28/10/2016 11:01 GMT+7

"Lãnh đạo hạt nhân" của Đảng Cộng sản Trung Quốc là gì?

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Đảng Cộng sản Trung Quốc lần đầu tiên ra nghị quyết gọi Tổng Bí thư Tập Cận Bình là "lãnh đạo hạt nhân" - một danh hiệu quyền lực từng trao cho các ông Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân trước đây.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trong buổi hội đàm với Tổng thống Uruguay Tabare Vazquez ở Bắc Kinh ngày 18-10 - Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trong buổi hội đàm với Tổng thống Uruguay Tabare Vazquez ở Bắc Kinh ngày 18-10 - Ảnh: Reuters

Theo Tân Hoa xã, ngày 27-10, Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XVIII (gọi tắt là Hội nghị Trung ương 6) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã ra thông cáo báo chí sau 4 ngày họp tại thủ đô Bắc Kinh, trong đó nhấn mạnh Tổng Bí thư Tập Cận Bình là “hạt nhân của Trung ương Đảng”. 

Tại hội nghị trên, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia vào hệ thống lãnh đạo tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm, kêu gọi "các đảng viên thống nhất xung quanh Ban chấp hành Trung ương Đảng với đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân".

Thông cáo cũng kêu gọi các đảng viên nâng cao ý thức để duy trì sự đoàn kết, toàn vẹn chính trị, làm theo sự lãnh đạo của Đảng trong vai trò là nòng cốt của ban lãnh đạo nhà nước Trung Quốc, và hành động phù hợp với đường lối của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Hội nghị cũng đã cam kết bài trừ tham nhũng, chấm dứt tệ mua bán chức quyền hoặc gian lận lá phiếu. Các đại biểu khẳng định việc đòi hỏi một chức quyền, ân huệ hoặc cách đối xử đặc biệt là những hành động không được phép trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Thông cáo nhấn mạnh việc mặc cả với các tổ chức Đảng để có được sự thăng tiến hoặc không tuân thủ các quyết định của tổ chức Đảng đều bị cấm; việc lựa chọn và bổ nhiệm các quan chức không thể bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp từ bên ngoài.

Tại hội nghị này, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua 2 văn kiện về quy định của Đảng, bao gồm các quy chuẩn về đời sống chính trị nội bộ Đảng trong tình hình mới và điều lệ về giám sát nội bộ đảng. 

Thông cáo cũng cho biết Đại hội lần thứ XIX của CPC sẽ được tổ chức vào nửa cuối năm 2017 tại thủ đô Bắc Kinh. Đây sẽ là một sự kiện có ý nghĩa to lớn trong đời sống chính trị của Đảng và Nhà nước Trung Quốc.

Theo báo Straits Times, với nấc thang mới trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập sẽ có thêm nhiều ảnh hưởng đối với đợt tái cơ cấu cấp lãnh đạo tại đại hội Đảng lần thứ XIX.

Một số nhà phân tích xem sự thăng tiến mới của ông Tập chỉ là hình thức vì kể từ khi nhậm chức Tổng Bí thư cuối năm 2012, ông Tập đã nhanh chóng củng cố được cơ sở quyền lực. Tuy nhiên, một số khác cho rằng sự thăng tiến này vẫn quan trọng về mặt chính trị.

Thứ nhất, nó sẽ tăng cường sức ảnh hưởng của ông Tập trong việc chỉ định nhân sự tại Đại hội Đảng lần thứ 19 trong năm tới, khi 5/7 thành viên Ban thường vụ Bộ chính trị và 1/3 trong số 25 thành viên Bộ chính trị sẽ về hưu do đã bước sang tuổi 68.

Chuyên gia hành chính công - giáo sư Liu Junsheng thuộc Đại học Khoa học chính trị và luật Trung Quốc nhận định trong tư cách nhà lãnh đạo “hạt nhân”, quyền hạn của ông Tập sẽ không thể bị thách thức và khả năng ông sẽ mạnh tay hơn trước bất cứ sự chống đối nào.

“Chỉ với hai từ thôi, ông Tập sẽ có thể ra tay với bất cứ đối tượng nào, điều ông chưa thực hiện được trước đây” - giáo sư Liu khẳng định.

Danh hiệu “lãnh đạo hạt nhân” xuất hiện không lâu sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 khi ông Đặng Tiểu Bình mô tả bản thân ông, người tiền nhiệm Mao Trạch Đông và ông Giang Trạch Dân là “hạt nhân” của các thế hệ lãnh đạo tiếp nối nhau.

Mục đích của ông Đặng khi đó là tăng cường quyền lực cho ông Giang Trạch Dân, người vừa được bổ nhiệm chức Tổng Bí thư, giữa lúc đất nước đang trải qua cuộc khủng hoảng.

Những thông tin râm ran về việc ông Tập Cận Bình sẽ được phong chức danh “lãnh đạo hạt nhân” xuất hiện năm ngoái khi các bí thư tỉnh dùng từ này để gọi ông. Dấu hiệu càng rõ ràng hơn khi các cơ quan truyền thông thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc trong tháng này cũng lên tiếng kêu gọi “thăng hàm” cho ông Tập.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng ông Tập vẫn còn phải vượt qua một số thử thách do trong nội bộ Đảng vẫn tồn tại nỗi lo sợ rằng một nhà "lãnh đạo hạt nhân” sẽ chấm dứt cơ chế lãnh đạo tập thể vốn do ông Đặng Tiểu Bình thiết lập.

Có lẽ vì nỗi lo này, nghị quyết vừa qua của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngoài việc tóm tắt các kết quả của Hội nghị lần 6 còn nhấn mạnh việc cơ chế lãnh đạo tập thể sẽ tiếp tục.

“Không có nhóm nào hay cá nhân nào được phép phản đối cơ chế này dưới bất cứ mọi hoàn cảnh hay lý do” - nghị quyết nêu rõ.

Nhưng giáo sư Liu cho rằng thậm chí trong tư thế “lãnh đạo hạt nhân”, ông Tập có thể vẫn gặp phản kháng từ các phe nhóm chính trị hoặc các cựu lãnh đạo Đảng đã về hưu.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể đã kêu gọi đảng viên tập hợp quanh ông Tập, nhưng phản ứng trên thực tế có thể khác” - ông Liu nhận định.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên