Làng tuần lộc ở Mông Cổ

MINH GIẢNG 29/11/2019 23:11 GMT+7

TTCT - Những lúc xe băng băng trên đồng cỏ bạc màu đất trong ánh ráng chiều hay len lỏi giữa rừng thông vàng đượm, lấp lánh nắng đẹp không gì tả được. Mỗi ngày ở Mông Cổ là một trải nghiệm mới thú vị, đưa ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác…

Làng tuần lộc nằm tách biệt giữa rừng sâu. Ảnh: Nguyễn Hoàn
Làng tuần lộc nằm tách biệt giữa rừng sâu. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Làng tuần lộc nằm giữa rừng Taiga, sát cực bắc Mông Cổ, giáp với Nga, cách thủ đô Ulaanbaatar gần 1.300km. Từ thành phố Murun, xe phải đi qua quãng đường đất 250km để đến bìa rừng, sau đó du khách sẽ cưỡi ngựa băng rừng vào làng. Mùa hè cưỡi ngựa mất 9-10 tiếng, mùa đông mất khoảng 3 tiếng. 

Theo lý giải của Zolo Zolkhuu - hướng dẫn viên người Mông Cổ nói tiếng Việt rất sõi, tuần lộc là loài ưa không khí lạnh, nên mùa hè người dân phải đưa nó vào tận sâu trong rừng, lên những khu vực cao hơn nên việc di chuyển vào làng xa hơn. Mùa đông, họ đưa chúng về gần thị trấn, khi đó những con đường bùn lầy đóng băng nên du khách sẽ đi nhanh hơn.

Dukha là bộ tộc nổi tiếng với nghề chăn nuôi tuần lộc và đi săn trong những cánh rừng tại vùng biên giới Mông Cổ - Nga từ rất lâu đời. Đây có lẽ là ngôi làng duy nhất ở Mông Cổ còn nuôi tuần lộc. Hiện nay, bộ tộc Dukha còn khoảng 350 người - khoảng 55 hộ gia đình, với 2.300 con tuần lộc.

Cưỡi ngựa trên hồ Khuvsgul là một trải nghiệm mới dành cho du khách. Ảnh: Zolo
Cưỡi ngựa trên hồ Khuvsgul là một trải nghiệm mới dành cho du khách. Ảnh: Zolo

Cuộc sống tách biệt với bên ngoài

Người Dukha chỉ sống bằng nghề nuôi tuần lộc và săn bắn. Điều đặc biệt, họ ít khi ăn thịt chúng, trừ khi chúng già yếu. Tuần lộc khỏe nhất vào mùa đông, các mùa còn lại chúng khá yếu ớt nên người dân ở đây phải đưa chúng lên những khu rừng cao hơn.

Trước đây khi du lịch chưa phát triển, người dân ở làng nuôi tuần lộc để ăn thịt và bán da nhưng giá trị kinh tế không cao. Sau này, những đứa con của làng lớn lên thường vào thành phố học và làm việc nên dân làng ngày càng ít, số lượng tuần lộc cũng giảm dần.

Vào những năm 2000, số tuần lộc chỉ còn khoảng 700 con. Nuôi tuần lộc là truyền thống của dân làng, là một trong những kế sinh nhai của họ. Hơn nữa, chỉ có tuần lộc mới có thể phát triển trong những khu rừng lạnh giá này.

Nhằm bảo tồn làng tuần lộc cũng như phát triển du lịch, cách đây 3 năm Chính phủ Mông Cổ quyết định hỗ trợ mỗi khẩu trong làng 180.000 tugrug/tháng (khoảng 1,8 triệu đồng) và con cái họ học hành được chính phủ nuôi. Du lịch cũng giúp họ có thêm thu nhập nhờ các dịch vụ liên quan: khách nghỉ lại đêm, cưỡi tuần lộc và bán hàng lưu niệm. Hàng lưu niệm tại đây phần lớn được làm từ da và sừng tuần lộc.

Ở đây hầu như không điện, không Internet, cuộc sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Những tháng mùa đông, họ có thể sạc bình ăcquy để thắp sáng giới hạn vào buổi tối. Bù lại, du khách được cưỡi tuần lộc xuyên rừng cây thông vàng ươm, được ngủ trong các ngôi lều truyền thống của người Mông Cổ (ger).

Các ger của người dân ở đây khá đơn giản. Các thanh gỗ được dựng thành hình chóp, vải quấn bên ngoài. Một bếp lò đặt ở giữa để đốt củi sưởi ấm, lấy ánh sáng và nấu ăn, xung quanh là các vật dụng sinh hoạt, chỗ ngủ. Ở các điểm du lịch, ger tiện nghi hơn với giường ngủ, xung quanh được lót da để chống lạnh.

Lều truyền thống của người Mông Cổ du mục tại làng tuần lộc khá đơn sơ. Ảnh: Nguyễn Hoàn
Lều truyền thống của người Mông Cổ du mục tại làng tuần lộc khá đơn sơ. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Hồ “mẹ” của người Mông Cổ

Mất khoảng 30 phút, xe đã ra khỏi thủ đô, hai bên đường chỉ toàn đồi núi, thảo nguyên mênh mông, tách biệt hẳn với cảnh ồn ào, kẹt xe ở Ulaanbaatar. Trên đoạn đường hàng chục cây số, chúng tôi chỉ đi qua một thành phố nhỏ và một thị trấn, còn lại là thảo nguyên bát ngát với những dãy núi thấp, thảm cỏ và hoa dại trải dài ngút tầm mắt, những đàn gia súc của người dân du mục thong dong gặm cỏ. Đó là con đường để đi đến hồ Khuvsgul.

Zolo cho biết hồ Khuvsgul - hồ nước ngọt lớn nhất Mông Cổ - là một trong những điểm du lịch thu hút khách nhiều nhất. Hồ chiếm khoảng 70% lượng nước ngọt của Mông Cổ. Khuvsgul cách thủ đô 900km về phía bắc.

Từ Ulaanbaatar, du khách có thể di chuyển bằng máy bay đến thành phố Murun, sau đó đi ôtô khoảng 100km xuyên rừng để đến hồ. Tuyến bay này khai thác 1 chuyến/ngày vào mùa xuân và hè (mùa du lịch chủ yếu), mùa đông chỉ có 1 chuyến/tuần.

Tuy nhiên, Zolo cho biết đa số du khách chọn di chuyển bằng ôtô 7 chỗ để khám phá cuộc sống và cảnh đẹp trên chặng đi. Đồ ăn, bàn ghế được đem theo xe, du khách muốn dừng lại dùng bữa, ngắm cảnh lúc nào tùy ý. Tuy nhiên, phần lớn đoạn đường di chuyển trên thảo nguyên nên rất gồ ghề, vượt suối, băng rừng, có những đoạn rất khó đi nên việc di chuyển rất xóc.

Mông Cổ có khá nhiều hồ nước ngọt, nhưng đây là hồ lớn nhất nên được gọi là hồ mẹ. Hồ Khuvsgul có chiều dài 136km và rộng khoảng 36,5km, nơi sâu nhất tới 267m. Với lớp nước trong vắt, hồ còn được gọi là “viên lục trân châu của Mông Cổ”.

Ở những nơi nước cạn, du khách có thể nhìn thấy đáy và cưỡi ngựa trên hồ. Mỗi năm có ít nhất sáu tháng hồ bị đóng băng dày hàng mét, con người, gia súc, thậm chí xe cộ có thể đi bên trên. Có gần 100 con sông và suối bắt nguồn từ các ngọn núi cao đổ nước vào hồ. Tuy nhiên, hồ chỉ có một lối ra là sông Eg, sau đó nhập vào sông Selenge chảy qua Nga và kết thúc ở hồ Baikal.

Với phong cảnh tuyệt đẹp, không khí trong lành, du khách có thể đi canô tham quan hồ hoặc cưỡi ngựa ở những nơi nước cạn. Phần lớn người Mông Cổ ở miền trung và bắc sử dụng nước sông, hồ để uống và sinh hoạt, chỉ một phần nhỏ khu vực phía nam ở sa mạc Gobi, do ít sông, hồ nên người dân sử dụng nước ngầm.

Do vậy, những con sông và hồ có vai trò rất quan trọng với người Mông Cổ. Hồ Khuvsgul cung cấp nước cho người dân hai tỉnh Khovsgol và Bulgan dùng quanh năm.■

Du khách Việt Nam đi Mông Cổ thường đặt tour qua Zolo - người được cho là nói tiếng Việt sõi nhất ở đây và cũng là người thông thạo địa hình, đường đi ở Mông Cổ. Zolo, 31 tuổi, từng học về xây dựng 6 năm tại Trường ĐH Xây dựng Hà Nội.

Sau khi về nước, anh làm trong ngành xây dựng được 6 tháng thì bỏ, một phần vì mùa đông ở đây kéo dài và khắc nghiệt khiến ngành xây dựng không hoạt động được, phần vì thích làm du lịch hơn. Zolo cho biết 3 năm trở lại đây, khách du lịch Việt Nam sang Mông Cổ rất nhiều. Cao điểm mùa hè, anh hầu như phải đi liên tục.

Điều thú vị nhất của chuyến đi là những buổi trưa trên đường. Tìm một nơi thiệt đẹp, thong thả ăn trưa với những món ăn thiệt là đơn giản, thảnh thơi hít thở khí trời, chậm rãi nhấm nháp cảnh trí tuyệt đẹp xung quanh…

Chị Anie Nguyễn, du khách

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận