​Lang thang theo lá mùa thu

HỌA SĨ TRẦN THÙY LINH 19/05/2015 00:05 GMT+7

Việt Nam mới bắt đầu những ngày nắng gắt dù vẫn chưa vào hè, vậy mà giờ đã là những ngày cuối thu tại Úc. Một chuyến đi về phía tây bang New South Wales, tránh những cơn mưa biển và được lang thang theo những cánh lá mùa thu.

 

Điểm đến 130 năm tuổi

Chúng tôi quyết định đến một thị trấn nhỏ nằm trong vùng núi Blue Mountains (được UNESCO công nhận di sản thế giới năm 2000) có tổng diện tích là 11.400km2, với 37 thị trấn, chưa kể làng mạc nằm rải rác trên núi, ven sườn đồi và thung lũng.

Du khách Việt, nếu có thăm Blue Mountains theo tour, thường chỉ đi một ngày tới Katoomba và thăm núi Ba Chị Em hoặc công viên quốc gia, hiếm khi có dịp lang thang trên những cung đường tuyệt đẹp của vùng núi này.

Wentworth Falls nằm cách Sydney chừng một giờ đi xe (93km), là một điểm đến 130 năm tuổi, nổi tiếng với thác và hồ Wentworth cùng những căn nhà cổ theo phong cách Victoria. Từ đây có đường dành cho du khách đi bộ (trekking) lên công viên quốc gia Blue Mountains. Trên cung đường này là một cảnh sắc tuyệt đẹp trong màu vàng đỏ cuối thu của cây cối và một tầm nhìn không sao tả được bằng lời về phía thác Wentworth và thung lũng Jamison.

Wentworth Falls Village là một ngôi làng hiền hòa với những quán cà phê, nhà hàng, tiệm sách nhỏ xinh xắn và những con đường quanh co uốn lượn mang sắc màu đỏ ối, những hàng rào sơn trắng, cánh cổng khép hờ dẫn vào những khu vườn bề bộn đầy sắc màu của thiên nhiên.

Bên một góc của công viên nhỏ Caronation Park (thành lập năm 1953 nhằm tôn vinh nữ hoàng Elizabeth đệ nhị), những tàng lá của gốc cây du cổ thụ to bằng hai ba vòng tay người đang đổi màu từ xanh sang vàng. Tấm bia đá đặt dưới gốc cây khắc dòng chữ: English Elm, trồng năm 1880.

Thật ngạc nhiên khi bắt gặp công viên ở bất kỳ ngôi làng nào chúng tôi đi qua. Ảnh: TTL.

Một điểm dừng chân khá lý thú là Vườn đỗ quyên (Rohdo garden) thuộc làng Blackheath trên cao nguyên cùng tên. Thật ra thời điểm tốt nhất để thăm khu vườn này và chiêm ngưỡng muôn vàn sắc hoa bừng nở rực rỡ nhất là vào mùa xuân, từ tháng 10 tới tháng 12. Đây là khu vườn độc nhất vô nhị trên thế giới, được người Úc kết hợp thành công việc trồng một loài hoa quý hiếm như đỗ quyên trên nền một thảm thực vật bản địa có sẵn.

Vườn đỗ quyên cuối thu vắng lặng không một bóng người. Trong khu vườn rộng lớn, một rừng tràm thì đúng hơn, hầu như không thấy một dấu vết sắp đặt nào của bàn tay con người. Gió thu lặng lẽ luồn qua những gốc tràm trắng treo mình ngang sườn đồi, soi mình xuống một hồ nước trong veo.

Vào mùa xuân sẽ là hoa nở bạt ngàn trên các lối đi, dưới những gốc tràm và ven hồ. Thông các loại rủ từng chùm lá và quả non mới nhú, ẩm ướt với những giọt sương vương trên vai áo. Dù không có hoa, nhưng đi dạo trên con đường mòn thơm mùi lá thông, mùi vỏ cây tràm, chìm đắm trong tiếng chim hót líu lo cũng là một trải nghiệm khó quên. Đã bao lâu rồi mới lại được cảm nhận thiên nhiên hoang sơ đến tận cùng như vậy?

“Ngôi làng vườn”

Thời tiết cuối thu bang NSW thật thất thường với những cơn mưa. Mưa vẫn dai dẳng khi chúng tôi tới Leura, một trong rất nhiều ngôi làng nhỏ thuộc Katoomba của vùng Blue Mountains. Được biết tới như một “ngôi làng vườn”, nơi này có rất nhiều khu vườn tuyệt đẹp và những căn nhà đặc trưng cho vùng núi NSW ẩn hiện trong những lùm cây, những tán lá vàng cam của mùa thu.

Một góc cuối thu lãng mạn. Ảnh TTL

Hầu như thị trấn nào của vùng núi này cũng có một công viên hoặc một khu vườn quốc gia tuyệt đẹp. Vào mùa hè, du khách có thể đặt tour xe điện từ ga Katoomba đi thăm thú các thắng cảnh của vùng thung lũng và núi Ba Chị Em.

Leura cuối thu mang một vẻ đẹp mộc mạc mà không kém phần rực rỡ. Những con đường nhỏ lúc lên lúc xuống khiến tầm nhìn luôn thay đổi một cách thú vị. Đó đây vài cây hoa tím hay trắng cao ngang mái nhà nổi bật trên nền xanh của thông các loại. Bên hàng rào còn sót lại vài ba trái táo xanh treo trên cành khô hay nằm lăn lóc giữa đám lá phong ngày một dày lên theo những cơn gió núi.

Tránh cái lạnh, chúng tôi ghé thăm một vườn ươm xinh xắn giữa làng và nhà trưng bày bộ sưu tập những ấm trà. Tại đây, bạn có thể chiêm ngưỡng và mua mọi thứ liên quan tới trà, từ ấm, chén, tách, các loại trà, khăn, sách... cho tới các vật dụng và đồ trang trí dành cho trà đạo, được sưu tập từ nhiều quốc gia qua nhiều niên đại bằng rất nhiều chất liệu.

Ra khỏi Leura, ghé vào một khách sạn trên ngọn đồi cao ven đường, nhâm nhi tách cà phê trong gió lạnh và ngắm thung lũng Megalong trải dài dưới chân, cảm giác thong dong hiếm khi có được nếu đi du lịch theo đoàn.

Từ Barthust tới Orange khoảng 55km, con đường lá thu sẽ dẫn du khách đi ngang qua vài làng quê nữa của vùng NSW trong đó có Milhorpe, nơi có nhiều ngôi nhà cổ màu sắc trong những khu vườn xinh xắn. Buổi sáng, chúng tôi rời Orange tới vùng hồ Canobolas cách đó khoảng 10km.

Hồ này trước kia mang tên là Khu bảo tồn Meadow Creek, hình thành vào năm 1918, cung cấp nước cho thành phố Orange. Bên trái của hồ là một tháp bơm nước cổ đã được trùng tu giữ lại nguyên trạng sau 60 năm dài tranh luận. Có thể đặt hẹn để được tham quan tháp bơm cổ xưa này.

Ngày nay, vùng hồ này là nơi nghỉ ngơi lý tưởng của dân địa phương và du khách vào tất cả các mùa, người ta tới cắm trại, bơi thuyền, tổ chức những buổi tiệc dã ngoại và đi dạo trên những con đường nhỏ xuyên qua những cánh rừng tuyệt đẹp dọc theo hồ. Bước chân trên thảm lá vàng và lắng nghe tiếng xào xạc của lá đỏ lá xanh trên đầu, bạn sẽ thấy mình lạc lối trong mùa thu tới quên đường về.

và... không thể thiếu shopping. Ảnh TTL.

Chuyện dọc đường

ĐỂ ĐƯỢC HOÀN THUẾ...

Cũng như ở nhiều quốc gia khác, du khách khi rời Úc đều có thể lấy lại thuế giá trị gia tăng tại sân bay. Thủ tục khá đơn giản so với một số nước châu Âu, khi bạn chỉ cần có hộ chiếu, thẻ lên máy bay và hóa đơn mua hàng (trên 300 AUD mới được hoàn thuế).

Khi làm thủ tục này tại sân bay Sydney, tôi thấy có khá nhiều khách không biết rằng cùng với việc trình giấy tờ, còn phải trình cả món đồ mới mua tương ứng kèm theo hóa đơn để nhân viên hải quan kiểm tra. Không mang theo những món đồ đó hoặc lỡ để trong hành lý ký gửi, bạn sẽ không được nhận lại tiền thuế.

Nếu đồ bạn mua là chất lỏng và bắt buộc phải gửi theo hành lý ký gửi thì bạn sẽ phải làm thủ tục hoàn thuế trước khi check-in tại một cửa khác.

Cũng cần lưu ý ngay khi mua đồ rằng tên của bạn phải có trên hóa đơn, nếu không bạn sẽ không được nhận lại tiền. Họ cũng sẽ kiểm tra thẻ tín dụng của bạn và tiền trả thẳng vào thẻ chứ không chi tiền mặt như một số quốc gia khác. Nhân viên hải quan Úc khá nguyên tắc và không chấp nhận bất kỳ ngoại lệ nào.

Tôi đã chứng kiến một nữ du khách người châu Á bị nhân viên an ninh dẫn đi, khi người này trình một hóa đơn bị hải quan phát hiện là đã từng hoàn thuế một lần rồi. Một người khác thì bị từ chối hoàn thuế khi anh ta không thể chứng minh đôi giày đưa ra là giày mới mua, tương ứng với hóa đơn. Khá bất ngờ khi chứng kiến những tình huống ấy.

Vậy mới biết du khách có thể “sáng tạo” tới cỡ nào và nhân viên hải quan cần có một trình độ nghiệp vụ ra sao để có thể làm tốt công việc của mình.        

T.T.L.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận