Trong thời gian chờ đàm phán giá điện, nhiều chủ đầu tư bày tỏ mong muốn được huy động tạm thời, với giá 50% khung giá đàm phán hiện hành để tránh lãng phí nguồn năng lượng sạch, doanh nghiệp có một phần doanh thu để trang trải chi phí.
Tuy nhiên, việc huy động tạm cũng đang gặp vướng.
Doanh nghiệp và EVN đều than khó
Một số chủ đầu tư cho biết không rõ kết quả tính toán dựa trên những thông số nào, các căn cứ cụ thể ra sao, nhưng phương án được phê duyệt đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp.
Giá điện loại bỏ toàn bộ 10% chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư ở thiết kế cơ sở/thiết kế kỹ thuật ban đầu. Điều này không phù hợp khi suất đầu tư lớn, cộng thêm các chi phí cơ hội bị mất do nhà đầu tư phải chờ đợi tới 27 tháng với điện mặt trời và 17 tháng với điện gió để có cơ chế này.
Trong suốt thời gian này, doanh thu của doanh nghiệp không có nhưng cũng phát sinh nhiều chi phí, như chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng...
"Việc giảm 10% giá trị dự phòng trong tổng mức đầu tư đồng nghĩa giảm tiếp 10% chi phí vận hành, bảo dưỡng của dự án. Quá trình tính toán đã không phản ánh đúng chi phí thực tế, nên chưa tính đúng, tính đủ vào giá. Vì vậy, kể cả có đàm phán được mức giá trần cao nhất trong khung giá, không có dự án nào đạt được mức hiệu suất sinh lời là 12%" - một chủ đầu tư khẳng định.
Trong khi đó, EVN cũng nêu ra hàng loạt khó khăn khi đàm phán giá điện. Cụ thể, theo đề xuất của EVN, phương pháp tính giá trên cơ sở sản lượng lấy tại hồ sơ thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định.
Tuy nhiên, do thông tư 01 bãi bỏ điều khoản mua hết sản lượng điện và đề nghị tính giá theo thực tế vận hành. Vì vậy, EVN cho rằng không thể thuyết phục được các nhà đầu tư áp dụng chung một nguyên tắc nếu không có hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Theo EVN, dù Bộ Công Thương có hướng dẫn các nguyên tắc đàm phán giá điện nhưng đây chỉ là quy định khung. Trong khi theo Luật Điện lực, giá phát điện với hợp đồng mua bán điện có thời hạn giữa bên bán và bên mua thỏa thuận theo phương pháp do Bộ Công Thương hướng dẫn, nhưng quy định này vẫn chưa được ban hành.
Chưa kể, trong số 85 chủ đầu tư dự án chờ cơ chế giá, có không ít dự án đang gặp vướng mắc trong hồ sơ, thủ tục.
Trong khi đó, theo EVN, để áp dụng theo cơ chế dự án điện chuyển tiếp, chủ đầu tư cần phải tuyệt đối tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, khả năng hấp thụ công suất của hệ thống điện và giải tỏa công suất...
"Đây là những quy định thuộc trách nhiệm chủ đầu tư, EVN không có thẩm quyền kiểm tra xác nhận, nên các bên gặp khó khăn để thực hiện đàm phán", một lãnh đạo EVN khẳng định.
Huy động tạm thời cũng gặp vướng
Do đàm phán giá vẫn đang bế tắc, nhiều chủ đầu tư đề nghị được huy động tạm thời, nối điện lên lưới, EVN chi trả trước tiền điện bằng 50-70% khung giá đàm phán hiện hành để phần nào bù đắp chi phí, phần chênh lệch sẽ tính lại khi đàm phán xong.
Do đó, Bộ Công Thương đề nghị EVN xem xét, xử lý kiến nghị của nhà đầu tư tại các dự án điện chuyển tiếp về việc huy động nguồn điện tạm thời "theo đúng quy định liên quan" đảm bảo tuân thủ quy định về quy hoạch, đầu tư, đất đai môi trường...
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đến thời điểm này có tổng cộng 31/85 chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã nộp hồ sơ xin đàm phán giá. Trong đó, 10 dự án đề nghị được huy động với giá tạm 50%, nhưng chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho biết quá trình đàm phán có nhiều vướng mắc, các điều kiện và quy định mà Công ty Mua bán điện (EVN-EPTC), thuộc EVN, đưa ra đang gây bất lợi rất nhiều.
EVN đưa ra điều kiện áp dụng mức giá tạm thời bằng hoặc lớn hơn 50% mức giá trần của khung giá theo quyết định 21, nhưng không được thực hiện hồi tố (tức là EVN chỉ trả mức giá này) và áp dụng ngay cho hợp đồng mua bán điện (PPA).
Chưa hết, mức giá mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh là 1.750 đồng/kWh, nhưng mức giá tạm tính với điện gió và điện mặt trời (50% giá) chỉ khoảng 800 đồng/kWh và hơn 500 đồng/kWh.
"Không có quốc gia nào mua năng lượng tái tạo với mức giá thấp như vậy. Việc yêu cầu không hồi tố, tức chỉ trả tiền theo mức thấp như vậy là phi lý. Chúng tôi chấp thuận mức giá tạm tính thấp để huy động nguồn điện, tránh lãng phí.
Nhưng không nên tính cả mức giá tạm này vào thời gian áp dụng PPA hoặc doanh nghiệp phải được hồi tố. Khung giá đã thấp rồi, giờ lại giảm 50% như vậy nữa, mọi phương án tài chính vỡ hết", một nhà đầu tư nói.
Trao đổi với chúng tôi, một số doanh nghiệp cho rằng việc hướng dẫn của Bộ Công Thương là "bỏ lửng trách nhiệm", bởi Chính phủ đã có chỉ đạo rõ ràng bộ này phải có hướng dẫn về việc huy động tạm thời dự án điện chuyển tiếp.
"Việc yêu cầu các bên rằng cần thực hiện "theo đúng quy định pháp luật liên quan" là không rõ ràng nên chắc chắn EVN sẽ khó thực hiện việc huy động tạm thời do lo ngại vượt thẩm quyền, sợ trách nhiệm...", một doanh nghiệp điện gió nhận định.
Cần chung tay tháo gỡ vướng mắc
Nhiều chủ đầu tư các dự án điện gió và điện mặt trời cho biết theo thông tư 01, EVN không còn bị ràng buộc trách nhiệm "bao tiêu" sản lượng các dự án năng lượng tái tạo, nếu lại bị áp mức giá quá thấp sẽ không có phương án tài chính nào gánh nổi.
"Nhiều dự án đang gặp khó khăn, thậm chí là đối mặt với nguy cơ phá sản nếu vay nguồn vốn trong nước với lãi suất trên dưới 10%, hoàn toàn không thể trụ nổi", một doanh nghiệp lo lắng.
Ông Phạm Minh Tuấn - tổng giám đốc Công ty cổ phần BCG Energy, đơn vị quản lý dự án điện mặt trời Phù Mỹ - kiến nghị cần cho phép vận hành, ghi nhận sản lượng đối với phần công suất giai đoạn 2 của nhà máy là 114 MWp.
Theo ông Tuấn, khung giá hiện nay chưa phù hợp, cần có đơn vị độc lập đứng ra tính toán để đảm bảo tính công khai, cũng như sớm hoàn thiện quy trình mua bán điện trực tiếp (DPPA) để doanh nghiệp trực tiếp đàm phán bán điện với khách hàng mua điện.
Tuy nhiên, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - đơn vị tham mưu xây dựng để ban hành khung giá - khẳng định đã báo cáo Thủ tướng về cơ chế với dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp cùng các văn bản liên quan.
Theo đó, việc ban hành quyết định 21 là đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định và được hội đồng tư vấn độc lập thẩm định kỹ lưỡng. Cơ quan này cũng thông tin các thông số để xây dựng khung giá là dựa trên số liệu của các tổ chức tư vấn quốc tế, Viện Năng lượng, các công ty tư vấn xây dựng điện và Tổ chức GIZ cung cấp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Trí Long, một thành viên của hội đồng tư vấn độc lập tham gia thẩm định dự thảo khung giá, cho biết việc thẩm định đã được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở các thông số đầu vào, các phương án do EVN và Bộ Công Thương cung cấp, cũng như so sánh với các chuẩn mực của quốc tế.
Tuy nhiên, với những vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh, ông Long cho rằng các bên cần đối thoại thẳng thắn.
Trong đó Bộ Công Thương cần chủ động tháo gỡ, đảm bảo tính công khai, minh bạch. "Cần đảm bảo lợi ích các bên liên quan. Đây là những dự án có quy mô vốn rất lớn, nếu không xử lý, hệ lụy kéo theo là nợ xấu ngân hàng, lợi ích nhà thầu, phụ trợ...", ông Long khuyến cáo.
Một thành viên khác cho rằng việc Bộ Công Thương ban hành khung giá và yêu cầu EVN thương thảo với các nhà đầu tư để ký PPA là không phù hợp, bởi một hợp đồng mua bán điện không chỉ quy định điều khoản về giá, mà còn nhiều vấn đề khác nằm ngoài thẩm quyền quyết định của EVN để có thể đàm phán giá với các dự án điện chuyển tiếp đạt hiệu quả.
Như Tuổi Trẻ thông tin, 23 nhà đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng vừa tiếp tục có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng về việc tháo gỡ vướng mắc trong đàm phán giá mua bán điện và áp dụng cơ chế giá tạm trong quá trình đàm phán cho các dự án này.
Theo đó, các doanh nghiệp cho biết đã có nhiều nhà đầu tư nộp hồ sơ và đề nghị tham gia đàm phán.
Tuy vậy, bên cạnh những hồ sơ nộp chưa được chấp thuận đủ điều kiện đàm phán, tiến độ đàm phán còn rất chậm do thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể.
Để tránh lãng phí nguồn năng lượng sạch, các nhà đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, báo cáo Chính phủ về những kiến nghị mà các nhà đầu tư đã nêu ra trước đó về những khó khăn, bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tại quyết định 21 và thông tư 01.
Các doanh nghiệp mong Thủ tướng chỉ đạo giao Bộ Công Thương sớm ban hành các quy định hướng dẫn theo thẩm quyền, làm cơ sở pháp lý cho EVN và chủ đầu tư đàm phán.
Chỉ đàm phán với những dự án đảm bảo hồ sơ pháp lý
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Thịnh - chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận - cho rằng giá điện sạch chỉ cao hơn thủy điện, trong khi có những thời điểm EVN phải mua điện từ nhiệt điện than, điện chạy dầu có giá cao hơn.
Do đó, theo ông Thịnh, về lâu dài cần đàm phán giá điện sao cho hài hòa được lợi ích các bên, trong đó các nhà đầu tư đảm bảo được tỉ suất lợi nhuận hợp lý.
Trong thời gian chờ đàm phán giá điện, ông Thịnh cho rằng các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, cần sớm ban hành chính sách để làm cơ sở pháp lý thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ là cho phép huy động tạm thời.
Các chính sách này phải thực sự thể hiện tinh thần mạnh dạn gỡ khó, tránh tình trạng sợ trách nhiệm mới có thể tháo gỡ cho doanh nghiệp thực sự.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngành điện, việc đàm phán chỉ nên thực hiện với những dự án đầy đủ hồ sơ pháp lý, không vi phạm các vấn đề về pháp lý nói chung, trong đó có vấn đề về quản lý đất đai, xây dựng…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận