Tại buổi thảo luận nội dung liên quan tới đề án về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Hà Nội giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
Hành lang pháp lý chưa có sự đồng bộ, thống nhất
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - phó giám đốc Công an TP Hà Nội - cho biết về hành lang pháp lý, hiện nay nước ta đã có Luật Phòng cháy, chữa cháy nhưng chưa có sự kết nối đồng bộ, thống nhất.
So sánh với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ông cho rằng luật này đã quy định rất rõ về việc Bộ Giao thông vận tải phải làm gì, Bộ Công an làm gì, nhưng Luật Phòng cháy, chữa cháy vẫn chưa quy định rõ như vậy.
Trước thực tế trên, ông Tùng mong muốn Luật Phòng cháy, chữa cháy cũng phải đưa ra được lộ trình cụ thể, kết nối, đồng bộ.
Vi phạm về phòng cháy như con rết, bò từ thời kỳ này qua thời kỳ khác
Ông Tùng cho biết hiện nay khi xảy ra sự việc cháy nổ thương tâm, lật lại hồ sơ thì hầu như nguyên nhân là do sai phạm từ nhiều năm trước đó.
"Như vụ cháy làm 56 người chết ở Thanh Xuân chẳng hạn, lật lại từ năm 2015, cơ quan điều tra, Bộ Công an mới xác định được nguyên nhân làm 56 người chết. Nguyên nhân là do các sai phạm về vấn đề xây dựng, lúc ấy mới khởi tố được ông chủ nhà.
Toàn bộ những cán bộ sai phạm cũng đều nằm trong giai đoạn này, khi để công trình này tồn tại... Từ việc cấp dự án, giấy phép xây dựng, liên quan tới thanh tra, giám sát kiểm tra nghiệm thu vẫn còn nhiều cái xin cho" - ông Tùng nhận định.
Ông Tùng ví von việc vi phạm phòng cháy tại các công trình xây dựng trên như "một con rết", khi để vi phạm "bò" từ thời kỳ này qua thời kỳ khác nhưng không được xử lý.
"Chúng tôi điều tra, xem xét tổng thể thì thấy các sai phạm tại vụ cháy ở Thanh Xuân làm 56 người chết như một con rết. Ví dụ, trong giai đoạn đầu, sai phạm là ở chỗ để ngôi nhà này xây dựng không đúng giấy phép.
Và các giai đoạn tiếp theo, khi một nhiệm kỳ cán bộ mới, nếu phát hiện ngôi nhà sai phép thì trách nhiệm là chính quyền phải triệt tiêu các sai phạm trước đó, nhưng lại không làm khiến con rết bò đến tận bây giờ" - ông Tùng nói thêm.
Khi hậu quả xảy ra, ông Tùng cho biết lực lượng công an sẽ điều tra, xử lý từ giai đoạn cấp phép, xây dựng đến giai đoạn quản lý về sau. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu làm như vậy "sẽ hết cán bộ".
"Nếu như thế thì hết cán bộ, hết cả một chuỗi hệ thống chính quyền của cái phường để xảy ra sai phạm, chưa nói đến quận" - ông Tùng nói thêm.
Vì vậy, theo vị lãnh đạo Công an Hà Nội, để tránh những hậu quả đáng tiếc, phải có sự đồng bộ từ cấp phép, giám sát, nghiệm thu.
"Khi công trình sai phép đã hoàn thành, sẽ rất khó để cưỡng chế, phá dỡ. Ví dụ đang cho thuê trọ, vi phạm như thế nhưng cảnh sát khu vực cấm không được vì người ta bỏ tiền ra mua nhà rồi. Từ việc đó và vấn đề quy trách nhiệm, nghị định có rồi, do đó việc ban hành đề án đảm bảo an toàn phòng cháy tại Hà Nội là rất kịp thời" - ông Tùng nói.
Ban hành đề án là "vô cùng cần thiết"
Cùng bàn về vấn đề trên, ông Hoàng Anh Tuấn - chủ tịch UBND huyện Mê Linh - cho biết đề án đảm bảo an toàn phòng cháy là "vô cùng cần thiết" trong bối cảnh diễn ra nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản như hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp trong công tác phòng cháy chữa cháy, việc nâng cao ý thức của người dân về vấn đề này cũng vô cùng quan trọng.
Phát biểu sau đó, Phó bí thư thường trực, phụ trách Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá các đại biểu đã góp ý rất đầy đủ, trách nhiệm, tâm huyết và đề nghị HĐND TP ghi chép, tiếp thu.
Đề án về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội đưa ra dự báo tình hình và 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.
Trong đó, có sự tăng cường chỉ đạo của chính quyền, các cấp, ngành, địa phương từ cấp TP đến cấp cơ sở trong công tác phòng cháy.
Đồng thời đề án đặt mục tiêu sẽ xử lý dứt điểm các công trình không đảm bảo an toàn phòng cháy đã đưa vào hoạt động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận