12/08/2017 10:15 GMT+7

Lăng quăng là chuyện lớn

T.DƯƠNG - M.KHANG
T.DƯƠNG - M.KHANG

TTO - Chiều 11-8, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết trước mắt TP sẽ tiếp tục xử lý triệt để những ổ dịch sốt xuất huyết, tiếp tục mô hình đội diệt lăng quăng.

Cống nghẹt ở cả hai bên cổng trường tiểu học (đường số 3 và đường số 8, cư xá Chu Văn An, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), lăng quăng sinh sôi nhiều. Theo người dân, họ đã báo chính quyền nhưng vẫn vậy - Ảnh: HỮU THUẬN
Cống nghẹt ở cả hai bên cổng trường tiểu học (đường số 3 và đường số 8, cư xá Chu Văn An, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), lăng quăng sinh sôi nhiều. Theo người dân, họ đã báo chính quyền nhưng vẫn vậy - Ảnh: HỮU THUẬN

Sốt xuất huyết (SXH) lan rộng nhiều tỉnh thành. Số lượng người bệnh ngày càng tăng, có nơi tăng đến 17 lần.

Các chuyên gia y tế cho rằng nguyên nhân của sự gia tăng này có nhiều yếu tố như môi trường, mật độ dân cư ngày càng đông, tập trung ở các thành phố lớn, các chủng virút gây bệnh có sự biến đổi độc tính và một nguyên nhân nữa chính là sự chủ quan của người dân, phòng SXH chỉ dừng lại ở chuyện diệt muỗi.

Diệt lăng quăng phải làm hằng tuần

Tại buổi gặp mặt báo chí để cung cấp thông tin y tế do Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) tổ chức ở Viện Pasteur TP.HCM vào chiều 11-8, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết trước mắt TP sẽ tiếp tục xử lý triệt để những ổ dịch SXH, tiếp tục mô hình đội diệt lăng quăng.

Hiện nay, các khu phố đều có đội diệt lăng quăng để xử lý ổ dịch cũng như kết hợp với hoạt động phun hóa chất sao cho hiệu quả nhất. Trung tâm Y tế dự phòng TP đang phối hợp liên tịch với Thành đoàn để tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng hằng tuần, nòng cốt là Đoàn thanh niên.

Về lâu dài, Trung tâm Y tế dự phòng TP tiếp tục kiểm soát các điểm nguy cơ, kết hợp với mô hình cộng tác viên và xử phạt vi phạm hành chính.

Về thông tin trong cộng đồng có những khu vực có lăng quăng thì người dân cần báo với UBND xã phường để có biện pháp xử lý.

Ông Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết đối với TP.HCM, thường dịch đến chậm hơn các tỉnh thành khác khoảng một tháng.

Khi các nơi khác gia tăng, số người mắc bệnh tập trung về TP.HCM điều trị dễ làm nguồn bệnh lây lan.

Do đó làm thế nào những cơ sở điều trị phải diệt sạch muỗi, người dân phải chung tay với chính quyền diệt lăng quăng và diệt muỗi.

Ban chỉ đạo xã phường phải có trách nhiệm với từng khu vực, khu phố của mình về việc loại trừ các ổ lăng quăng.

Nước tù đọng trên các con kênh trong thành phố là nơi có nhiều lăng quăng              - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nước tù đọng trên các con kênh trong thành phố là nơi có nhiều lăng quăng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đừng bỏ qua ngủ mùng, diệt lăng quăng

Theo các chuyên gia y tế, nhiều gia đình không chú tâm phòng bệnh SXH bằng việc ngủ mùng tránh muỗi và diệt lăng quăng.

Không chỉ diệt lăng quăng có trong nhà ở, mà phải làm ở những không gian xung quanh như vườn, nhà bếp, nhà vệ sinh, cống rãnh... Không nên cho trẻ hoạt động ở các nơi có môi trường ẩm thấp, tối tăm, nơi ao tù nước đọng.

ThS.BS Nguyễn Thanh Long - nguyên phó trưởng bộ môn nhi Trường ĐH Y dược Huế - cho biết cần đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng, thường xuyên thay nước, rửa các dụng cụ chứa nước như lu, khạp...

“Những gia đình có chân tủ, bàn chưng nước nên bỏ muối hoặc dầu vào. Với các lọ hoa phải thay nước thường xuyên. Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát” - ông Long lưu ý.

Với không gian xung quanh nhà, cần thu gom hoặc tiêu hủy các vật dụng phế thải như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, vỏ dừa, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến, phát quang bụi rậm.

Tại trường học, nhà trường cần giáo dục học sinh về cách phòng SXH. Thiết kế, bố trí không gian phòng học sáng sủa, hạn chế các loại cây trồng trong nước, các góc sinh hoạt ẩm thấp.

Do một số bệnh viện ở Hà Nội quá tải, phòng bác sĩ được trưng dụng làm phòng điều trị, người bệnh phải ngồi để truyền dịch - Ảnh: THÚY ANH
Do một số bệnh viện ở Hà Nội quá tải, phòng bác sĩ được trưng dụng làm phòng điều trị, người bệnh phải ngồi để truyền dịch - Ảnh: THÚY ANH

Tỉnh, thành nào đủ điều kiện phải công bố dịch sốt xuất huyết

PGS.TS Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, đã khẳng định như vậy tại buổi gặp mặt báo chí ở Viện Pasteur TP.HCM vào chiều 11-8.

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, sẽ có nhiều điểm lợi khi công bố dịch. Cụ thể tên bệnh, thời gian, quy mô dịch phải cho người dân biết, nơi nào có dịch, nguyên nhân đường lây truyền, tính nguy hiểm của dịch bệnh, biện pháp phòng chống dịch, cơ sở nào điều trị dịch bệnh.

Trong đó, biện pháp phòng chống dịch được đặt lên hàng đầu vì nhiều lúc không có được sự thống nhất phương pháp phòng chống dịch trên cùng một địa bàn.

Theo ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2017 đến nay cả nước có 80.555 trường hợp mắc, 24 trường hợp tử vong.

So với cùng kỳ 2016, số trường hợp nhập viện tăng 33,5%, song số mắc vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam (57%), miền Trung (16,8%).

Khu vực miền Bắc có tỉ lệ mắc thấp hơn miền Nam (21,9%), tuy nhiên gần đây có gia tăng số trường hợp mắc tại Hà Nội (số mắc tuyệt đối của Hà Nội đứng thứ 2 trong cả nước).

Loại trừ lăng quăng cả ở nơi công cộng

Theo ông Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, bệnh SXH gia tăng đến mức nào còn phụ thuộc vào nỗ lực kiểm soát dịch. Nếu kiểm soát chặt, phát hiện nhanh, xử lý kịp thời mỗi ổ dịch sẽ kìm hãm dịch gia tăng.

Tuy nhiên, nếu để một mình ngành y tế thì sẽ rất khó khăn, mà các địa phương phải cùng vào cuộc, lập các tổ, nhóm thường xuyên giúp người dân kiểm tra, phát hiện và loại trừ lăng quăng.

Thông điệp của chúng tôi là mỗi tuần dành ra 10 phút để kiểm tra, phát hiện, loại trừ lăng quăng, bọ gậy. Một điểm đáng chú ý trong hướng dẫn người dân dập dịch là chú ý loại trừ lăng quăng cả khu vực công cộng và trong mỗi ngôi nhà.

Nếu phun thuốc diệt muỗi thì hóa chất chỉ tồn tại khoảng hai giờ, trong khi nếu lăng quăng chưa được loại trừ thì sẽ xuất hiện ngay một lứa muỗi mới.

Phòng chống SXH phải nỗ lực cả 365/365 ngày trong năm, phải thường xuyên liên tục vì mỗi con muỗi đẻ 500-1.000 trứng trong vòng đời của nó, những yếu tố về thời tiết, khí hậu đang rút ngắn thời gian trứng nở thành muỗi, kéo dài tầm hoạt động.

L.ANH ghi

Tạm ngưng thả muỗi trừ sốt xuất huyết ở Nha Trang

Ngày 11-8, bác sĩ Lê Tấn Phùng - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa - cho biết dự án “Đánh giá khả năng thiết lập ổn định quần thể muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia trên thực địa hẹp tại TP Nha Trang” đang tạm ngưng, do UBND tỉnh yêu cầu tìm khu vực thả muỗi ở ngoại thành TP Nha Trang thay vì trong nội thành.

Dự án này có mục tiêu “hướng tới loại trừ sốt xuất huyết Dengue tại VN”, được Trường đại học Monash (Úc) viện trợ 480.000 đôla Úc để thực hiện.

Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương làm chủ dự án, thực hiện trong năm 2017.

Theo kế hoạch, từ tháng 3-2017 sẽ thả lần lượt khoảng 1 triệu đến gần 1,4 triệu con muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia (vi khuẩn nội bào Wolbachia được xác định có khả năng ức chế được sự phát triển của virút Dengue trong muỗi vằn tự nhiên đang truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika) tại bốn phường nội thành Nha Trang là Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường và Phước Long. Đó là các địa bàn có 56.000 dân cư thuộc 12.600 hộ đang sinh sống.

UBND tỉnh Khánh Hòa chưa chấp thuận kế hoạch này vì chứng cứ khoa học để thả thử nghiệm chưa thuyết phục.

Trong khi địa bàn dự án đề xuất thả muỗi tại bốn phường nội thành lại có quy mô lớn, dân số đông, sống liên cư liên địa, giao thoa rộng. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng e ngại việc thả muỗi thử nghiệm đó có thể ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của TP Nha Trang.

Vì vậy, tỉnh đang xem xét đề xuất cho thả thử nghiệm muỗi mang Wolbachia tại xã Vĩnh Lương ở phía bắc TP Nha Trang.

Trước đây, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang đã thực hiện dự án thử nghiệm nuôi, thả loại muỗi vằn Aedes aegypty mang tác nhân Wolbachia trên đảo Trí Nguyên, TP Nha Trang (từ tháng 3-2013 đến tháng 10-2014).

Theo báo cáo của dự án, Wolbachia có khả năng ức chế virút gây sốt xuất huyết và Zika. Từ khi được thả đến năm 2016, trên đảo Trí Nguyên chỉ ghi nhận một ca mắc sốt xuất huyết.

Còn trong năm nay, theo báo cáo của y tế dự phòng TP Nha Trang, đến nay chưa ghi nhận ca nào mắc sốt xuất huyết tại đảo Trí Nguyên.

Được biết, dự án nghiên cứu loại trừ sốt xuất huyết bằng muỗi mang Wolbachia đến nay mới được thử nghiệm trên thực địa tại năm nước gồm Úc, Indonesia, Brazil, Colombia và tại TP Nha Trang của Việt Nam.

PHAN SÔNG NGÂN

T.DƯƠNG - M.KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên