12/12/2024 11:11 GMT+7

'Lang thang' trên mạng trị bệnh nói thách

Nhiều người cho rằng đi mua hàng ở chợ sỉ không khéo bị đắt hơn chợ gần nhà vì tiểu thương tại các chợ này vẫn giữ thói quen nói thách...

'Lang thang' trên mạng trị bệnh nói thách - Ảnh 1.

Kiểm tra giá các sản phẩm tương tự ở trên mạng là “thuốc” để người tiêu dùng trị bệnh nói thách của người bán lẻ - Ảnh: V.A.MINH

Ai cũng nghĩ muốn giá rẻ hãy ra chợ sỉ, kể cả mua lẻ. Nhưng mua hàng ở đây không khéo bị đắt hơn chợ gần nhà vì tiểu thương tại các chợ này vẫn giữ thói quen nói thách, bán hàng kiểu "một mình một chợ" mà quên rằng thông tin giá cả đã có đầy trên mạng.

Gọi tên "chợ sỉ" ở đây không chỉ là các chợ đầu mối như Kim Biên, An Đông, Bình Tây, khu vực Chợ Lớn (TP.HCM)... mà là những khu bán các sản phẩm theo nhóm hàng, ngành nghề quy mô lớn với nhiều gian hàng ở lề đường, cửa hàng xung quanh nhà lồng chợ, chủ yếu tập trung ở khu vực quận 5. Ở đó bán đủ thứ vật dụng trong nhà, từ phụ kiện điện, nước, vải, phụ kiện văn phòng phẩm, vật dụng nhà bếp đến chất tẩy rửa, hàng trang trí theo mùa như Giáng sinh, Tết...

Điểm yếu của chợ sỉ truyền thống

Điểm yếu của các cửa hàng ở chợ sỉ đó là họ cũng chẳng có hàng hóa gì độc, lạ như trước. Đa phần đều giống nhau, cũng là hàng Trung Quốc, hàng "no name" hay hàng của các hãng sản xuất và cung cấp nên người mua có thể thoải mái tham khảo giá trên mạng để ngả giá với các nhà bán ở chợ sỉ.

Thậm chí thông tin về giá cả, đặc điểm sản phẩm ở các nơi này còn kém xa những gì mà những người bán trên sàn thương mại điện tử hay người bán qua mạng tư vấn cho người tiêu dùng. Thực tế rất ít khi những người bán ở các khu vực này kiệm lời tư vấn cho khách hàng. Có lẽ họ nghĩ khách mua đã hiểu hết về sản phẩm, cần thì hỏi mua, chứ tư vấn hay giải thích thêm... mệt!

Vậy khi nào ra chợ sỉ, mua lẻ có giá mềm? Giá sỉ chỉ có với người mua đã trở thành mối quen, am hiểu về món hàng cần mua. Còn đa phần những tay mơ ra chợ sỉ mà mua thì khó tránh khỏi "cắn lưỡi", trả giá cỡ nào cũng "dính", thậm chí còn cao hơn cả mua lẻ trên mạng. Thực tế đa phần các cửa hàng ở đường phố tại khu vực bán sỉ đều không niêm yết giá. Họ nhìn người mua, cách mà người mua hỏi về sản phẩm để nói giá.

Chẳng hạn khách đến mua nói lấy cho món hàng đó, gọi đúng tên, thậm chí gọi đúng tên "cúng cơm" của sản phẩm như "chống giật" (CB điện chống giật), hút (quạt hút mùi), dĩa (đèn led âm trần mỏng hình tròn)... là họ biết người mua am hiểu và đã từng mua, từng sử dụng món hàng đó, họ sẽ nói sát giá. Sau khi hỏi số lượng, chắc chắn sẽ có giá mềm, giá sỉ.

Còn khách chỉ tay vào món hàng muốn mua, hỏi về đặc điểm sản phẩm, dạng như người ta vẫn gọi là tư vấn, rồi hỏi giá bao nhiêu, của hãng nào..., tức thuộc loại "gà mờ", chắc chắn được đưa vào diện báo giá gấp đôi, tức nói thách. Vì thế khách trả cỡ nào cũng "dính". Ví dụ một cái bình xịt tưới cây 2 lít, giá trên mạng chỉ có 38.000 - 40.000 đồng nhưng người bán vẫn báo giá 80.000 đồng.

Một cái kềm giá 130.000 đồng, tiểu thương vẫn báo 260.000 đồng. Chỉ cần khách trả giá phân nửa, tiểu thương kì kèo thêm, khách mua vẫn hớ. Có một kinh nghiệm rằng khi có cảm giác bị nói thách, người mua cứ mạnh dạn trả lời "cao quá" và rời cửa hàng. Khi đó, người bán sẽ hỏi mua nhiều không, mua nhiều sẽ bớt. Trường hợp này đích thị là nói thách rồi. Hãy bước ra ngoài, search trên mạng để nắm giá...

Không còn một mình một chợ

Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Ngày nay, người mua lẻ vẫn có thể mua sắm lẻ ở chợ sỉ, nhưng phải cầu kỳ một chút. Đó là trước khi đi mua, nên chịu khó tìm hiểu trên mạng, tìm đúng từ khóa, gõ vào các sàn thương mại điện tử để biết về giá và sản phẩm. Ở đó, mọi người tha hồ tìm hiểu về sản phẩm cần mua. Có chút kiến thức rồi, có thể yên tâm ra chợ sỉ mua sắm mà không bị hớ.

Với những người chịu "cày" một chút, cứ nắm giá trên mạng, sau đó đi ngả giá từng cửa hàng. Đừng lo vào hỏi giá rồi đi ra là người bán sẽ "xỉ vả" như nhiều năm trước. Còn ngại nữa thì đừng đi mua vào buổi sáng khi mới mở cửa, đợi trưa trưa một chút thì tha hồ trả giá, đi vào cửa hàng này rồi đi ra, rồi vào cửa hàng khác. Họ nhìn là biết mình là khách mua am hiểu nên sẽ không còn dám nói thách.

Rồi cứ báo cho bên bán biết tôi cần mua kha khá, tôi đã hỏi mấy cửa hàng rồi, nói sát giá, được thì tôi mua. "Chiêu" này cũng giúp người mua tiết kiệm được kha khá tiền. Cũng có một kinh nghiệm, đó là cứ chịu khó lướt qua các sàn thương mại điện tử, các trang web bán hàng trên mạng, tìm những nơi có cửa hàng bán trực tiếp ở các khu vực bán sỉ.

Sau khi nắm thông tin trên mạng, tìm đến cửa hàng mua trực tiếp vừa chọn được hàng ưng ý, xem đúng món mà mình cần mua mà còn có thể trả giá nếu mua nhiều. Thực tế một số của hàng ở khu vực chợ sỉ cũng đã "biết mình biết ta", vừa bán trực tiếp vừa lên sàn thương mại điện tử. Với các điểm này, người bán rõ ràng về giá và sản phẩm, thuận lợi cho người mua hơn.

Nói chung, nhiều người bán hàng trực tiếp, dù sỉ hay lẻ, cũng chưa bỏ được thói quen nói thách. Vì thế người mua hàng phải tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng các thông tin trên mạng để có thể mua được các sản phẩm có giá tốt nhất. Bởi có một tâm lý: mua đắt, bị nói thách, dù số tiền không lớn nhưng vẫn khó chịu vì thời buổi công khai minh bạch mà vẫn bị "móc túi" oan uổng.

Hàng theo mùa, trả giá cỡ nào cũng "dính"

Với hàng bán theo mùa, như Noel và Tết, tình trạng nói thách mới dữ dội. Vì cả bên bán và mua cũng theo mùa, năm sau mới quay lại, đâu gọi là mối quen. Nhưng cũng có một số cửa hàng in giá trên sản phẩm. Đơn giản vì có quá nhiều sản phẩm, lại bán theo mùa nên bản thân người bán cũng không nhớ giá.

Nhưng ở những nơi này, nếu quan sát kỹ, giá luôn có hai con số. Ví dụ trái châu có giá 35 - 20, tức là mua lẻ giá 35.000 đồng nhưng mua số lượng nhiều hơn thì giá chỉ có 20.000 đồng. Đèn led loại 8m, 36 bóng led nếu đã rà giá trên sàn thương mại điện tử, khi mua ở khu vực chợ Kim Biên vẫn có thể có giá thấp hơn cả trên mạng. Còn lớ ngớ là sẽ có giá gấp đôi trên mạng.

Vì thế, điều quan trọng là người mua phải biết dùng thế mạnh của mình là mua số lượng nhiều, cứ xem như mua sỉ, để ép giá xuống.

'Lang thang' trên mạng trị bệnh nói thách - Ảnh 2.Những khu chợ truyền thống 'sống mòn'

Lép vế trước các kênh bán lẻ hiện đại, cùng với sức mua kém trên thị trường đang đẩy nhiều chợ truyền thống tại Hà Nội rơi vào cảnh bế tắc khi kinh doanh èo uột, thua lỗ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên