TTCT - Các ý kiến được truyền qua phương tiện truyền thông đến các cá nhân, sau đó được khuếch đại, thảo luận làm rõ ý nghĩa và định hướng suy nghĩ qua giao tiếp với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng. Chính trong bước giao tiếp xã hội thứ hai này, các ý kiến chính trị xã hội cụ thể được hình thành. Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là một trong số ít bộ trưởng ở Việt Nam dùng mạng xã hội để tương tác với người dân Bộ phim Trò chơi vương quyền dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn George Martin được xem là phim truyền hình nhiều tập ăn khách nhất từ trước đến nay của kênh truyền hình HBO. Chúa tể của “những lời thì thầm” Một trong những yếu tố thu hút người xem nhất có lẽ là môtip nội dung phim rất khác với các phim giả tưởng trước đây khi kết cục các phần phim luôn bất ngờ, có phần nghiệt ngã với cả nhân vật chính diện và phản diện. Tuy nhiên, dù hầu hết nhân vật đều chết thì có một nhân vật không hề hấn gì. Đó là lãnh chúa Varys, người quản lý những lời thì thầm (Master of whispers). Sức mạnh bí ẩn của Varys là mạng lưới thông tin xuyên suốt trong dân chúng để phục vụ vương triều giả tưởng Westeros. Câu chuyện trên dù chỉ tồn tại trong phim ảnh nhưng phản ánh một thực tế cần thiết với chính quyền trong quá khứ cũng như hiện đại: sự thiết yếu của mối liên lạc giữa chính quyền với dân chúng qua phương tiện truyền thông để lắng nghe thảo luận của công chúng. Từ thời Ai Cập cổ đại với chữ tượng hình trên gạch nung bằng đất sét và giấy papyrus để các pharaon giao tiếp với người dân cho đến phát minh giấy từ vỏ thân cây của người Trung Hoa, chữ viết đã đóng vai trò thiết yếu cho mối liên hệ này. Khi đài phát thanh và truyền hình được phát minh, nhiều nghiên cứu đã cho thấy chúng có chức năng định hướng “những lời thì thầm” của dân chúng với hiệu quả nhất định. “Lời thì thầm” trong không gian mạng xã hội Dù chữ viết và sau đó là phát minh công nghệ máy in của Gutenburg đã góp phần vào các cuộc cách mạng xã hội, làm giảm lòng tin vào thần giáo, hay như đài phát thanh và truyền hình góp phần thúc đẩy toàn cầu hóa, các phương tiện truyền thông này khó tránh khỏi một điểm yếu mà ngày nay đã trở thành gót chân Asin của chúng. Đó là sự giao tiếp thông tin mang tính một chiều từ người đưa ra thông tin với rất ít cơ chế nhận lại phản hồi từ người nhận thông tin. Các mô hình truyền thông một chiều bị phản biện là máy móc và cứng nhắc với lập luận người gửi và nhận thông điệp là hai thực thể khác nhau, thể hiện tính một chiều và độc quyền thông tin. Điều này càng lúc càng khó chấp nhận hơn vào các thập niên cuối thế kỷ 20. Các mô hình truyền thông sau đó phản ánh rõ nét sự thay đổi mang tính xã hội của cơ chế truyền thông hiện đại, trong đó các cá nhân hay tổ chức vừa là người gửi và nhận thông điệp hai chiều qua các phương tiện trong sự tác động của những yếu tố lịch sử, văn hóa, tâm lý và xã hội. Đầu thế kỷ 21, phương tiện truyền thông xã hội đã đem lại cho các cá nhân cảm giác thoát khỏi sự tù túng của cơ chế thông tin một chiều bất đối xứng giữa người gửi và người nhận bằng cách tham gia tương tác trực tiếp với nhau trong không gian trực tuyến và thời gian thực. Truyền thông xã hội, đại diện bởi các mạng xã hội như Facebook, Twitter và My Space, đã trở thành những kẻ thay đổi cuộc chơi. Chúng dồn các phương tiện và cơ chế truyền thông quen thuộc lâu nay vào góc tường trong thế chống đỡ thụ động. Nhưng sự chuyển đổi của các phát minh từ giấy papyrus cho đến máy in của Gutenberg mất đến hàng chục thế kỷ, trong khi sự phát triển của truyền thông xã hội Internet được tính theo đơn vị năm. Thời gian biểu này thậm chí ngày càng được rút ngắn với các ứng dụng giao tiếp trực tuyến. Không chỉ vậy, nó tác động đến lối sống con người một cách chưa từng thấy. Ngày nay, người ta có thể thuê một căn phòng không có truyền hình hay đài phát thanh nhưng không thể thiếu Internet và điện thoại thông minh. Hãy hỏi những người trẻ xem họ làm điều gì đầu tiên khi thức dậy vào buổi sớm mai: vào phòng tắm hay vươn tay chụp lấy chiếc điện thoại để xem và lắng nghe những lời thì thầm nhỏ to trên mạng xã hội? Đám đông trên mạng đang làm gì? Vậy những yếu tố nào đã làm các cá nhân ngày nay tương tác mỗi lúc nhiều hơn với truyền thông xã hội? Giáo sư Clay Shirky, ĐH New York, đã viết trên tạp chí Foreign Affairs rằng một trong những lý do chính là Internet và mạng xã hội đã cho người ta cơ hội được tham gia thể hiện và tranh luận công khai hay kín đáo các vấn đề xã hội theo nhìn nhận của chính họ. Điều này rõ ràng có liên quan đến sự tham gia xã hội và chính trị của công chúng trong không gian công cộng, như khái niệm của nhà xã hội học nổi tiếng Jurgen Habermas. Như đã đề cập ở trên, các chính quyền bằng cách này hay cách khác đã luôn có tương tác với người dân thông qua các phương tiện nghe nhìn khác nhau tùy theo biến chuyển của công nghệ truyền thông. Trong quyển sách nói về sự chú ý xã hội và văn hóa hiện đại Sự ngưng lại của nhận thức (Suspensions of perception), GS Jonathan Crary, ĐH Colombia, đã nhắc nhở rằng “cách mà chúng ta lắng nghe, nhìn vào hay tập trung sự chú ý vào bất kỳ vấn đề nào đó đều có tính chất lịch sử sâu xa”. Các nghiên cứu gần đây về truyền thông cũng cho thấy phương pháp mà các thể chế chính trị xã hội lắng nghe “những lời thì thầm” thay đổi theo sự chuyển đổi của dạng thức công nghệ truyền thông. Dựa trên nhận định đó, nhà nghiên cứu Kate Crawford đã phát hiện rằng phương thức lắng nghe những lời thì thầm trên mạng xã hội là một xu hướng giao tiếp chính sách hiện đại cần chú ý. Lắng nghe mạng xã hội không chỉ là hành vi lướt mạng thông thường mà là sự tìm hiểu kỹ càng những thông tin dư luận có tính chất hệ thống, phổ biến và cập nhật để hiểu biết tình hình xã hội và có các phản hồi thích hợp. Có một suy nghĩ dễ được chấp nhận là nếu ta dạo bước trên mạng xã hội thì những câu chuyện cá nhân vặt vãnh, phù phiếm và cả những phản kháng xã hội tủn mủn có vẻ như phổ biến, trong khi thông tin liên quan đến các vấn đề chính sách xã hội vĩ mô thì ít nhận được sự chú ý. Thật ra theo nhiều nghiên cứu, số lượng người lên mạng Internet nhưng không tham gia tranh luận các vấn đề chính sách xã hội chiếm số lượng rất đông. Dù không đóng góp vào các bình luận trực tuyến, nhưng họ có vai trò như một đám đông quần chúng lắng nghe một cuộc tranh luận hay diễn thuyết chính sách. Họ chưa đưa ra ủng hộ hay phản đối trực tiếp, nhưng họ đang lắng nghe và rồi đến một lúc nào đó sẽ “thì thầm” theo cách của riêng mình. Theo đó, thuật ngữ “nghe” trước đây chỉ dùng cho đài phát thanh nay đã chuyển thành lắng nghe mạng xã hội và Internet. Tổng thống Mỹ Obama sử dụng hiệu quả mạng xã hội Giao tiếp chính trị xã hội qua mạng xã hội Trong khi các tập đoàn kinh doanh, ngành công nghiệp giải trí, trường đại học hay các tổ chức phi chính phủ đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội mà mạng xã hội tạo ra để tương tác với các đối tượng thông điệp mục tiêu của họ, thì các chính trị gia thường có xu hướng khá thận trọng khi giao tiếp với công chúng trên không gian mạng rộng lớn. Tuy nhiên, xu hướng này thay đổi rõ rệt gần đây khi mạng xã hội ngày càng hấp dẫn người dân. Các chính trị gia do đó càng phải để ý nhiều hơn đến những giao tiếp trên phương tiện này. GS Clay Shirky cho rằng với truyền thông xã hội, chính trị gia có một kênh thông tin hữu hiệu, gần như miễn phí để tiếp nhận thông tin từ công chúng và có những phản hồi chính sách kịp thời. Tuy nhiên, đôi khi một số chính trị gia lại bỏ lỡ cơ hội vì dù họ có vẻ lắng nghe truyền thông xã hội, nhưng họ hầu như không có phản hồi hay thể hiện hình ảnh cá nhân để minh chứng sự tương tác hai chiều cần thiết. Chưa kể những chính trị gia không màng đếm xỉa tới dư luận. Và khi những khoảng trống thông tin tồn tại, công chúng sẽ thỏa mãn nhu cầu thông tin bằng cách tự động chuyển dần sang theo dõi và thảo luận các vấn đề liên quan từ những nguồn tin khác, đôi khi là không chính thống nhưng sống động hơn, cập nhật hơn và có nhiều tương tác hơn. Các nghiên cứu cơ chế truyền thông cũng cho ta biết bản thân truyền thông đại chúng khó thay đổi suy nghĩ của công chúng. Thay vào đó, quá trình ấy sẽ theo hai bước tiếp nhận và xử lý thông tin cơ bản. Trước tiên các ý kiến được truyền qua phương tiện truyền thông đến các cá nhân, sau đó được khuếch đại, thảo luận làm rõ ý nghĩa và định hướng suy nghĩ qua giao tiếp với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng. Chính trong bước giao tiếp xã hội thứ hai này mà các ý kiến chính trị xã hội cụ thể được hình thành. GS Shirky cho rằng mạng xã hội và Internet đang hỗ trợ bước thứ hai này một cách đắc lực và điều đó có thể tạo ra sự khác biệt cho các quyết sách chính trị xã hội. Quyết định giao tiếp với công chúng qua các hình thức truyền thông mới mẻ này tùy thuộc vào lựa chọn cá nhân của người dân cũng như chính trị gia, nhưng điều rõ ràng là truyền thông mạng xã hội và Internet đã và đang đóng vai trò thay đổi sâu sắc đến các giao tiếp xã hội và chính trị, tương tự giấy papyrus hay truyền hình từng tạo ra trong lịch sử loài người.■ Tổng thống Mỹ Barack Obama là một chính trị gia biết vận dụng một cách hoàn hảo mạng xã hội cho sự nghiệp chính trị của mình. Trong những năm tháng chạy đua vào Nhà Trắng, đội ngũ truyền thông bao gồm những nhân viên am hiểu truyền thông xã hội của ông đã sản xuất nhiều phim ngắn trên trang YouTube cùng các bài viết trên mạng Facebook và Twitter. Các sản phẩm truyền thông chính trị này thu hút sự chú ý của công chúng nhiều hơn những thông điệp trên các phương tiện nghe nhìn truyền thống khác. Chính Nhà Trắng gần đây cũng công khai rằng đây là những phương tiện cần thiết để chuyển tải thông điệp của tổng thống trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Thủ tướng Úc Kevin Rudd và Thủ tướng Anh Gordon Brown từng sử dụng triệt để truyền thông xã hội vào các chiến dịch chính trị của họ. Tờ The Guardian cho biết trang Facebook của Thủ tướng Anh đương nhiệm David Cameron có đến hơn 130.000 người quan tâm, chưa kể những người theo dõi (Follow). Tags: Mạng xã hộiTruyền thông xã hộiĐám đông trên mạngTương tác xã hội
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Triển lãm quốc phòng là sự kiện đối ngoại lớn và quan trọng NAM TRẦN 22/12/2024 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định qua triển lãm quốc phòng quốc tế đã thấy công tác chuẩn bị rất toàn diện, triển khai thực hiện rất bài bản, chuyên nghiệp.
Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại TP.HCM CẨM NƯƠNG 22/12/2024 Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đoàn lãnh đạo đã đến thăm, chúc mừng Giáng sinh Tổng giám mục Nguyễn Năng và Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh.
Chi tiết toàn bộ bảng lương công chức áp dụng năm 2025 THÀNH CHUNG 22/12/2024 Dưới đây là chi tiết toàn bộ bảng lương công chức được áp dụng từ năm 2025. Bảng lương được tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Concert Sóng 25 có ăn theo các anh trai từ Trấn Thành đến HIEUTHUHAI? HOÀNG LÊ 22/12/2024 Lần đầu tiên Sóng - một chương trình truyền hình phát tối 30 đến qua giao thừa - tổ chức concert. Giá vé từ 2,5 đến 10 triệu đồng, khá 'cứng', lại còn vào thứ tư, có hạn chế?