Con số này chỉ khái quát một phần tình trạng ảm đạm của thị trường bất động sản trong năm qua. Thực tế bức tranh thị trường còn khó khăn, ảm đạm hơn nhiều khi liên tục các quý trong năm 2023 thị trường này tăng trưởng âm, thậm chí có quý tăng trưởng âm trên hai con số.
Việc đột ngột chuyển trạng thái, từ một thị trường đang phát triển nhộn nhịp, sôi động sang "đóng băng", mất thanh khoản trong thời gian ngắn cho thấy thị trường bất động sản phát triển vừa qua tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Suốt gần 10 năm qua, thị trường bất động sản phát triển quá nóng, giá bất động sản tăng phi mã, sốt đất cục bộ xảy ra ở nhiều nơi. Có thời điểm người người, nhà nhà đổ xô mua bán bất động sản.
Trong khi đó, các công cụ cả về chính sách lẫn công tác quản lý chưa đủ để ngăn chặn làn sóng đầu cơ, thổi giá, tạo ra cơn sốt nóng ở các địa phương.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng bị cuốn vào cơn sốt của thị trường để rồi bằng mọi cách vay ngân hàng, huy động vốn bằng nhiều nguồn để đầu tư dàn trải các dự án.
Cuộc chạy đua vào các dự án hạng sang, dự án cao cấp đã khiến cho nguồn cung sản phẩm ra thị trường lệch pha, rất thiếu sản phẩm nhà ở giá bình dân.
Các dự án ở các tỉnh thành ồ ạt hình thành nhưng chỉ là dự án phân lô bán nền phục vụ cho giới đầu cơ, nhu cầu ở thật không có.
Không chỉ tạo ra một thị trường méo mó, những diễn biến thị trường bất động sản 10 năm qua tiếp tục tạo ra dòng tư tưởng tập trung đầu tư vào nhà đất và đầu tư nhà đất sẽ một lời mười, mười lời một trăm...
Hy vọng rằng cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ là cơ hội để thanh lọc lớn ở cả góc độ doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Sau biến động, thị trường sẽ loại bỏ nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư năng lực yếu kém, lạm dụng đòn bẩy tài chính, chạy đua phát triển nóng, quá đặt nặng vào lợi nhuận...
Đây cũng là lúc định hình lại tư duy coi bất động sản là kênh đầu tư siêu lợi nhuận, cũng là lúc dành chỗ cho các doanh nghiệp có tầm nhìn phát triển dài hạn, hướng tới các sản phẩm phát triển theo nhu cầu thực sự của người tiêu dùng.
Như vậy cách tiếp cận nguồn vốn, phát triển, vận hành, kinh doanh tại các dự án cũng sẽ phải thay đổi.
Ở góc độ quản lý, câu hỏi đặt ra: Trong khủng hoảng này, tại sao 70% vướng mắc của dự án là vướng mắc pháp lý? Và tại sao nhiều dự án bị vướng như vậy? Như tại TP.HCM, có đến hơn 150 dự án vướng mắc pháp lý đang được nỗ lực tháo gỡ.
Tại hội nghị vào tháng 8-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các chủ thể gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành, các doanh nghiệp bất động sản, các khách hàng, người dân có nhu cầu mua bán bất động sản đều phải cùng nhau giải quyết vướng mắc, khó khăn của thị trường.
Trong đó, Thủ tướng đề nghị cần đề cao trách nhiệm của mỗi chủ thể vì lợi ích chung, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đây là lúc để các bên liên quan nhìn nhận, xem xét lại toàn bộ trách nhiệm của mình trong phát triển của thị trường.
Mong rằng năm 2024 thị trường bất động sản sẽ dần hồi phục, lành mạnh và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận