14/12/2018 14:35 GMT+7

Lắng nghe học trò qua những lá thư

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Chủ đề 'trò đánh giá thầy' được một số trường tổ chức theo nhiều cách khác nhau, trong đó có cả hiệu quả và những điều chưa làm được.

Lắng nghe học trò qua những lá thư - Ảnh 1.

Cô Lê Thanh Hương trò chuyện với học sinh trong giờ ra chơi - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tuổi Trẻ giới thiệu hai câu chuyện do giáo viên ở TP.HCM chia sẻ.

Nỗi niềm học sinh

Sau đợt phát động học sinh toàn trường viết thư cho cô hiệu trưởng vào cuối tháng 11-2018, 1.043 (100%) học sinh Trường tiểu học Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) đã mang thư lên phòng và đưa tận tay cô hiệu trưởng Lê Thanh Hương. 

"Với mục đích hiểu thêm về học sinh cũng như tạo điều kiện cho các em thể hiện suy nghĩ, mong muốn, nỗi niềm... của học sinh, tôi đã trực tiếp đọc tất cả những lá thư đó. 

Cảm giác của tôi khi đọc thư là rất bất ngờ, ngạc nhiên và xúc động. Tôi không ngờ ở lứa tuổi tiểu học, các con đã biết động viên thầy cô, biết chia sẻ với nhà trường, biết đóng góp ý kiến hết sức nghiêm túc và có trách nhiệm" - cô Hương nói.

"Con mong ước trường mình được ăn buffet mỗi ngày" - Gia Bảo, lớp 4/4, mong ước. Tương tự, em Hương Thủy, học sinh lớp 3/1, nhắn gửi: "Cô ơi! Lâu rồi chúng em không được ăn buffet, cô có thể cho chúng em một ngày ăn buffet được không ạ? Chúng em hứa sẽ học thật giỏi để cô vui".

Học sinh Anh Khôi, lớp 4/4, thì rất thực tế: "Hiện nay trường rất cũ nên em mong muốn cô cho sửa chữa trường. Vì em muốn trường mình phải thật đẹp và sáng sủa hơn". 

"Vào năm học sau, con mong muốn cô sẽ xây một cái hồ bơi thật to và một phòng thí nghiệm để giúp con khám phá mọi điều và một phòng thư viện thật đẹp có nhiều quyển sách hay để con đọc" - Minh Nga, lớp 3/1, viết.

Đức Anh, lớp 3/1, thì đề nghị: "Em muốn nhà trường tổ chức thật nhiều hoạt động ngoài giờ hơn và xây dựng phòng tập thể dục để tụi em rèn luyện thân thể". 

Học sinh Trần Bảo Nghi, lớp 4/4, cũng ước: "Cô ơi, con muốn trường xây lên một phòng dạy nhảy, hồ bơi, được ăn đồ ăn ngon, tổ chức nhiều trò chơi hay, vui nhộn, mở lớp dạy nấu ăn, được trải nghiệm kỹ năng sống".

Riêng Anh Thư - lớp 5/3 - lại bày tỏ: "Trong 5 năm nay, con đã có rất nhiều tình cảm với nhà trường và với cô. Con mong muốn cô tổ chức nhiều chuyến đi chơi hơn và gắn thêm quạt ở nhà bếp tại vì nó rất nóng. Và con muốn tăng thêm giờ ra chơi và thêm thật nhiều truyện trong thư viện". 

Tương tự, "Con mong cô sẽ lắp thêm quạt điện hoặc phương án nào khác cho chúng con được ăn một bữa trưa thật ngon lành" - Đan Quỳnh, lớp 5/3, chia sẻ.

Học sinh Bá Hoàng, lớp 5/3, lại muốn: "Em mong muốn cô mở rộng diện tích, sân chơi cho chúng em để chúng em có thể vui chơi năng động hơn". 

Trong khi đó, Minh Sang, lớp 4/3, thì viết: "Con mong muốn trường mình có nhiều cái hay và đẹp hơn, giờ ra chơi sẽ nhiều thời gian hơn, chỗ ngủ trưa rộng hơn. Nếu cô có thể thì con muốn sân trường to hơn, sẽ không có sao đỏ...".

"Ngoài những tình cảm mà cá nhân học sinh dành cho thầy cô trong trường thì những mong ước của các em khiến tôi phải suy ngẫm, trăn trở bởi nhu cầu ấy là hoàn toàn chính đáng", cô Hương nói. 

"Vì thế, những gì có thể thay đổi chúng tôi đã điều chỉnh ngay theo yêu cầu của các em như gắn thêm quạt ở phòng ăn, tăng thêm 5 phút trong giờ ra chơi buổi sáng và chiều, ăn buffet trưa vào mỗi tháng, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm... 

Riêng những yêu cầu khác như mở rộng sân chơi, xây dựng thêm phòng chức năng thì hi vọng thời gian sắp tới, khi Trường Nguyễn Huệ được xây dựng mới, mở rộng diện tích sẽ đáp ứng được mong ước của các em học sinh", cô chia sẻ.

"Chúng tôi cần một hộp thư"

Thầy giáo Hoàng An ở quận 3, TP.HCM chia sẻ: "Là giáo viên bậc THCS, tôi rất thích chương trình "Diễn đàn lắng nghe tiếng nói trẻ em" của quận và TP tổ chức. Các em được bộc bạch những tâm tư, suy nghĩ của mình, đó cũng là dịp để người lớn lắng nghe, hiểu và thương các em nhiều hơn... 

Tuy nhiên, hiện nay trong nhà trường chưa chú trọng về vấn đề này, thùng thư điều em muốn nói hoạt động không hiệu quả, chỉ mang tính hình thức. Vì vậy có những vấn đề bức xúc không nơi giãi bày, thiếu người lắng nghe nên các em đã "xả" trên Facebook với những ngôn từ khác nhau.

Trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm, tôi trao đổi với các em một cách chân tình, yêu cầu các em không cần ghi tên vào giấy, hãy chia sẻ những ý kiến đóng góp của mình về hoạt động của trường lớp với mục đích góp phần cho nhà trường phát triển hơn.

Các em học sinh đã ghi:

- Thầy ơi, thầy tổ chức giờ sinh hoạt vui chơi nhiều hơn, đừng "xử án" các bạn bị ghi tên sổ đầu bài.

- Thầy ơi, bạn X thường ăn hiếp tụi con.

- Thầy ơi, căngtin bán đồ mắc quá.

- Thầy ơi, cơm bán trú dở quá, có sâu, có mùi dầu hôi nữa, con khó ăn.

- Thầy ơi, sao thầy hiệu trưởng hút thuốc trong trường?

- Thầy ơi, sao con thầy hiệu phó đi trễ mà không bị sao đỏ ghi tên?

- Thầy ơi, thầy toán, cô tiếng Anh ép con đi học thêm.

- Thầy ơi, phòng vệ sinh khó chịu quá.

- Thầy ơi, sao lớp mình quạt hư lâu rồi mà không thấy sửa?

- Thầy ơi, thầy ơi...

Tiếng lòng của con trẻ làm lòng tôi tan nát, tôi có thể tổ chức buổi sinh hoạt lớp vui vẻ hơn, tôi có thể khuyên dạy bạn X không được bắt nạt các bạn..., nhưng những điều khác thì tôi phải làm sao?

Trong ngôi trường hiện tôi đang dạy, đã ba đời hiệu trưởng và tình trạng trên vẫn không thay đổi, "Thượng bất chính, hạ tắc loạn", ai và ai lắng nghe, hiểu và "cứu" lấy học trò tôi? 

Mong là trong nhà trường nên có thùng thư để học sinh và cả giáo viên được bày tỏ ý kiến của mình. Hộp thư này dưới sự quản lý của phòng và Sở GD-ĐT, vì cả thầy trò chúng tôi đều rất "sợ" hiệu trưởng".

Trò chấm điểm thầy, coi chừng "xôi hỏng bỏng không"

TTO - Học trò là người đánh giá chính xác nhất thầy cô mình, nhưng với học sinh THCS, việc 'chấm điểm' này còn nhiều điều phải bàn.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên