LẮNG NGHE “ĐẤT THỞ”

NGUYỄN ĐỨC LAM 06/05/2017 01:05 GMT+7

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung phát biểu kết thúc cuộc đối thoại. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

 

Cách đây 7-8 năm, việc cấp sổ đỏ cho gần 300 hộ dân của một xã bị ngâm trong vòng 4-5 năm vẫn chưa xong. Do nhập vào huyện mới nên UBND hai huyện đùn đẩy cho nhau, huyện nào cũng nói huyện kia phải có trách nhiệm cấp. Nhiều cuộc làm việc đã diễn ra nhưng vẫn không giải quyết được.

Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy thế đã tổ chức phiên “điều trần”, mời tất cả các bên liên quan đến nói cho thường trực HĐND làm trung gian nghe, hỏi - đáp.

Ban chủ tọa chỉ hỏi để moi thông tin; hỏi đi hỏi lại tất cả các bên: đại diện hai huyện, đại diện chính quyền xã, đại diện các hộ dân, sở tài nguyên - môi trường; hỏi bên này xong hỏi bên kia.

Cuối cùng, một trong hai huyện thấy rõ trách nhiệm và hứa sẽ cấp sổ đỏ cho dân. Gần 300 sổ đỏ đã được trao cho người dân chỉ sau vài tháng; vụ việc ách tắc nhiều năm đã được tháo gỡ chỉ sau một phiên “điều trần”.

Là người vừa tư vấn cho HĐND tỉnh chuẩn bị nội dung, chương trình, kịch bản, bộ câu hỏi “điều trần” vừa trực tiếp dự quan sát, từ đó đến nay mỗi lần tập huấn cho HĐND các cấp về “điều trần”, tôi lại nhắc đến trường hợp này như một ví dụ điển hình về một hình thức đối thoại minh bạch, “ba mặt một lời”, đạt hiệu quả cao.

Những kênh đối thoại

Mong muốn của các cộng đồng dân cư nhiều khi không đòi nhiều tiền bồi thường, mà là sự tôn trọng, cơ hội được bày tỏ và lắng nghe, cách đối xử bình đẳng

Trong những ngày xảy ra vụ việc ở Đồng Tâm (H.Mỹ Đức, TP Hà Nội), rất nhiều người nói đến đối thoại. Quả thật, thực tâm đối thoại đã tháo “ngòi nổ” xung đột.

Tuy nhiên, cũng cần đặt câu hỏi: Tại sao trước đó không có đối thoại giữa chính quyền với cộng đồng dân cư, khiến bức xúc tích tụ đến mức mấy ngàn người dân buộc phải ở thế đường cùng như vậy?

Như người dân nói tại cuộc gặp với chủ tịch UBND TP Hà Nội: “Chúng tôi rất bức xúc”; “Vì sao 5-6 năm nay người dân gửi đơn đến nhiều nơi, hàng tạ đơn kiến nghị nhưng không được trả lời, không giải quyết? Vì vậy, người dân “rất thèm” được đối thoại với lãnh đạo TP, trung ương khi không còn lòng tin ở địa phương”.

Trong khi đó theo quy định của pháp luật, không thiếu các kênh để đối thoại về đất đai giữa người dân với chủ đầu tư, với chính quyền.

Tuy nhiên, trên thực tế các kênh này không nghe được đúng ý kiến, quan điểm, nguyện vọng của các bên hoặc không đạt được mục tiêu giải quyết các vướng mắc.

Một phần vì khi mời người dân có đất bị thu hồi lên đối thoại, chính quyền có tâm lý bênh chính quyền. Hoặc là trong quá trình xem xét khiếu nại, người khiếu nại trao đổi quan điểm với cơ quan thanh tra trước khi chính quyền đưa ra quyết định đối với khiếu nại đó.

Với tư cách là đơn vị trực thuộc chính quyền địa phương và trung ương, cơ quan thanh tra khó có thể bảo vệ quyền của những người dân bị thu hồi đất trong các tranh chấp với cơ quan hành chính cấp trên.

Mặt khác, các cấp chính quyền địa phương chưa sẵn sàng đón nhận khuyến nghị, khiếu nại của người dân, cũng chưa xem đây là cơ chế giải trình hiệu quả. Chính vì vậy, cách làm hiện tại thường dẫn tới xung đột giữa chính quyền và người dân, người bị thu hồi đất luôn coi mình là “nạn nhân” của chính sách của Nhà nước.

Ngược lại, có những ví dụ tích cực về đối thoại, tham vấn trong các vấn đề đất đai. Chẳng hạn, cách thức tiến hành các phiên “điều trần” như đầu bài viết là một kênh đối thoại hiệu quả giữa các bên liên quan đến đất đai: chính quyền, nhà đầu tư, cộng đồng dân cư, chuyên gia, tổ chức xã hội.

Nhờ có tính chất “ba mặt một lời”, điều trần làm rõ những điểm khúc mắc, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên một cách minh bạch.

Vì vậy dù không có hiệu lực pháp lý bắt buộc, nhưng nó gây sức ép khiến chính quyền, nhà đầu tư phải thực hiện. Rộng hơn, gần 10 năm nay Quốc hội, HĐND nhiều tỉnh thành đã tiến hành các hoạt động để hỏi, lắng nghe, thu thập ý kiến, quan điểm của các nhóm khác nhau trong xã hội về những chính sách mà Quốc hội, HĐND chuẩn bị hoặc đã ban hành.

Người dân, nhất là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách, có cơ hội bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình với Quốc hội, HĐND, có lúc ở trụ sở cơ quan dân cử, lúc khác ở nhà văn hóa xã, thậm chí ngồi ở ngay nhà mình, bên hiên nhà.

Không chỉ vậy, nguồn thông tin đầu vào từ người dân đã được xử lý, phân tích, tiếp thu để chỉnh lý các chính sách cho phù hợp nhất.

Ở VN, hoạt động hòa giải ở cơ sở từng thành công trong giải quyết nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Quy trình này có thể được điều chỉnh cho phù hợp các tranh chấp thu hồi đất, bằng cách đưa vào quy trình các hòa giải viên độc lập với cơ quan nhà nước.

Đại diện của các tổ chức đoàn thể lệ thuộc về mặt chính trị vào chính quyền địa phương, do đó khó có thể đảm nhận một vị trí trung lập để thuyết phục cả hai bên chính quyền và người bị thu hồi đất đạt mục tiêu chung.

Như vậy, cần tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia đối thoại, theo dõi và kiểm tra, đảm bảo rằng việc sử dụng đất cho mục đích phát triển có xem xét đầy đủ đến lợi ích của người sử dụng đất.

Những chiều cạnh của đối thoại

Tại một cuộc tập huấn, đại biểu HĐND kể trong khi đi vận động bà con dân tộc di dời tái định cư, nhường đất cho dự án thủy điện Sơn La, người dân nói: Các ông bà nói nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ, nhưng mấy ngôi nhà bằng bêtông trơ trọi có thay được dòng sông, con suối, cánh rừng trong đêm trăng với những bài hát, điệu múa của chúng tôi không?

Câu chuyện phổ biến này cho thấy trình tự, thủ tục thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện nay được áp dụng gần như giống nhau ở tất cả địa phương và cho tất cả dự án đầu tư, không phù hợp đối với từng hoàn cảnh kinh tế - xã hội của địa phương, từng đặc trưng văn hóa vùng miền, các dân tộc thiểu số.

Xung đột về đất đai, cũng như các xung đột khác, bắt nguồn từ sự khác biệt về tôn giáo, văn hóa, sắc tộc; do nguồn tài sản, đặc biệt là đất đai, hạn chế nhưng phân bổ không công bằng; do sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền.

"Các ông bà nói nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ, nhưng mấy ngôi nhà bằng bêtông trơ trọi có thay được dòng sông, con suối, cánh rừng trong đêm trăng với những bài hát, điệu múa của chúng tôi không?"

Mong muốn của các cộng đồng dân cư nhiều khi không đòi nhiều tiền bồi thường, mà là sự tôn trọng, cơ hội được bày tỏ và lắng nghe, cách đối xử bình đẳng, thấu hiểu lịch sử lâu đời, cái nhìn, cách giải thích khác về thế giới, về thiên nhiên... đã ăn sâu trong nếp nghĩ của họ.

Nếu cứ khăng khăng áp buộc cách nghĩ, cách giải quyết của chính quyền sẽ có nguy cơ xảy ra xung đột.

Để giải tỏa xung đột với người dân, nhiều lúc cần sử dụng tập quán, luật tục hơn là cứng nhắc áp dụng các quy định, luật lệ của Nhà nước.

Xung đột bắt nguồn trong môi trường rộng hơn, bao gồm cả văn hóa, tâm lý, chính trị, kinh tế, pháp luật. Nếu chúng ta chỉ tập trung đi tìm nguyên nhân xung đột ở một môi trường riêng biệt, bỏ qua môi trường khác thì không bao giờ thấy hết các cội nguồn của xung đột.

Chiến lược toàn diện giải quyết khía cạnh xã hội

Không chỉ vậy, gốc rễ sâu xa về mặt kinh tế và tài khóa của những tranh chấp thu hồi đất là chính quyền địa phương muốn chuyển đổi đất nông nghiệp và nông thôn sang mục đích công nghiệp và đô thị để tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Việc chuyển đổi này chủ yếu đem lại lợi ích cho Nhà nước và các nhà đầu tư, đồng thời hạn chế sự tham gia của nông dân vào quá trình xây dựng quy hoạch đất và giải quyết tranh chấp.

Như vậy, không chỉ riêng Luật đất đai cần sửa đổi để củng cố địa vị pháp lý của những người sử dụng đất, mà các luật và thiết chế khác cũng phải được sửa đổi để tạo điều kiện cho sự tham gia tích cực của người sử dụng đất và công chúng trong việc xác định các khoản thu ngân sách và lợi nhuận có thể thu được từ chuyển đổi đất đai.

Đất đai là nguồn tài nguyên khan hiếm ở VN, các tranh chấp đất đai là những vấn đề vô cùng phức tạp trong một bối cảnh chính trị, kinh tế - xã hội đặc thù.

Những cuộc đối thoại về đất đai không chỉ giản lược thành những vấn đề pháp lý trắng đen rõ ràng. Chính phủ cần có một chiến lược toàn diện hơn để giải quyết khía cạnh xã hội của chuyển đổi đất, một vấn đề ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu nông dân trong những thập kỷ tới.

Có người nói với những kẻ ngoại bang xâm chiếm biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta còn đối thoại được, thì tại sao với những người dân của chính mình lại không?!

Nhưng với ngoại bang, đối thoại cần chiến lược, sách lược, mưu lược. Còn với nhân dân, chỉ cần sự thực tâm, thành tâm, đồng tâm, xuất phát từ động lực phục vụ lợi ích của nhân dân.

Mảnh đất quê hương đã dưỡng nuôi và bao bọc con người qua từng thời đoạn lịch sử, vậy hãy đối thoại, lắng nghe đất thở, lắng nghe “rì rầm trong tiếng đất - những buổi ngày xưa vọng nói về”.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận