02/07/2011 03:37 GMT+7

Làng mới Sông Chàng ở non cao

HÀ ĐỒNG
HÀ ĐỒNG

TT - Nổi bật giữa màu xanh ngút ngàn của sắn, ngô, mía và cây trái là những ngôi nhà ngói mới đỏ tươi còn thơm mùi vôi vữa ở làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng (xã Xuân Hòa, huyện miền núi Như Xuân, Thanh Hóa).

fjjy6J06.jpgPhóng to
Đồng mía lên xanh ở làng Sông Chàng - Ảnh: Hà Đồng
4AorvWIW.jpgPhóng to

Vợ chồng Lê Nhật Duyệt - Lê Thị Hồng đoàn viên bên con trai đầu lòng - Ảnh: Hà Đồng

Dưới những mái nhà đã có tiếng cười của trẻ thơ, công dân miền đất mới.

Miền đất mới

Đám cưới được tặng tivi

Anh Đào Xuân Yên - bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa - cho biết: “Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tại làng, tỉnh đoàn đặc biệt quan tâm đến việc khai hoang, giao đất ở, đất sản xuất cho các hộ thanh niên.

Cứ có đủ diện tích đất ở, đất sản xuất "sạch" để giao cho các bạn thanh niên thì chúng tôi mới đưa họ lên làng. Các bạn thanh niên trong làng khi xây dựng gia đình được Tỉnh đoàn hỗ trợ kinh phí tổ chức đám cưới và tặng mỗi gia đình trẻ một chiếc tivi màn hình phẳng...”.

Bạn Lê Nhật Duyệt (25 tuổi, quê ở xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) - một trong những thanh niên đầu tiên xung phong lên làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng - vừa đi làm về, đang xăng xái bắt con gà ri làm thịt đãi khách, nói: “Quê tôi ở xã Nam Giang ít đất nông nghiệp lắm. Mỗi khẩu chỉ được hơn một sào ruộng khoán nên nhiều thanh niên trong xã phải ra Bắc, vào Nam kiếm công ăn việc làm tìm kế sinh nhai. Năm 2009, nghe Tỉnh đoàn Thanh Hóa tuyển thanh niên lên làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng, tôi đăng ký ngay”.

Đầu năm 2010, Duyệt được tỉnh đoàn cấp cho 400m2 đất ở và 3,6ha đất sản xuất nông nghiệp. Có đất ở, đất sản xuất, bén duyên với bạn Lê Thị Hồng (24 tuổi, quê xã Xuân Quỳ, huyện Như Xuân), cả hai thành vợ thành chồng cùng bắt tay xây dựng cuộc sống mới. “Bước đầu dẫu còn khó khăn nhưng chúng tôi rất hạnh phúc vì có đất sản xuất, có được ngôi nhà ấm cúng, ngập tràn tiếng cười vui...”. - Duyệt cười rạng rỡ.

Bên mâm cơm nghi ngút gạo thơm có đĩa rau đĩa thịt, bạn Lê Thị Hồng góp chuyện: “Những ngày đầu vợ chồng tôi mới nhận đất sản xuất cũng nản lòng lắm. Phải đổ nhiều mồ hôi khai hoang, phục hóa cho bằng phẳng hơn để trồng được mía, sắn, ngô. Hai vợ chồng tâm niệm có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Đến nay, hơn 1ha mía nguyên liệu của gia đình trẻ này xanh tươi, hứa hẹn một vụ bội thu.

Bạn Lê Văn Thanh (34 tuổi, quê ở xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia) cũng lên làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng đầu năm 2010, cho biết: “Nhà tôi thuộc diện phải giải tỏa, di dời để bàn giao mặt bằng cho Khu kinh tế Nghi Sơn (nơi có dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn - PV) nên cũng đăng ký lên làng này lập nghiệp. Tạm thời để vợ con ở quê một thời gian, tôi lên nhận đất để làm, đợi khi có cây trái ổn định sẽ đưa vợ con lên sau”. Thanh giờ đã dựng được mái nhà khang trang, vườn tược rộng rãi. “Hôm vừa rồi hai mẹ con lên thăm thấy thành quả lao động của chồng như vậy, cô ấy mừng vui lắm. Sắp tới sẽ đón mẹ con lên làng ở luôn” - Thanh cho biết.

Cuộc sống căn cơ

Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng là dự án làng thanh niên đầu tiên ở Thanh Hóa, do tỉnh đoàn làm chủ đầu tư. Làng có tổng diện tích 600ha, tổng vốn đầu tư hơn 32 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án là tiếp nhận 150 hộ gia đình trẻ, giải quyết việc làm cho 300 lao động; khai hoang trồng mới 470ha cao su, mía, ngô, sắn và rau màu. Theo quy định, mỗi đoàn viên thanh niên (hoặc gia đình đoàn viên thanh niên) vào làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng sẽ được cấp 400m2 đất ở, 3,6ha đất sản xuất và hưởng nhiều chính sách hỗ trợ theo Chương trình 30a của Chính phủ (chương trình hỗ trợ các huyện nghèo nhất nước).

Đến nay, tại làng này đã xây dựng được công trình điện lưới quốc gia, đường giao thông, khu trung tâm, khoan 29 giếng nước phục vụ dân ở các cụm dân cư. Bên cạnh đó, chủ dự án cũng đã quy hoạch, xây dựng ba cụm dân cư tại làng này; tuyển chọn, tiếp nhận 142 hộ thuộc diện tái định cư ở Khu kinh tế Nghi Sơn và nhiều huyện trong tỉnh lên lập nghiệp tại làng.

Các hộ nhận đất sản xuất đã trồng được 50,5ha mía nguyên liệu niên vụ 2011-2012, hàng chục hecta ngô, sắn, cây ăn quả, rau đậu các loại. Toàn bộ diện tích mía nguyên liệu của các hộ thanh niên trồng năm nay và các năm tiếp theo đều được Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) ký hợp đồng tiêu thụ ổn định. Các hộ thanh niên nơi đây cũng nuôi được hàng nghìn con gia súc, gia cầm.

Trong số các bạn trẻ đăng ký lên làng này lập nghiệp có 50 đảng viên, bảy người tốt nghiệp trung cấp, sáu người tốt nghiệp đại học; trong đó có người tốt nghiệp sư phạm, y tế, nông - lâm nghiệp, chăn nuôi thú y. Tại làng đã có tiệm bán hàng tạp hóa với đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm. Một cuộc sống mới đang hiện hữu trên làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng tràn ngập màu xanh của sự sống.

HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên