Phụ huynh và học sinh mua chuẩn bị cho năm học mới - Ảnh: NHƯ HÙNG
Lần đầu tiên Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội không chỉ giám sát những chủ đề có phạm vi rộng, liên quan đến việc hoạch định các chính sách lớn, mà lựa chọn giám sát vấn đề cụ thể: xuất bản, phát hành .
Kết quả giám sát dự kiến được báo cáo tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vào cuối tháng 10. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Tất Thắng - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho biết:
- Đây là vấn đề đang được cử tri và người dân cả nước quan tâm. Trong đó nổi lên những vấn đề khiến dư luận bức xúc như việc lãng phí cả ngàn tỉ đồng sách giáo khoa (SGK) mỗi năm, gánh nặng SGK dồn lên vai người dân, vấn đề độc quyền xuất bản SGK...
Hơn nữa, khi chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới thực hiện một chương trình - nhiều bộ SGK theo nghị quyết 88 của Quốc hội thì cũng cần có sự đánh giá để rút kinh nghiệm, nhằm triển khai phương thức thực hiện mới.
Vì thế, ủy ban đã triển khai việc giám sát. Ngoài khảo sát trực tiếp ở các địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Lâm Đồng, ủy ban đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức khảo sát ở địa phương và có báo cáo về vấn đề này.
Việc đa dạng hóa SGK dựa trên một chương trình mở, linh hoạt hơn cũng tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh đổi mới phương pháp, sáng tạo trong dạy - học. Đây cũng là giải pháp quan trọng để giải quyết những bất ổn trong việc độc quyền xuất bản SGK cũng như nâng cao chất lượng dạy - học
Ông Phạm Tất Thắng
Phương thức xuất bản sinh ra thói quen dùng sách một lần
* Từ thực tế giám sát và lắng nghe các ý kiến nhiều chiều, theo ông, có hay không việc lãng phí hàng ngàn tỉ đồng SGK, xuất phát từ cơ chế xuất bản độc quyền kéo dài trong nhiều năm qua?
- NXB Giáo Dục là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực xuất bản về số bản sách, tổng doanh thu, lợi nhuận từ việc xuất bản sách.
Dĩ nhiên nhìn nhận khách quan, SGK là sản phẩm đặc thù mà NXB Giáo Dục là đơn vị có những lợi thế về kinh nghiệm tổ chức biên soạn, huy động nguồn lực, đội ngũ tác giả...
Việc kiểm duyệt chất lượng, ấn định giá SGK cũng phải thông qua sự thẩm định của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Tuy nhiên, cơ chế độc quyền cũng khiến việc xuất bản không có cạnh tranh, nảy sinh những bất cập. Cùng với cách thức xuất bản như hiện nay là thói quen sử dụng SGK một lần ngày càng phổ biến, khiến mỗi năm có hàng chục triệu bản SGK bị bỏ đi.
Lãng phí là chuyện có thật. Ở đây không phải lãng phí số tiền tương ứng với số SGK bị bỏ đi mà còn lãng phí nguyên liệu, nhân lực xuất bản sách mới, chủ yếu người dân phải gánh chịu.
* Theo số liệu của NXB Giáo Dục thì hằng năm chỉ có 30% số SGK cũ được tái sử dụng. Ông nói đến thói quen dùng SGK một lần rồi bỏ, việc này không hoàn toàn do tâm lý người dân, mà có trách nhiệm của phía NXB và cơ quan quản lý giáo dục?
- Tôi nghĩ con số 30% hay 50% không phải vấn đề, mà quan trọng là với phương thức xuất bản và sử dụng sách như hiện nay thì về cơ bản học sinh sẽ thường phải sử dụng sách mới.
Ví dụ tình trạng học sinh viết vào SGK, làm bài tập trực tiếp vào SGK là có, điều này khiến việc sử dụng lại gặp những bất cập.
Ngoài SGK bắt buộc, NXB có phát hành sách bài tập in thay thế vở bài tập của học sinh. Nhiều trường yêu cầu học sinh bắt buộc sử dụng nên số bản sách dùng một lần tăng lên nhiều.
Về việc này cũng có trách nhiệm của NXB và của Bộ GD-ĐT trong việc chỉ đạo chuyên môn, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc không ép học sinh mua SGK mới, sách bài tập theo hệ thống các trường học.
Không riêng việc đưa sách vào trường học, hiện có nhiều chương trình mở ra chỉ mang tính khuyến khích, vận động với mục đích tích cực, nhưng khi thực hiện lại trở thành yêu cầu bắt buộc phải thực hiện.
Những yêu cầu một chiều khá nhiều trong các trường học mà phụ huynh, học sinh vì lý do tế nhị nên không lên tiếng.
Nhiều bộ sách: thúc đẩy xã hội hóa
* Quan điểm của ông như thế nào về xu hướng thực hiện một chương trình - nhiều bộ SGK?
- Theo nghị quyết 88 của Quốc hội thì sắp tới sẽ thực hiện một chương trình giáo dục thống nhất nhưng có nhiều bộ SGK để các nhà trường, giáo viên chủ động lựa chọn phù hợp với điều kiện dạy học khác nhau.
Mục đích của việc này là thúc đẩy xã hội hóa, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia biên soạn, xuất bản SGK, cạnh tranh để nâng chất lượng, giảm giá thành SGK... Và cuối cùng người dân sẽ được hưởng lợi.
* Nhưng khi đưa ra quy định Bộ GD-ĐT cũng biên soạn một bộ SGK thì nhiều ý kiến lại cho rằng không có sự công bằng trong cạnh tranh?
- Theo tôi, việc Bộ GD-ĐT phải biên soạn một bộ SGK theo như nghị quyết 88 là cần thiết. Vì khi mới triển khai một chương trình - nhiều bộ SGK thì chưa thể biết sẽ có những đơn vị, nhóm, tác giả nào tham gia.
Việc không có đủ SGK khi triển khai chương trình mới rất có thể sẽ xảy ra, nên cần có một phương án an toàn. Dĩ nhiên phương án đó cũng có những điểm gây băn khoăn, nhưng theo tôi là khó có thể tìm một giải pháp dự phòng nào tốt hơn.
Trong tương lai, khi đã quen với việc thực hiện chương trình với các bộ SGK khác nhau, việc lựa chọn có thể đa dạng hơn là chỉ chọn sách của bộ hay đơn vị có ưu thế như hiện nay.
"Nơi ưu thế có thể được thêm lợi thế"
* Có thông tin cho rằng dù chương trình chưa công bố chính thức nhưng đã có những tổ chức bắt tay vào biên soạn SGK, có người tham gia xây dựng chương trình nhưng cũng tham gia viết sách... Theo ông, như thế có thiếu công bằng đối với các tổ chức, cá nhân khác vào việc làm SGK không?
- Sau khi chương trình được công bố chính thức thì dựa theo đó, các tổ chức, cá nhân mới biên soạn SGK. Người xây dựng chương trình có quyền viết sách, nhưng chỉ khi họ đã hoàn thành công việc xây dựng chương trình.
Về lý thuyết, đến thời điểm này phần biên soạn sách chưa thể bắt đầu vì chương trình môn học chưa được công bố chính thức.
Nhưng dư luận đã nói đến có những nhóm tác giả bắt tay vào viết sách trước dựa trên dự thảo chương trình bộ môn đã có.
Và trong trường hợp này, nếu thành viên xây dựng chương trình có tham gia với một tổ chức, nhóm nào đó thì đúng là "nơi ưu thế lại được thêm lợi thế".
Tất nhiên bộ sách có người tham gia chương trình viết sẽ thuận lợi vì không ai hiểu chương trình hơn họ, nhất là khi chương trình chưa công bố chính thức thì chỉ những người tham gia xây dựng chương trình mới hiểu rõ nhất.
Nhìn vào kết quả là bộ sách có chất lượng, có lợi cho xã hội, cho người học thì cũng tốt.
Tuy nhiên, cần có giải pháp quản lý để thực hiện đúng cam kết. Ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm trong việc tuân thủ đúng những gì đã cam kết với Ngân hàng Thế giới trong việc sử dụng nguồn tài chính mà họ cung cấp.
Chúng ta đã có kinh nghiệm thực tế trong một số trường hợp không áp dụng đúng cam kết sẽ để lại những hậu quả pháp lý không tốt, có thể ảnh hưởng quan hệ song phương của Việt Nam với đối tác trong những hợp tác tiếp theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận