Ông Trần Minh Châu (Tân Bình, TP.HCM) đột ngột sốt cao, khó thở, lạnh do cơ thể không thích ứng kịp khi thời tiết chuyển lạnh - Ảnh: X.MAI
Làm sao tránh bệnh do trời lạnh "tấn công"?
Người già, trẻ nhỏ nhập viện nhiều
Ba ngày trước, vào đúng thời điểm TP.HCM chuyển lạnh, ông Nguyễn Thanh Tâm (60 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất vì lên cơn đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
"Tôi bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đã 9 năm qua, thỉnh thoảng tôi có lên cơn đợt cấp do gắng sức, hít phải khói thuốc lá, bụi bặm… nhưng đây là lần đầu tôi bị lên cơn đợt cấp vì trời trở lạnh. Tôi trở nên khó thở, ho nhiều đờm dù đã chủ động giữ ấm cơ thể" - ông Tâm nói.
Dù ở tuổi 85, ông Trần Minh Châu (ngụ quận Tân Bình) vẫn khỏe mạnh, ít bệnh tật, duy trì tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày. Thế nhưng do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh vừa qua tại TP.HCM, ông Châu đột ngột sốt cao, khó thở, lạnh và phải nhập viện điều trị.
"Khoảng 3h sáng, tôi dậy đi vệ sinh rồi thấy trong người hơi mệt, sau đó trở nên khó thở, sốt cao. Thời tiết trở lạnh đột ngột quá, chắc cơ thể người già như tôi không thích ứng kịp, điều này rất nguy hiểm nếu con cái không đưa tôi đi cấp cứu kịp thời" - ông Châu chia sẻ.
Theo thống kê của Bệnh viện Thống Nhất, khoảng một tuần qua, số bệnh nhân nhập viện vì viêm phổi, lên cơn đợt cấp viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, cơ xương khớp… tăng lên 20% so với những ngày thường. Đây là những bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, trùng với thời điểm TP.HCM ảnh hưởng không khí lạnh.
Bên cạnh người cao tuổi, số lượng trẻ em khám bệnh, nhập viện do ảnh hưởng không khí lạnh cũng có xu hướng tăng ở các bệnh viện nhi đồng tại TP.HCM.
Tại Bệnh viện Nhi đồng TP, ông Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc bệnh viện - cho hay lượng bệnh nhi nhập viện ở các bệnh do tác động của thời tiết lạnh như viêm thanh quản cấp, viêm tiểu phế quản, hen suyễn… đang tăng.
Dự kiến, số lượng trẻ nhập viện sẽ tăng thêm nếu nền nhiệt độ các tỉnh miền Nam tiếp tục giảm, có mưa.
Gây nhiều bệnh
BSCKII Nguyễn Duy Cường - phó trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Thống Nhất - cho biết thời tiết chuyển lạnh, ẩm ướt là môi trường thuận lợi cho nhiều vi khuẩn, virus phát triển. Do đó đây là thời điểm bùng phát nhiều bệnh, thường gặp ở những người suy giảm hệ miễn dịch hay hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện như trẻ nhỏ và người lớn tuổi.
Các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, tiểu phế quản với các biểu hiện ho khò khè, khó thở, tăng nhiều chất nhầy và đờm... Đặc biệt, không khí lạnh cũng làm tăng khả năng bùng phát những đợt cấp ở các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn… gây nguy hiểm nếu không cấp cứu kịp thời.
Trời lạnh còn ảnh hưởng đến những người mắc bệnh mãn tính như đái tháo đường, huyết áp, thiếu máu cục bộ… Khi cơ thể không thích ứng kịp với sự thay đổi thời tiết, người bệnh dễ tăng huyết áp đột ngột, lên cơn đau ngực có thể nhồi máu cơ tim, khi đó đột quỵ dễ xảy ra.
Ngoài ảnh hưởng đến các bệnh hô hấp, thời tiết chuyển lạnh cũng làm trầm trọng thêm các vấn đề đối với bệnh nhân có sẵn bệnh lý về xương khớp như viêm khớp dạng thấp, gout... và tăng khả năng viêm da, chàm, ngứa…
Đối với trẻ nhỏ, BS Nguyễn Cát Phương Vũ - khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng TP - cho hay trời chuyển lạnh có nhiều mối nguy hiểm "tấn công" trẻ, gây bệnh cúm mùa, viêm tiểu phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm đường hô hấp trên, tiêu chảy... Trẻ cũng dễ giảm thân nhiệt đột ngột, chân tay tê cóng, hết sức nguy hiểm nếu không cấp cứu kịp thời.
"Trẻ em thường bị giảm thân nhiệt nhanh hơn người lớn. Khi bị giảm thân nhiệt, trẻ sẽ lờ đờ, chậm chạp, nói lắp bắp và người lạnh toát. Còn khi tê cóng, da bé sẽ trở nên xám, trắng bệch lên. Nếu tình trạng này vẫn còn sau ủ ấm, lập tức đưa trẻ đến bệnh viện" - BS Vũ nói.
Phòng bệnh ra sao?
Để chủ động phòng mắc các bệnh trong mùa lạnh, bác sĩ khuyến cáo người dân cần chú ý chăm sóc và giữ ấm cơ thể, ủ ấm kỹ khi ra ngoài trời lạnh. Đây là biện pháp tránh lạnh đơn giản và hữu hiệu nhất để gió lạnh không xâm nhập cơ thể.
Song song đó cần tránh tiếp xúc với người bệnh, rửa tay thường xuyên, ăn chín, uống sôi với chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, đa dạng các nhóm thực phẩm đạm, tinh bột, rau củ, trái cây, vitamin và khoáng chất.
Ngoài ra, người dân không được sử dụng than tổ ong, than củi… trong phòng kín để sưởi ấm. Đã có nhiều trường hợp rơi vào hôn mê sâu, thậm chí tử vong khi hít phải khí CO do sưởi ấm bằng các nhiên liệu trên.
Riêng trẻ nhỏ, bác sĩ Vũ khuyến cáo phụ huynh cần nâng cao sức đề kháng trẻ bằng cách cho trẻ bú sữa mẹ, tiêm chủng vắcxin đầy đủ, người lớn cần rửa tay thường xuyên trước khi bế bé, sau khi thay tã và sau khi ra ngoài về.
Bố mẹ có thể cho bé đi dạo vào tầm 10h sáng hoặc 16h trong ngày, mặc ấm và bế bé trong lòng hoặc cho bé nằm trong xe đẩy, đắp chăn che chân và ngực.
Lưu ý khi tập thể dục trong tiết lạnh
Nhiều người đặt câu hỏi có nên hay không tập thể dục trong tiết trời lạnh giá? Theo bác sĩ Cường, người dân vẫn có thể duy trì thói quen tập thể dục phù hợp với thể trạng nhưng cần giữ ấm bằng cách mặc nhiều lớp áo.
Khi đã thấy cơ thể dần nóng lên, người tập có thể cởi dần từng lớp áo. Lưu ý cần khởi động kỹ trước khi tập nhằm tránh những chấn thương đáng tiếc xảy ra.
Tắm trẻ thế nào trong mùa lạnh?
Tắm hay không tắm cho con trong mùa lạnh thật sự cũng khiến các bố mẹ đau đầu. Bác sĩ Vũ cho hay thực ra trẻ sơ sinh không quá bẩn nên chỉ cần tắm bé 3 lần/tuần là đủ sạch. Với các bé đã ăn giặm và biết bò, bé sẽ bẩn hơn nên cần tắm nhiều hơn.
Tuy nhiên, bố mẹ phải thường xuyên vệ sinh bé sau khi thay tã, dùng tã không mùi và thường xuyên lau nách, cổ bé bằng một khăn ấm vì khi bé uống sữa, sữa có thể trào ra đây và đọng lại.
Để tắm bé an toàn trong mùa đông, phụ huynh chuẩn bị nước tắm bé nên đủ ấm, có thể thử độ nóng thích hợp bằng cách đưa cánh tay xuống nước hoặc đo bằng thiết bị đo nhiệt độ, nhiệt độ lý tưởng nhất là 38 độ, gần bằng nhiệt độ cơ thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận