13/09/2008 03:03 GMT+7

Làng trầu giữ chút hồn quê

THÀNH ĐƯỢC
THÀNH ĐƯỢC

TT - Hình ảnh cây cau, giàn trầu bây giờ trở nên xa lắc. Nhưng ở ấp 5, xã Vị Thủy (Vị Thủy, Hậu Giang) vẫn còn một vườn trầu hiếm hoi còn sót lại của miền Tây. Làng lọt thỏm giữa miền cây trái, bình yên giữa sôi động cuộc đời, khiêm nhường làm lễ vật xe duyên cho đôi lứa…

Pf5St1yE.jpgPhóng to
Ba đời nhà bà Ất trồng trầu, liễn trầu ở miền đất này - Ảnh: THÀNH ĐƯỢC
TT - Hình ảnh cây cau, giàn trầu bây giờ trở nên xa lắc. Nhưng ở ấp 5, xã Vị Thủy (Vị Thủy, Hậu Giang) vẫn còn một vườn trầu hiếm hoi còn sót lại của miền Tây. Làng lọt thỏm giữa miền cây trái, bình yên giữa sôi động cuộc đời, khiêm nhường làm lễ vật xe duyên cho đôi lứa…

Bà Dương Thị Ất (71 tuổi), một trong những người cố cựu vườn trầu Vị Thủy, tâm sự: “Khi tôi lớn lên, lập gia đình đã thấy vườn trầu có từ lâu rồi. Ba má tôi ngày xưa cũng trồng trầu mà sống, rồi đến lượt tôi. Và giờ đến phiên con gái tôi cũng theo nghiệp trồng trầu”.

Vùng trầu bình yên

Vườn trầu bà Ất nằm trên đất nền thổ cư khoảng một công (1.000m2). Bà chia mảnh vườn thành hai phần: một phần trồng trầu cho lá; phần còn lại ươm trầu non chuẩn bị vụ mới. Bà cười tỏm tẻm: “Những vườn trầu vùng này nối nhau tròm trèm 100 năm. Cứ hết lứa này lại gầy lứa khác. Trồng trầu không giàu nhưng không ai trong ấp có ý định bỏ vườn”. Người trồng, người mua cũng truyền nhau từ nhiều thế hệ, riết rồi thành quen thân. Trầu hái xong giao cho thương lái ở ngoài thị trấn Nàng Mau, cách đó chừng vài cây số.

Anh Tư Hoàng, trưởng ấp 5, bộc bạch: “Có lẽ người dân bám trầu nên dây trầu Vị Thủy cũng không phụ lòng người. Tuy không giàu có nhưng người trồng trầu cũng đủ cái ăn cái mặc, lo cho con cái học hành”. Bà Tư Sang (Mai Thị Thím), ấp 5, xã Vị Thủy, thì mộc mạc: “Trồng trầu dễ ợt, mười ngày thu hoạch lá một lần. Thương lái tới thu mua rồi đem đi khắp nơi. Còn có người mua thì mình còn trồng”.

Nói đến cách trồng, bà Nguyễn Thị Năm (50 tuổi), một chủ vườn trầu, kể: cứ thấy đọt trầu nào mập mạp, mạnh khỏe thì kéo vùi xuống lớp đất xốp của luống trầu. Một thời gian ngắn thấy dây trầu bén rễ thì chiết ra đem ốp vào cọc mới. Trầu dễ trồng, lên rất nhanh và nhẹ công chăm sóc. Do là loại cho lá nên nếu đủ phân, nước, trầu sẽ cho thu hoạch sau 3-4 tháng. Đặc biệt trầu chỉ ưa các loại phân xanh (hữu cơ) có nguồn gốc tự nhiên, chứ không thích hợp các loại phân hóa học. Bón phân truyền thống (phân xanh) thì lá trầu thon thả và có màu xanh óng ả hơi đượm chút vàng trông đẹp mắt hơn.

Xóm trầu Vị Thủy có khoảng 500 hộ dân chuyên trồng trầu. Người nhiều nhất cũng ba, bốn công (trên 4.000 cọc trầu); người ít nhất cũng nửa công (1.000 cọc trầu) nên cứ mười ngày, nửa tháng là vào dịp thu hoạch trầu lá đông vui lắm.

Theo bà Năm Bỉnh, một trong những người trồng trầu lâu đời vùng Vị Thủy, hầu hết phụ nữ trong xóm theo nghề liễn trầu. Liễn có nghĩa xếp những lá trầu thành từng chục, sau đó xếp thành trăm, rồi thiên (ngàn) và sau cùng là muôn (chục ngàn). Một muôn có bao nhiêu lá thì vô chừng, bởi có người tính chục là 10 lá, có khi chục 16 lá và có khi một chục tới... 20 lá. Một thợ liễn trầu mỗi buổi được trả công 20.000-30.000 đồng, nhưng cũng có người không mướn thợ liễn như bà Nguyễn Thị Năm, bởi bà cũng biết liễn trầu nên vần công với các chị em khác.

Một góc quê hương

Khi đến lứa hái, người ta sẽ lựa những lá trầu tượt, nằm ở vị trí thứ hai của đọt trầu. Đó là lá trầu vừa vặn nhất, không quá non cũng không quá già. Sau khi hái, chủ vườn sẽ có đợt vô phân, nửa tháng sau lá trầu đọt chừa lại của đợt trước trở thành lá thứ hai do dây trầu tiếp tục đâm thêm chồi mới. Vậy là cứ đến lứa hái lần nữa và lần nữa... và người trồng trầu cứ hái lá bán quanh năm.

Chị Nguyễn Thị Lan, một lái trầu ở vùng Vị Thủy, cho biết: do chỉ còn lại vài vườn trầu ở miền Tây nên mặt hàng này trở nên hiếm. Có bao nhiêu trầu lá chị thu mua hết, có khi mua cả tấn lá trầu. Mua rồi chuyển đi tiêu thụ khắp nơi. Chị nói ở miệt Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) trầu lá tiêu thụ cũng khá vì người dân dùng để cúng bái trong các dịp lễ lạt ở vùng núi thiêng Bảy Núi. Khách du lịch tâm linh đi cúng bái chùa chiền cũng dùng trầu cau. Số còn lại tiêu thụ ở các tỉnh vì nông thôn vẫn còn người ăn trầu, làm đám cưới hỏi. Số nữa là trầu được mang thẳng qua Campuchia tiêu thụ. Có những lúc bạn hàng ở Châu Đốc (An Giang), TP Cần Thơ, TP.HCM... mua theo đơn đặt hàng cho đám cưới hỏi. Nhờ vậy mà vườn trầu Vị Thủy có đầu ra khá ổn định.

Nhìn vườn trầu Vị Thủy còn sót lại, nằm khiêm nhường giữa lòng miền Tây sôi động mà thấy cảm kích những người mẹ, người chị tảo tần sớm hôm với những cọc trầu xanh. Vườn trầu là nguồn thu nhập chính của gia đình các mẹ, các chị, nhưng tảo tần với vườn trầu cũng là cách người nhà quê miền Tây giữ lại hình ảnh một góc quê hương của mình.

Vùng trầu đậm đà

h8ihCNkq.jpgPhóng to
Vườn trầu xanh mướt ở ấp 5 - Ảnh: THÀNH ĐƯỢC
Chỉ có vùng Vị Thủy nước ngọt ven sông Hậu này trồng trầu mới đậm đà, ăn mới ngon, thắm môi, đỏ miệng. Trầu ở đây tính bằng ốp, mỗi ốp trầu có 40 lá trầu vừa chín tới. Sau khi xếp thành từng ốp, trầu được cho vào bội và giao cho lái. Giá hiện tại khoảng 700 đồng/ốp. Mỗi công đất trồng trầu cho thu nhập 700.000-1 triệu đồng/tháng.
THÀNH ĐƯỢC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên