05/07/2021 12:32 GMT+7

Lắng nghe Khúc hát của cây

NỮ LÂM
NỮ LÂM

TTO - David George Haskell là giáo sư đại học chuyên ngành sinh vật học và môi trường tại Tennessee, Mỹ. Là một nhà sinh vật học nhưng có tâm hồn nghệ sĩ, ông đã dung hòa hai phẩm tính đó trong những tác phẩm viết về thực vật.

Lắng nghe Khúc hát của cây - Ảnh 1.

Ảnh: T.K.

Độc giả có thể nhận ra điều này trong tác phẩm Khúc hát của cây - Câu chuyện về sự kết nối tuyệt vời của tự nhiên (NY dịch) vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam.

Giáo sư Haskell xuất bản sách khá muộn. Năm 2012, ông ra mắt tác phẩm đầu tay The Forest Unseen: A Year's Watch in Nature và đoạt giải Sách hay nhất của Viện hàn lâm quốc gia. Nhưng phải 5 năm sau ông mới xuất bản Khúc hát của cây và gặt hái được nhiều giải thưởng.

Thời gian thai nghén tác phẩm dài như vậy bởi Haskell phải bỏ công sức ra quan sát thực địa, nghiên cứu, trải nghiệm ở nhiều khu vực.

Tác phẩm Khúc hát của cây mang tầm nhìn bao quát, trải rộng từ loài cây ceibo (vông mồng gà) ở gần sông Tiputini (nước Ecuador) đến những cây tần bì xanh trên cao nguyên Cumberland thuộc tiểu bang Tennessee, loài thông trắng Nhật Bản trên đảo Miyajima...

Tùy vào xứ sở mà những loài thực vật này không chỉ ẩn chứa trong mình một nhịp sống sinh học mà còn là đời sống tinh thần gắn với thế giới tâm linh của người bản địa, là lịch sử và chính trị.

Một cây bonsai được các thế hệ trong một gia đình chăm sóc suốt ba trăm năm, và khi bom nguyên tử thả xuống Hiroshima, cái cây đã chẳng hề hấn gì. Năm 1976, gia đình Yamaki và Chính phủ Nhật đã quyết định tặng cây thông này cho nước Mỹ để kỷ niệm ngày độc lập của quốc gia này.

Đó là cách một cái cây tưởng rằng tầm thường nhưng hóa ra lại là nhân chứng cho những biến động của thời đại. Điều này phần nào giải thích cho tựa phụ của quyển sách này: Câu chuyện về sự kết nối tuyệt vời của tự nhiên.

Chính những dân tộc đang sống trong lòng thiên nhiên mới cảm nhận sâu sắc sự kết nối vô hình nhưng mãnh liệt này. Họ nghe ra trong lòng cây cối tiếng của những con sông đang sống và hát.

Cây cối không chỉ là giống loài của rừng rậm hoang sơ, nó còn gần gũi với loài người bằng cuộc hóa thân thành những đồ vật thiết yếu.

Gỗ từ một thân cây nơi rừng sâu được lấy làm đàn. Bàn tay người nghệ sĩ đã quyện bản đàn của thiên nhiên và tâm hồn của mình để trình tấu những khúc nhạc cho những ai không nghe ra khúc hát của cây.

Do đó mà David George Haskell kết luận: "Chúng ta không thể đứng ngoài lề bản nhạc cuộc sống. Âm nhạc này làm nên chúng ta, đó là bản chất của chúng ta [...]. Đạo đức con người phải là một loại bổn phận, thứ mệnh lệnh khiến cho mọi thứ trở nên cấp bách hơn".

Cây cam ngọt của tôi: Bảo vệ sự ngây thơ của thế giới Cây cam ngọt của tôi: Bảo vệ sự ngây thơ của thế giới

TTO - Nếu Hảo hán nơi trảng cát của Jorge Amado (1912 - 2002) là cuộc sống của những đứa trẻ mồ côi ở Salvador thì Cây cam ngọt của tôi là cuộc đời của những con người trong khu xóm nghèo ở thủ đô Rio de Janeiro.

NỮ LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên