23/07/2015 10:20 GMT+7

Lắng nghe những câu chuyện đàn bà

MAI HOÀNG - MINH TRANG
MAI HOÀNG - MINH TRANG

TT - Không hẹn mà gặp, trên kệ sách tuần này là những cuốn tản văn của những người phụ nữ. Người quen, người lạ, người xa, người gần nhưng điểm chung của những cây bút này họ đều là những phụ nữ đã có gia đình, có con nhỏ, từng trải và yêu viết lách.

Ba tập tản văn của ba tác giả nữ vừa ra mắt - Ảnh: Mai Hoàng
Ba tập tản văn của ba tác giả nữ vừa ra mắt - Ảnh: Mai Hoàng

1 Đàn bà yêu thành phố, tên cuốn sách mới của Kiều Bích Hương, chính là tựa của một trong 75 bài viết trong cuốn sách (NXB Trẻ). Chằng chịt trong cuốn sách được chia nhỏ thành tám phần ( hai đầu nỗi nhớ; Bóng quê in tuyết; Những vị khách qua đêm; Nhớ Tết từ Giáng sinh; Về nông thôn; Những câu chuyện giáo dục; Bốn mùa cơm, phở, bún, nem... Chuyện riêng xứ người) là những câu chuyện vừa là mắt thấy tai nghe, vừa là những chiêm nghiệm văn hóa. Văn hóa chợ búa. Văn hóa ăn uống. Văn hóa giao thông. Văn hóa giáo dục...

Vượt trội về số trang (344 trang), nhưng điểm nổi bật của cuốn sách đó là chứa đựng nhiều câu chuyện từ Đông sang Tây, từ Hà Nội quê hương tới Rotselaar, Vương quốc Bỉ - nơi tác giả đang sống cùng chồng con.

Bằng cái nhìn của một người từng là nhà báo trước khi rời Việt Nam, Kiều Bích Hương dường như không bỏ qua bất cứ chi tiết nào, từ phong cảnh thiên nhiên đến nếp ăn, nếp nghĩ, thậm chí sự thay đổi bên bức tường rào nhà hàng xóm... Nhưng trên hết, đó là những khác biệt văn hóa giữa những vùng đất.

Những câu chuyện Kiều Bích Hương viết không phải là những phát hiện to lớn vĩ mô, mà là cái nhìn tinh tế và rất đàn bà. Chỉ những người đàn bà đã làm vợ, làm mẹ, làm dâu xứ người mới nhận ra.

Bởi thế, cũng dễ nhận ra khi đọc những bài viết trong tập, Hương viết về chính mình, những câu chuyện trong nhà, chuyện bếp núc, chuyện nuôi dạy con cái, chuyện nhớ quê hương, nhớ mẹ cha. Nhưng bao giờ cũng vậy, chị không kể lại chuyện mình, chuyện nhà như là tự bạch, như là muốn phơi bày những hân hoan hay nỗi muộn phiền để tìm kiếm sẻ chia.

Đàn bà yêu thành phố vượt lên trên những ghi chép thường nhật, trở thành cây cầu nối văn hóa, để chúng ta cảm thấy văn hóa là khác biệt, văn hóa của mỗi vùng đất đều vừa rất đáng tự hào nhưng cũng đầy những điều cần bổ sung, tiếp nhận.

2 Một cuốn sách khác, cũng của một người đàn bà, đó là Còn nhớ nhau không của nhà văn Lê Minh Hà. Tên sách, không có chữ đàn bà nào, nhưng đọc sách thì thấy rất đàn bà. Cũng đang sống ở xa Tổ quốc (Berlin, Đức), nhưng trang viết của Lê Minh Hà là sự “nội soi” vào tâm hồn mình, đánh thức những ký ức tưởng như đã ngủ yên trong lòng.

Đó là những năm tháng đã xa, cái hồi bé tí ti 6 tuổi “để lại cái mũ rơm nơi xóm nhỏ, những đứa trẻ Hà Nội từ nơi sơ tán lần lượt trở về Hà Nội”.

Đó là chuyện chạy lụt hồi năm 1971: “Làng tôi nhiều nhà trôi. Bà vẫn theo thuyền đi đi về về kể nhà có mấy con gà hôm đầu chạy lụt không bắt kịp mà chúng nó khôn, nước dâng biết lần về, bà để cái chậu sành ngô đó, thế mà sống”.

Và còn là những “miếng sắn miếng khoai, miếng buồn miếng nhớ”, những “quà đường nơi sơ tán” đọc mà rưng rưng nhớ.

Đọc những tản văn trong cuốn sách này, độc giả ngày nay có thể hiểu thêm về một thời đã xa, nhưng qua ký ức như còn tươi rói của Lê Minh Hà, mọi thứ vẫn rất gần gũi, thân thương. Bởi một điều vừa đơn giản mà cũng rất đỗi thiêng liêng, đó là một phần của ký ức dân tộc.

3 Trong dịp này, cũng được nhiều người phụ nữ tìm đọc, là Trái tim đàn bà (báo Phụ Nữ, 1980 Books và NXB Hội Nhà Văn ấn hành) của nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương.

Không chỉ nổi bật về hình thức, với những minh họa đáng yêu do Thóc - một “nhân vật” trong cuốn sách, là con gái của tác giả - vẽ, Trái tim đàn bà có rất nhiều chi tiết chạm được vào trái tim người đọc.

Ở đó, những câu chuyện vẻ như là riêng tư của tác giả, hoặc gợi nhắc những sự kiện báo chí, đã lay thức những giác quan của người đọc, khiến họ suy nghĩ nhiều hơn về những giá trị sống, giá trị của hạnh phúc.  “Ngày MH370 mất tích, cô bạn tôi sau khi xem xong bản tin 23g của VTV đã vào bế cậu con trai 6 tuổi đang phải tập ngủ riêng quay lại giường bố mẹ và em (...) Để trao tặng người thân yêu của mình tối đa những cơ hội họ được sống theo cách họ thấy hạnh phúc” (Tận hưởng bình tĩnh).

Viết cho phụ nữ nên giọng văn thủ thỉ, không chút giáo điều, lớn lối của Quỳnh Hương khiến người đọc cảm thấy được sẻ chia hơn bao giờ. Người phụ nữ trong trang viết của chị, giống như tất cả những người phụ nữ Việt khác: họ yêu thương con cái, yêu thương đàn ông nhưng lại quên yêu chính bản thân mình. Và rồi họ than trách nhiều hơn, họ thấy mình xấu xí, họ oán hận những khiếm khuyết của mình...

Thế rồi tác giả mạnh dạn đưa cho ta nhiều gợi ý: hãy thử nhìn cuộc sống qua đôi mắt non tơ của một đứa trẻ, hãy đi bên cạnh chúng vào một buổi chiều thong thả, chúng sẽ chỉ cho ta thấy cầu vồng thấp thoáng sau dãy nhà cao tầng mà bình thường ta chẳng bao giờ để ý.

Những tổn thương mà người khác gây ra cho ta sẽ bay biến khi ta trở về nhà, dạo bộ trong khu vườn hoa trái thơm nồng của mẹ...

Những đố kỵ ghen ghét vô cớ sẽ chẳng còn khi ta biết đâu đó trên mảnh đất này có những bà mẹ, những chị gái đang gom góp từng chiếc tất nhỏ cọc cạch người khác bỏ đi để giặt sạch sẽ lại, kết đôi với một chiếc tất cọc cạch khác, mang đến những bản làng xa xôi làm quà tặng cho lũ trẻ nghèo.

Đọc những tập tản văn đàn bà viết cho “đồng loại” để thấy phút chốc trái tim được xoa dịu bằng một bàn tay mềm mại, vô hình.

MAI HOÀNG - MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên