Cầu Rồng (Đà Nẵng). Ảnh tư liệu TT. |
Không ít người ngỡ ngàng thốt lên “lạ quá” khi lâu rồi không trở lại TP này. Cái “lạ” trong mắt mọi người chính là bộ mặt đô thị liên tục thay đổi.
Ấy vậy mà những ngày qua, dư luận nơi đây lại lo lắng trước thông tin chính quyền Đà Nẵng đồng ý chủ trương cho xây dựng trên sông Hàn một “ngọn hải đăng” cao 25 tầng. Chính quyền và nhà đầu tư muốn điểm thêm một nốt son trên đô thị, để TP thêm lung linh.
Thế nhưng đề xuất ấy đang vấp phải sự phản ứng không chỉ của người dân, giới kiến trúc sư mà cả những cán bộ đương chức.
Họ lo ngại rồi đây TP được mệnh danh là “đáng sống” này phải chịu nhiều hệ lụy mà đầu tiên là con sông Hàn.
Từ việc phá nát, tranh chấp không gian đô thị đến nguy cơ thay đổi dòng chảy hay hủy hoại môi trường do chính “ngọn hải đăng” ấy gây ra.
Đó là chưa nói đến phong thủy, bởi theo nhiều nhà Đông phương học thì “ngọn hải đăng” cao 25 tầng này như chiếc cọc đâm cắm thẳng xuống sông Hàn, điều tối kỵ mà các nhà quy hoạch đô thị luôn tránh.
“Không nên chống lại quy luật tự nhiên trong quá trình phát triển”, đó là ý kiến mà ông Lê Tự Cường (chủ nhiệm Câu lạc bộ Thái Phiên Đà Nẵng) khi nói về việc xây dựng “ngọn hải đăng” sẽ làm thay đổi dòng chảy của sông Hàn.
Ông Cường tha thiết đề nghị lãnh đạo TP này “cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi đặt bút phê duyệt dự án”.
Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An (nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) thì cho rằng: một dự án gây tranh cãi chứng tỏ dự án đó đang rất được người dân quan tâm. Chính quyền TP Đà Nẵng nên tiếp tục lắng nghe, ghi nhận, không nên vội vàng.
Thật ra một dự án kinh tế có liên quan đến cộng đồng nhận được sự phản biện của dư luận xã hội là chuyện thường tình. Và lắng nghe ý kiến phản biện là để điều chỉnh, để hoàn hảo hơn.
Còn nhớ cách đây 10 năm, khi ấy chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài xây dựng một khu nghỉ dưỡng cao cấp ngay bên bờ sông Hương phía thượng nguồn bên đồi Vọng Cảnh.
Nhưng dự án đã phải dừng lại khi dư luận Huế cho rằng đã vi phạm không gian khu di tích Huế, xâm phạm dòng sông Hương. Hay như năm 2003, chính quyền TP Đà Nẵng vì muốn “đánh thức” vùng đất phía đông đã lên kế hoạch xây dựng cầu Rồng.
Phương án vừa trình, đã có ý kiến cho rằng xây như vậy là “nhét” Bảo tàng Champa - một công trình văn hóa có tuổi đời hơn 100 năm - xuống gầm cầu. Một cuộc “trưng cầu” các phương án kiến trúc cho cầu Rồng do ông Nguyễn Bá Thanh khi ấy là chủ tịch TP chủ trì...
Cuối cùng cầu Rồng vẫn được xây và Bảo tàng Champa vẫn tồn tại ở vị trí trang trọng vốn xưa nay của nó.
Nhắc lại chuyện này để thấy sự lắng nghe của chính quyền trong quy hoạch đô thị là hết sức cần thiết. Bởi nếu không lắng nghe sự phản biện hoặc lắng nghe theo kiểu “cho có” thì hậu quả là bộ mặt đô thị bị biến dạng, méo mó, thậm chí muốn khắc phục cũng đã muộn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận