Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trò chuyện với các sinh viên - Ảnh: VŨ THUỶ
Sáng 24-10, thường trực UBND TP.HCM có buổi gặp học sinh sinh viên tiêu biểu năm 2019. Tại đây, nhiều ý kiến đã được các bạn trẻ đưa ra ‘hiến kế’ cho sự phát triển của TP trên nhiều lĩnh vực.
Tham dự có ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM, cùng lãnh đạo các sở ban ngành.
Bạn Mai Hải Yến - phó bí thư đoàn trường THPT Mạc Đĩnh Chi - cho biết hiện nay trong nhà trường, các tiết học lý thuyết rất nhiều nhưng thực hành khá ít. Độ chênh giữa số giờ lý thuyết và thực hành là quá lớn, thậm chí rất lâu học sinh mới được học một buổi thực hành.
Ngoài ra, những phòng học thực hành chưa nhiều, các thiết bị dường như chưa đáp ứng tiêu chuẩn cho nhiều thí nghiệm, nhất là những bài khó, phức tạp.
Trong khi đó, bạn Nguyễn Lưu Ngọc Danh - học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong - chia sẻ hiện tại trường có một số tiết học về kỹ năng sống nhưng vẫn còn xa với thực tế. Đặc biệt, nhiều tiết kỹ năng nhưng chỉ được ngồi và nghe thầy cô giảng bài thay vì ra ngoài trải nghiệm.
"Do đó em đề xuất cần có thêm nhiều tiết kỹ năng sống trong chương trình, và chúng em cần được ra ngoài thực hành những kỹ năng đó" - Danh nói.
Bạn trẻ Trần Công Hận - ĐH KHXH&NV ĐHQG TP.HCM - chia sẻ những tâm tư của một sinh viên tỉnh lẻ đến học tập tại TP.HCM - Ảnh: VŨ THỦY
Tại buổi gặp, ông Nguyễn Thành Phong nói rất trân trọng những ý kiến đóng góp của các học sinh, sinh viên tham dự, và sẽ gửi những ý kiến này đến các sở ngành liên quan.
Để TP.HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về kinh tế cũng như năng suất lao động, ông Phong cho biết cần tiếp tục phát triển dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, trong đó có vai trò của thế hệ trẻ, cụ thể là học sinh, sinh viên. Từ đó, ông đề ra 3 "đặt hàng" cho các bạn trẻ tham dự.
Thứ nhất, học sinh, sinh viên cần chủ động hơn trong học tập, rèn luyện các kỹ năng, trong đó có ngoại ngữ, bên cạnh việc tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội. Ông nhấn mạnh chính môi trường xã hội sẽ giúp rèn luyện tốt cho các bạn trẻ.
Thứ hai, cố gắng biến những suy nghĩ, ý tưởng mới thành hiện thực. Học sinh, sinh viên có thể bắt tay vào hiện thực hóa các ý tưởng, dự án, thông qua sự hỗ trợ của các trung tâm đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, do dân số phát triển quá nhanh, TP phải đối mặt những vấn đề về hạ tầng đô thị. Do đó, học sinh, sinh viên được khuyến khích thỏa sức suy nghĩ và nêu ý tưởng, góp phần giải quyết những bài toán cụ thể như vấn đề như ách tắc giao thông, tình trạng ngập, quá tải đô thị...
"Các bạn học sinh, sinh viên hãy cùng với lãnh đạo TP để tìm ra những đáp số hiệu quả cho nhiều vấn đề TP đang đối mặt" - ông Phong nói.
Ngoài ra, ông Phong cũng đề nghị các trường đại học cần có trung tâm đổi mới sáng tạo, giúp hỗ trợ những dự án của các sinh viên. Mối gắn kết doanh nghiệp, nhà trường và nhà nước cũng được ông Phong đề cập, nhằm hướng đến sự sẵn sàng cho đổi mới sáng tạo và ngành công nghiệp 4.0.
Nên đổi giờ học sang 8h sáng?
Anh Phạm Hồng Sơn - Bí thư Thành đoàn TP.HCM, cho biết nhiều ý kiến của các sinh viên - học sinh tiêu biểu của TP sẽ được Thành đoàn tiếp nhận và xây dựng các chương trình phù hợp để đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của người trẻ TP - Ảnh: VŨ THUỶ
Em Đỗ Bùi Ngọc Thương - học sinh Trường THPT Đào Sơn Tây - nói hiện nay giờ vào học buổi sáng ở nhiều trường là 7h sáng, nhưng rất mong muốn có thể chuyển sang 8h.
Thương cho biết hiện nay em cùng bạn bè đều phải dậy sớm 5h30 hoặc 6h, sau đó hối hả chuẩn bị rồi vội vã đến trường.
"Từ lớp 1 đến lớp 12, ngày nào em cũng hối hả, không kịp tập thể dục, xem lại bài, thậm chí cả ăn sáng. Nếu chuyển sang 8h chúng em có nhiều thời gian hơn để tận hưởng một buổi sáng, có thể thong thả đến trường" - Thương nói
Ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết quy định giờ vào học chịu sự chi phối của quy định số giờ học một năm, độ dài một tiết, bên cạnh các yếu tố khác như khả năng học 2 buổi/ngày, thời gian ra về buổi sáng trước 11h30, cũng như tránh trùng với giờ làm của phụ huynh.
"Sở cũng sẽ lấy ý kiến và nghiên cứu thêm về vấn đề giờ vào học để phù hợp với sự phát triển" - ông Nam nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận