính quyền TP Đà Nẵng đề xuất hỗ trợ 463 triệu đồng cho các phương tiện ngừng khai thác cát sạn trên địa bàn, tuy nhiên đề xuất này đã không được thông qua. TP Đà Nẵng yêu cầu huyện Hòa Vang rà soát các hộ dân có hộ khẩu thường trú tại huyện Hòa Vang có đăng ký kinh doanh khai thác cát sạn để có phương án chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp.

MINH ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên