26/08/2018 14:40 GMT+7

Lãnh đạo phải tham gia vụ kiện hành chính: Căng mình cũng không dự xuể

ÁI NHÂN - TIẾN LONG
ÁI NHÂN - TIẾN LONG

TTO - Tại phiên họp mới đây, Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết việc lãnh đạo các địa phương không tham gia các phiên tòa hành chính là nguyên nhân chính làm cho nhiều vụ kiện hành chính bị đình trệ.

Lãnh đạo phải tham gia vụ kiện hành chính: Căng mình cũng không dự xuể - Ảnh 1.

Phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính của bà P.T.K.C., tổ chức ngày 12-4, nhưng cả người bị kiện và đại diện theo ủy quyền đều vắng mặt - Ảnh: BÌNH PHƯƠNG

Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Nhưng thực tế trưởng, phó cơ quan, tổ chức bị kiện vắng mặt gần như trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án.

Vất vả kiện tụng vì "quan" vắng mặt

Tháng 8-2015, bà P.T.K.C., trú tại phường 12, quận Phú Nhuận, TP.HCM, khởi kiện chủ tịch UBND quận Phú Nhuận về quyết định hành chính về việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất (sổ đỏ) của bà và cấp sổ đỏ một phần đất của bà cho một người khác. Đến tháng 2-2017, TAND TP thụ lý vụ án nhưng đến nay vụ án chưa xong phần xét xử sơ thẩm.

Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận đã ủy quyền cho phó chủ tịch quận tham gia với tư cách người đại diện cho người bị kiện. Nhưng tại các phiên hòa giải và phiên tòa sơ thẩm, đại diện người bị kiện đều có đơn xin vắng mặt. Phiên tòa sau đó được tạm hoãn để bổ sung chứng cứ. Đầu tháng 9-2018 xét xử lại, đại diện bên bị kiện cũng xin vắng mặt.

Tương tự, tháng 1-2016, ông Nguyễn Văn Nghĩa - nguyên phó chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM - kiện giám đốc sở vì đã ra quyết định kỷ luật hình thức buộc thôi việc đối với ông, yêu cầu tòa án hủy bỏ quyết định kỷ luật nói trên. 

Thời gian đầu, ông Huỳnh Tấn Dũng - nguyên chánh thanh tra sở - tham gia tố tụng với vai trò người bảo vệ quyền lợi cho bị đơn. Vụ án được hoãn xử nhiều lần. Đến năm 2017, ông Đặng Minh Sự, một cán bộ của sở, thay vai trò tham gia tố tụng của ông Dũng. Đến phiên tòa ngày 29-12-2017, ông Nghĩa mới nhất trí rút lại đơn kiện để sở xem xét lại quyết định kỷ luật.

"Vụ án đã kéo dài 2 năm, nhiều lần hoãn xử, bổ sung hồ sơ. Giám đốc sở không tham gia tố tụng nên 2 bên mất nhiều thời gian, công sức để kiện tụng. Nếu ngay từ đầu giám đốc sở tham gia vụ kiện, trực tiếp lắng nghe, phân tích có thể vụ kiện đã được giải quyết sớm hơn" - ông Nghĩa nói.

Quá nhiều vụ kiện, dẫn đến quá tải

Luật sư Trần Thị Hải An, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà P.T.K.C., cho biết việc chủ tịch và phó chủ tịch quận vắng mặt đã gây bất lợi cho người khởi kiện và làm kéo dài việc giải quyết vụ án. 

Khi có đại diện người bị kiện tham gia, luật sư bên khởi kiện có thể hỏi thẳng nhiều vấn đề khúc mắc trong quyết định hành chính, làm căn cứ quan trọng để tòa tuyên án sau này. Ngược lại, nếu chỉ có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tham gia, luật sư chỉ đưa ra quan điểm tranh tụng, không được hỏi.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Phương - phó chủ tịch UBND quận Phú Nhuận - thừa nhận án hành chính rất nhiều, lãnh đạo không thể đi hết được nên phải chấp nhận xin xử vắng mặt và cử người bảo vệ quyền và lợi ích dự. 

"Hiện trưởng, phó phòng phải đi rất nhiều, quá tải. Mỗi lần đi phải nghiên cứu hồ sơ rất vất vả. Do vậy, quận cũng kiến nghị sửa luật theo hướng cho phép ủy quyền cho cán bộ, công chức làm đại diện bên bị kiện tham gia vụ án hành chính, miễn là họ nắm được vụ việc" - ông Phương cho hay.

Tương tự, ông Trần Phú Lữ - chủ tịch UBND huyện Bình Chánh - cũng cho biết các vụ án hành chính ở huyện rất nhiều, hầu hết về đất đai. Chủ tịch và phó chủ tịch huyện không có thời gian thu xếp đi dự mà chỉ cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tham dự. 

"Với đặc thù án hành chính nhiều như hiện nay, luật nên quy định cho phép ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan chuyên môn đi, bởi đây là cơ quan trực tiếp tham mưu, nắm hết cơ sở pháp lý và vụ việc" - ông Lữ nêu ý kiến.

Kiến nghị sửa luật

Quy định tố tụng hành chính hiện nay đang làm tòa án gặp khó, một thẩm phán cho hay rất khó triệu tập người bị kiện đến làm việc hoặc tham gia phiên tòa. Bởi theo quy định, đương sự vắng mặt nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt thì tòa án xét xử vắng mặt họ. 

"Vì nhiều lý do khách quan, chủ quan nên người bị kiện thường hay vắng mặt, gây khó khăn cho việc giải quyết của tòa án. Người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là người khởi kiện và các đương sự khác trong vụ án hành chính vì họ không được thực hiện quyền tranh tụng công khai tại phiên tòa..." - vị thẩm phán nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng cho hay từ thực tiễn công tác ở TP.HCM khó đảm bảo việc tham gia tố tụng án hành chính nên TP đã nhiều lần kiến nghị với nhiều cơ quan trung ương về một số giải pháp khắc phục. 

Vào tháng 3-2018, báo cáo với đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp Quốc hội, TP.HCM cũng đề xuất một số giải pháp. Trong đó, sửa đổi (khoản 3, điều 60 Luật Tố tụng hành chính - PV) theo hướng "người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện có thể ủy quyền cho cấp phó của mình hay trưởng các phòng, ban chuyên môn hoặc cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu, xử lý vụ việc để tham gia tố tụng" - ông Huỳnh Cách Mạng nêu.

Đồng tình, luật sư Bích Trâm cho rằng cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3, điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 theo hướng như trên, chấp nhận cho cán bộ phòng ban, chuyên môn để tham gia từ đầu quá trình tố tụng. 

Người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể ủy quyền cho cấp phó của mình hay trưởng các phòng, ban chuyên môn hoặc cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu, xử lý vụ việc để tham gia tố tụng

Đề nghị của ông HUỲNH CÁCH MẠNG (phó chủ tịch UBND TP.HCM)

Tuy nhiên, luật sư Bích Trâm cũng bổ sung là cần thiết quy định trách nhiệm của người bị kiện bắt buộc phải tham gia phiên tòa xét xử chứ không khoán hết cho cán bộ phòng ban, chuyên môn. Trường hợp người bị kiện vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa, không được xét xử vắng mặt người bị kiện. Có như vậy mới bảo đảm thực hiện được nguyên tắc tranh tụng theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

Bà Nguyễn Thị Thủy - ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội - dẫn chứng trong 3 năm gần đây TAND TP Hà Nội xét xử 189 vụ án hành chính nhưng chưa vụ án nào chủ tịch, phó chủ tịch UBND TP tham gia tố tụng.

Tương tự, năm 2017 TP.HCM có 260 vụ án hành chính không tổ chức đối thoại được do chủ tịch, phó chủ tịch vắng mặt. Các tỉnh thành khác cũng không khá hơn, với tỉ lệ lãnh đạo vắng mặt tại phiên xử ở Hải Phòng là 17/17 vụ, Bắc Giang 53/56 vụ, Kiên Giang 10/22 vụ...

Nhiều điểm mới trong thủ tục kiện hành chính từ 1-7

TTO - Người đứng đầu cơ quan bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó, thiếu kiểm sát viên tòa vẫn xử..., đó là những điểm mới đáng chú ý của Luật tố tụng hành chính 2015.

ÁI NHÂN - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên