25/08/2014 05:05 GMT+7

Lãng mạn và chỉ có thế?

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Dù khán giả vỗ tay cuồng nhiệt từ đầu đến cuối buổi diễn, “hoàng tử lãng mạn” ở độ tuổi hơn 60 đã không thể đưa khán giả trở về với những hồi ức thời tuổi trẻ.


Phóng to
Richard Clayderman trong đêm diễn nhiều tiếng vỗ tay nhưng thiếu cảm xúc - Ảnh: Q Chemistry

Richard Clayderman vẫn còn đó chút ít sự hào hoa, hơi thừa sự hài hước với những màn pha trò, nhưng tiếng đàn piano tối 23-8 ở Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội) đã không còn giống như tiếng đàn của vài chục năm về trước trong những tâm hồn khán giả Việt - lúc đấy hãy còn trẻ và thiếu thốn những món ăn tinh thần.

Những giai điệu ấy đối với người chơi lẫn người nghe đã trở thành hoài niệm. Và chuyến trở về ký ức bằng âm nhạc của Richard Clayderman đã không thể trọn vẹn đi đến ga cuối cùng. Vì thế, không ít khán giả thở dài sau đêm diễn: giá như cứ ở nhà để giữ mãi những kỷ niệm đẹp đẽ của thời thiếu nữ với âm nhạc lãng mạn của Richard Clayderman phát ra từ chiếc đài cũ.

Richard Clayderman chơi hầu hết những bản nhạc dễ nghe. Từ những bản nhạc làm nên tên tuổi của ông như Ballade pour Adeline đến liên khúc nhạc Abba, nhạc phim Titanic rồi kết thúc với nhạc của Stevie Wonder... Ông được hỗ trợ bởi tám nghệ sĩ dàn dây và âm thanh của một dàn nhạc hùng hậu được thu sẵn trong đĩa.

Cùng với một khán phòng quá rộng không phải được xây để phục vụ cho hòa nhạc và một dàn âm thanh không đẳng cấp như hứa hẹn, các bản nhạc của Richard Clayderman trở nên rời rạc và lạc điệu. Và dù có tất cả những sự hào nhoáng vây quanh mình, một vị trí nhất định trong lòng người nghe, những kỷ lục về số lượng đĩa phát hành, tiếng đàn piano của Richard Clayderman có phần đơn điệu, có ngẫu hứng nhưng không thăng hoa.

Dù vậy, điểm nổi bật của đêm diễn là rất nhiều giai điệu quen. Chỉ cần ngón tay ông lướt trên vài phím đàn, khán giả ở dưới đã vỗ tay rào rào. Ở phương Tây, âm nhạc của Richard Clayderman được gọi là “nhạc thang máy” thì tại Việt Nam, những giai điệu ấy cũng phổ biến ở các nhà sách, các chương trình giới thiệu phong cảnh trên tivi, sảnh khách sạn và cả những hộp nhạc thủ công bán trên phố.

Nhiều đoạn, với sự khích lệ của Richard Clayderman, khán giả còn vỗ theo nhịp của bản nhạc. Và rồi trong tiếng vỗ tay nhịp nhàng, tiếng phần nhạc đệm được thu sẵn, chẳng mấy người còn nghe rõ được tiếng piano và dàn dây trên sân khấu chính.

Những khắt khe trong hợp đồng, bản quyền hay trả lời báo chí trước buổi diễn khiến nhiều người nghĩ Richard Clayderman là người kỹ tính. Nhưng trên sân khấu, nghệ sĩ dương cầm người Pháp có sự hài hước của một diễn viên hài. Ông biết cách khích lệ khán giả, tạo cầu nối thông qua các đoạn chia sẻ ngắn bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, tặng lại bản nhạc cho các khán giả nhí.

Thậm chí cũng hơi quá đà khi Richard Clayderman diễn cảnh cầm súng nhựa bắn rơi một con ong bằng bông ngay trên sân khấu. Dù không ăn nhập gì lắm với bản nhạc sắp chơi hay không khí buổi diễn, Richard Clayderman vẫn cười rạng rỡ, còn khán giả vẫn vỗ tay.

Có lẽ, Richard Clayderman cùng VPBank cũng là buổi hòa nhạc mà khán giả được vỗ tay nhiều nhất. Vỗ tay đầu bài, cuối bài, sau khi nghệ sĩ chơi vài nốt nhạc hay giữa bản nhạc. Những đoạn cao hứng vì nhận ra giai điệu quen thuộc cũng được “đánh dấu” bằng những tràng vỗ tay. Ở nhiều đoạn, Richard Clayderman vừa chơi vừa khuyến khích người nghe vỗ tay theo mình.

Nhưng cũng khá ngạc nhiên khi sau 90 phút, sau khi Richard Clayderman nói lời cảm ơn và đi vào sân khấu, khán giả lục tục kéo nhau ra về. Richard Clayderman thành ra cũng không có cơ hội ra chào khán giả lần thứ hai như rất nhiều chương trình hòa nhạc thông thường. Thậm chí lúc Richard Clayderman chơi bản nhạc cuối cùng, đã có không ít khán giả đứng dậy chuẩn bị ra về. Đoạn kết của bản nhạc là cảnh người ngồi, người đứng, người vỗ tay, người quay lưng bước đi.

Không biết sau cánh gà, người nghệ sĩ nghĩ gì về buổi biểu diễn đầu tiên của mình ở Hà Nội?

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên