22/07/2008 08:54 GMT+7

Lãng phí có chống được bằng luật?

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
TS NGUYỄN SĨ DŨNG

TT - Trong việc thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, chúng ta không thiếu luật. Và có vẻ như cũng không thiếu cả các văn bản dưới luật. Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ban hành ngày 9-12-2005, nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật được ban hành ngày 15-7-2006, thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành luật ngày 22-8-2006. Cái thiếu là những chuyển biến được mong đợi từ luật.

Nguyên nhân có nhiều, trong đó có cả những nguyên nhân khó xử lý được bằng pháp luật. Ví dụ, những thói quen "nước đến chân mới nhảy", "mất bò mới lo làm chuồng"... thường gây ra những tổn thất và mất mát lớn ngoài mức tưởng tượng.

Nhưng chúng lại gắn với lối sống và văn hóa. Hay những thói quen kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy", đã đãi khách thì phải đàng hoàng... chẳng hạn cũng gây nhiều tốn kém. Những thứ như trên thường được "di truyền" qua văn hóa và lối sống nên phải được xử lý bằng giáo dục, bằng truyền thông và phải mất nhiều thời gian.

Có cả những nguyên nhân nằm ở khâu thiết kế tổ chức, bộ máy. Ví dụ, việc phân bổ các nguồn lực phân tán cho 64 tỉnh thành là một trong những nguyên nhân gây thất thoát lãng phí rất lớn. Hay khả năng vận hành cơ chế trách nhiệm đối với các hành vi ở tầm xác định ưu tiên và hoạch định chính sách cũng là một nguyên nhân quan trọng ở đây. Bởi vì nếu chúng ta chỉ áp đặt được chế độ trách nhiệm cho những người xây dựng các nhà máy đường, mà lại lúng túng trong việc áp đặt chế độ trách nhiệm cho những người đề ra chương trình 1 triệu tấn đường, thì những lãng phí khủng kiếp vẫn còn đó.

Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí điều chỉnh rộng lớn và toàn diện về việc tiết kiệm và chống lãng phí. Hầu như tất cả mọi hành vi của mọi người liên quan đến việc chi tiêu tiền bạc và sử dụng các nguồn lực đều bị điều chỉnh (bất kể trong lĩnh vực công hay lĩnh vực tư). Đồng thời, trách nhiệm giám sát cũng được giao cho rất nhiều đối tượng. Điều đáng nói là khi phạm vi điều chỉnh quá lớn, các hành vi bị điều chỉnh quá nhiều, việc thực thi đạo luật là rất khó khăn.

Có vẻ như chưa bao giờ chúng ta có đủ các nguồn lực để làm như vậy cả. Chính vì vậy, một tư duy lập pháp mới là rất quan trọng ở đây. Thay vì cố gắng xử lý mọi vấn đề liên quan đến việc tiết kiệm, chống lãng phí, chúng ta cần xác định được đâu là vấn đề hệ trọng nhất và tập trung mọi nỗ lực lập pháp để xử lý vấn đề đó. Với cách làm này, chúng ta không chỉ có thể thực hành tiết kiệm và chống lãng phí ngay trong lĩnh vực lập pháp, mà còn có thể làm các đạo luật dễ được thực hiện hơn nhiều.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên