Ông Cao Hữu Hiếu, tổng giám đốc Vinatex, cho hay năm 2023 là năm khó khăn nhất trong suốt lịch sử của ngành khi chưa bao giờ gặp khó khăn như vậy.
"Kể cả thời kỳ COVID-19, khi cả thế giới và Việt Nam cùng đóng cửa nhưng ta vẫn có đơn hàng phòng dịch, khẩu trang. Năm 2023 là câu chuyện khác hoàn toàn, nhiều đơn vị của tập đoàn đến giờ phút này cảm nhận khó khăn chưa biết điểm dừng lúc nào" - ông Hiếu nói.
Diễn biến thị trường bất lợi, áp lực cạnh tranh giá
Theo ông, kinh tế thế giới và trong nước đều chịu ảnh hưởng tiêu cực của xung đột Nga - Ukraine. Hậu quả sau đại dịch COVID-19 ngày càng ngấm sâu, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, tác động của suy thoái kinh tế làm thay đổi hoàn toàn hành vi tiêu dùng, đặc biệt với lĩnh vực dệt may.
Đến giữa năm 2023, các đoàn xúc tiến thị trường của dệt may đến các nước lớn như Mỹ, châu Âu, cho thấy nhu cầu mua sắm giảm rất sâu.
Trong bối cảnh đó, Vinatex duy trì doanh thu hợp nhất ước đạt 17.225 tỉ đồng, tăng 4,4% và lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỉ đồng, chỉ tăng 1,9%. Kết quả này so với năm 2022 được đánh giá là "rất thấp", không đạt như mong muốn, kỳ vọng.
Theo ông Hiếu, dù đã dự báo sát diễn biến thị trường nhưng không nghĩ "kịch bản xấu nhất đã diễn ra". Do đó, dù có nhiều giải pháp đề ra từ đầu năm nhưng tình hình thị trường với diễn biến xấu và bất ổn ngày càng tăng, không dự báo được đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh.
Với tổng cầu dệt may suy giảm, giá đặt hàng sản xuất có xu thế giảm mạnh, bình quân giảm trên 30%, cá biệt mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%. Các quốc gia tập trung cạnh tranh về giá để lấy được đơn hàng.
Trong khi đó, thu nhập ngành dệt may Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc (330 USD/tháng so với 420 USD/tháng), còn lại cao gấp 3 lần ở Bangladesh, gấp trên 2 lần Ấn Độ, gấp 1,8 lần Campuchia. Chi phí tiền lương công nhân chiếm tỉ trọng 55% giá thành.
Cố gắng giữ chân người lao động
Thêm nữa, tỉ giá VND ổn định trong khi các nước giảm, lãi suất 6 tháng đầu năm của Việt Nam cao hơn các nước khoảng 3%.
Thực tế này tạo ra những yếu tố hết sức bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cạnh tranh về giá, dù năng suất và chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam có thể cao hơn bình quân 10-15%.
Trong bối cảnh như vậy, ông Hiếu cho hay Vinatex chấp nhận giảm lợi nhuận để duy trì lực lượng lao động với thu nhập bình quân của người lao động.
Lương bình quân ước đạt 9,45 triệu đồng/người/tháng, đạt 96% so với năm 2022, nhưng số giờ làm giảm xuống 15%. Mức thu nhập này cao hơn 11% so với mức lương bình quân người lao động cả nước là 8,5 triệu đồng/người.
Năm 2024, ông Hiếu nói nhiều dự báo cho thấy nền kinh tế thế giới có sự cải thiện, nhất là tại thị trường Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%, đây là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại.
Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là một thuận lợi cho các đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam.
Kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng GDP cao hơn 2023. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng có những thách thức mới như tiền lương tối thiểu tăng 6% từ 1-7-2024, giá điện có thể tiếp tục tăng sau khi đã tăng trên 7% năm 2023…
Đây là điều quan trọng để khi thị trường có triển vọng, tập đoàn vẫn giữ chân được người lao động, có sẵn lực lượng để tận dụng cơ hội thị trường tích cực hơn từ giữa năm sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận