Bộ Nội vụ vừa có trả lời cử tri tỉnh Tây Ninh xung quanh vấn đề cán bộ và cải cách tiền lương.
Để cán bộ yên tâm công tác, mạnh dạn đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực
Theo đó, cử tri Tây Ninh cho rằng Luật Cán bộ công chức quy định nguyên tắc công chức thừa hành, chịu sự chỉ đạo theo thứ bậc hành chính.
Đồng thời, công chức có quyền kiến nghị cấp trên trực tiếp nếu chỉ đạo sai, nếu cấp trên trực tiếp giữ quan điểm thì có quyền kiến nghị lên cấp trên cao hơn và không chịu trách nhiệm về công việc nếu chỉ đạo đó là sai.
Nhưng nếu chỉ đạo đó là lời nói, không có bút tích, chứng minh thì khi xảy ra sai phạm ai sẽ chịu trách nhiệm?
Mặt khác, hầu hết ai cũng giữ tâm lý muốn giữ mình vì công việc nên ngại phản ánh, vấn đề này cần được ghi nhận để có giải pháp khắc phục...
Từ đó, cử tri kiến nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ một số giải pháp công khai, minh bạch hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo.
Đồng thời quy định trách nhiệm gắn với công tác cán bộ, góp phần tạo điều kiện để công chức thừa hành yên tâm công tác, mạnh dạn đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ nêu rõ Luật Cán bộ, công chức hiện hành quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ phải chấp hành quyết định của cấp trên.
Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định.
Trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định.
Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Bộ Nội vụ nêu rõ nội dung trên đã quy định rõ nghĩa vụ cán bộ, công chức phải chấp hành quyết định của cấp trên, đồng thời được bảo lưu ý kiến của mình và không chịu trách nhiệm khi thực hiện theo quyết định của cấp trên.
Căn cứ quy định của luật, theo Bộ Nội vụ, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định để thể hiện rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức về nội dung nêu trên như tại nghị định 112/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức...
Trong năm 2024, Bộ Nội vụ sẽ lập hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.
Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh, trong quá trình sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và các quy định có liên quan, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định nhằm quy định rõ hơn trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ; bảo đảm công khai, minh bạch để cán bộ, công chức yên tâm công tác, mạnh dạn đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Xếp lương cũ sang lương mới sẽ không thấp hơn tiền lương hiện hưởng
Cũng trả lời cử tri liên quan xây dựng mức lương mới khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ nêu rõ: tại nghị quyết 27 của Trung ương chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến chính sách tiền lương hiện hành còn nhiều hạn chế, bất cập, trong đó có việc quy định mức lương cơ sở, hệ số ngạch, bậc lương.
Theo đó, nghị quyết 27 nêu khi cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Đồng thời, thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Căn cứ nghị quyết 27, theo Bộ Nội vụ, khi xây dựng mức lương mới bằng tiền (thay cho mức lương cơ sở và hệ số ngạch, bậc lương) và khi so sánh tiền lương mới với lương cũ đều có tính đến các khoản phụ cấp (trong đó có phụ cấp công vụ 25% hiện nay), bảo đảm phản ánh đúng mức tăng/giảm tiền lương (gồm lương cơ bản và phụ cấp).
Về kiểm soát thị trường giá cả khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ nhấn mạnh trong quá trình chuẩn bị cho thực hiện cải cách tiền lương theo nghị quyết 27, từ ngày 1-7-2024, bộ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát lạm phát, giá cả thị trường nhằm bảo đảm giá trị thực của tiền lương mới khi cải cách tiền lương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận