Bắc Sơn đâu chỉ là một địa danh lịch sử, mà còn là thung lũng đẹp đến bất ngờ (*). Làng nhà sàn Quỳnh Sơn nhìn từ cao điểm Bắc Sơn Độc đáo làng nhà sàn Bắc Sơn (Lạng Sơn) mùa này vẫn phảng phất chút hơi lạnh và những cơn mưa phùn. Từ trên cao điểm Bắc Sơn, bạn sẽ dễ dàng thấy một dải đất rộng nằm giữa thung lũng. Qua ống kính máy ảnh, những mái nhà sàn san sát nhau như những chiếc bát úp. Hầu hết đều có màu nâu cũ kỹ, chỉ vài chiếc lợp chất liệu mới có màu đỏ tươi. Chị Mai Thị Ánh Ngọc, cán bộ văn hóa quản lý khu nhà sàn, cho biết đó là xã nhà sàn Quỳnh Sơn. Chỉ có 420 hộ dân, tương đương một thôn, làng dưới xuôi nên chúng tôi quyết gọi đó là làng nhà sàn. Làng nhà sàn Quỳnh Sơn có đến 98% dân số là người Tày và chủ yếu làm nhà sàn truyền thống để ở. Một căn nhà sàn nguyên bản, đơn sơ của gia đình người Tày Càng đi sâu vào Quỳnh Sơn càng phát hiện những điều vô cùng thú vị. Nhà sàn của đồng bào Tày ở đây hầu hết giữ được nguyên bản nét cổ xưa. Nhà sàn gồm hai tầng với mọi sinh hoạt của gia đình ở trên, dưới là nơi nuôi gia súc, gia cầm. Mái nhà lợp ngói ta, vách làm bằng tre, nứa đơn giản. Dù đơn sơ nhưng đời sống bà con vùng cao này không quá nghèo. Hầu hết nhà dân đều có tivi và chảo bắt sóng, đôi con trâu, bò và chiếc xe máy. Khách du lịch đến Quỳnh Sơn đều rất thích thú với kiến trúc nhà sàn cổ và những phong tục tập quán đặc trưng. Do lượng khách du lịch đến ngày một đông, nhu cầu lưu trú cao nên một số chủ hộ như ông Dương Công Vấn, Dương Công Thủy, Dương Công Chài... đã cải biến nhà sàn rộng, bền chắc hơn để cho khách thuê. Gia đình ông Vấn năm ngoái đón được khoảng 200 lượt khách trọ. Những con ngõ trong làng đều khá nhỏ với tường bao xếp bằng đá hoặc đất. Gặp bất kỳ ai, chúng tôi cũng nhận được lời chào trước. Từ người già đến trẻ nhỏ ở đây đều rất thân thiện, sẵn sàng chụp hình chung hay mời khách vào nhà uống nước. Một bức tranh có một không hai nơi đây khiến du khách không thể bỏ qua. Đó là cây đa cổ được cho rằng trồng từ năm 1540, che chở ba ngôi trường bên dưới bằng ba nhánh khổng lồ ở thế chân kiềng. Đình Nông Lục, điểm dừng chân tuyệt vời khi khám phá Bắc Sơn Hoa tam giác mạch trắng Bánh chưng đen Lên Bắc Sơn có rất nhiều đặc sản cho du khách khám phá. Một trong những món đó là bánh chưng đen. Nếu đến vào đúng dịp tết hay lễ hội Lồng Tồng của đồng bào Tày, chúng ta sẽ thấy nhà nhà, người người gói bánh chưng đen. Vào ngày thường, muốn mua bánh chưng đen khách có thể ra khu chợ ở thị trấn Bắc Sơn. Đây là một loại bánh chưng rất độc đáo, có nhiều nét khác so với bánh chưng xanh của người Kinh dưới xuôi. Để gói bánh chưng đen chuẩn, ngon chúng ta phải có gạo nếp trồng ở nương, đỗ xanh bóc vỏ và đặc biệt là tro đen sau khi đốt rơm nếp. Sau khi ngâm đỗ và gạo nếp đã đãi qua nước thì người ta sẽ rắc một ít tro đen của rơm nếp vào. Tất cả trộn đều rồi thêm gia vị, sau đó đem gói với nhân là thịt heo. Lá để gói bánh chưng đen cũng là lá dong. Bánh chưng đen khi cắt ra thành từng miếng sẽ có màu sắc rất đặc biệt, đẹp mắt. Đó là màu trắng của nhân thịt mỡ, màu vàng của đỗ và bên ngoài là màu nâu đen của gạo trộn tro. Được nếm thử món bánh chưng đen bên nhà sàn cũng là trải nghiệm ẩm thực vô cùng thú vị, du khách nên thử khi đến Bắc Sơn. Sáng hôm sau, từ Quỳnh Sơn tôi quyết định rong ruổi trọn tỉnh lộ 241 đến Ngã Hai rồi lại theo quốc lộ 1B về thị trấn Bắc Sơn. Trong lịch sử cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940, đình Nông Lục trở nên nổi tiếng (được công nhận di tích quốc gia từ năm 1962). Ngày nay ngôi đình gần 90 tuổi vẫn nằm đó, trên quả đồi thấp ngay bên tỉnh lộ 241, trở thành điểm đến của du khách nhờ lối kiến trúc nửa nhà sàn của người Tày kết hợp đình làng dưới xuôi của người Kinh. Gốc đa xanh mát, mái đình cổ kính đã trở thành điểm dừng chân nghỉ ngơi, vãn cảnh tuyệt vời khi đến Bắc Sơn. Muốn đến thung lũng hoa tam giác mạch Trấn Yên phải leo hàng trăm bậc đá theo con đường mòn vượt một quả núi. Đứng từ trên đỉnh núi nhìn về phía xa xa tôi đã thấy một màu trắng nổi bật giữa lòng chảo thung lũng. Những nương hoa tam giác mạch ở xã Trấn Yên đồng loạt nở trắng, đó cũng là điểm khác biệt so với tam giác mạch hồng trên cao nguyên đá Đồng Văn. Trong cuộc hội ngộ vui vẻ trong căn lều nhỏ giữa nương hoa, chúng tôi đã được chủ nhà mời ăn bánh rán từ bột của hạt tam giác mạch thơm và lạ miệng. Trên một vòng Bắc Sơn qua tỉnh lộ 241 và quốc lộ 1B, du khách cũng nên đến đồn Mỏ Nhài, hồ Tam Hoa bình yên, Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn... là những địa danh lịch sử một thời. Hoa Tam giác mạch trắng đặc trưng ở Bắc Sơn (*): Thị trấn Bắc Sơn cách Hà Nội khoảng 160km. Để đến thị trấn rồi khám phá một vòng toàn huyện Bắc Sơn, du khách có thể đi theo quốc lộ 1 Hà Nội - Lạng Sơn, tới Hữu Lũng rẽ tỉnh lộ 265 Đình Cả - Thái Nguyên rồi đi tiếp quốc lộ 1B hơn 30km là tới thị trấn Bắc Sơn. Nếu đi ôtô có thể theo cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến thành phố Thái Nguyên rồi rẽ quốc lộ 1B về Bắc Sơn. Chuyện dọc đường Vượt rừng bằng xe đạp Phượt bằng xe đạp đang là “mốt” của khá nhiều người trẻ thích du lịch. Người ta có thể đạp xe thong thả đi đến những nơi mà mình muốn, dừng lại tham quan, tìm hiểu về đời sống của cư dân nơi mình đi qua. Thế nhưng đối với một số người, phượt chỉ thật sự thú vị khi vượt qua được trở ngại của thiên nhiên và nỗi sợ của chính mình. Có tham gia một cuộc hành trình băng rừng bằng xe đạp địa hình mới cảm nhận điều thú vị từ thú chơi này. Đồng hành cùng các thành viên của nhóm Ve Chai dưỡng sinh trong một cuộc khám phá rừng Hiếu Liêm (khu vực huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) khoảng 30km cho tôi những trải nghiệm thú vị. Sau khi trang bị thức ăn và nước uống, chúng tôi đi vào rừng. Cảm giác nóng bức nơi bìa rừng khác hẳn với cảm giác mát dịu và yên ắng trong rừng. Khởi đầu, đoạn đường có vẻ dễ đi bởi đã có sẵn lối mòn. Càng đi sâu, độ khó và nguy hiểm càng nhiều, nhất là phải dè chừng những gốc cây lớn có bướu lồi ra bất cứ lúc nào. Đi xe đạp ở địa hình rừng khúc khuỷu, nhiều độ dốc, thậm chí là các hố sâu, suối đá... mang lại cho người chơi cảm giác chinh phục, thách thức hơn. Bằng chứng là các thành viên của nhóm đều cảm thấy khoan khoái mỗi khi “bay” người qua một con dốc. Nhưng đạp xe trong một khung cảnh yên tĩnh, phía trên là tiếng chim hót ríu rít, phía dưới là tiếng lá cây xào xạc, được hòa mình vào thiên nhiên cũng tạo ra một cảm giác rất đặc biệt. Trên hành trình 30km đó, chúng tôi đã gặp những dấu hiệu, có khi là mảnh vải trắng có hình mũi tên đỏ, có khi là biểu tượng của một nhóm nào đó đã băng qua đoạn đường này. Đến các ngã ba phải dừng lại xem GPS và thảo luận chọn con đường an toàn... Khó nhất có lẽ là đoạn đường chưa có lối mòn, lúc này chúng tôi phải sử dụng dao để chặt các nhánh cây. Có lúc đường dốc, xe cứ thế đổ dốc mặc cho các nhánh gai cứa vào mặt, tay... Vậy mà ai cũng vui vì vừa tạo ra một lối đi mới trong rừng. Cũng có những đoạn vì mải mê vượt địa hình, có người đã bị đứt sên xe đến 3 lần... Lưu ý khi phượt trong rừng hãy đảm bảo mình có đủ sức khỏe để di chuyển liên tục, chuẩn bị nước uống và các loại bánh, kẹo ngọt. Nếu đi rừng vào mùa mưa, nhất thiết phải có kem chống muỗi, quần áo hết sức nhẹ nhàng, phù hợp di chuyển nhanh, giày và xe cần được kiểm tra kỹ trước khi xuất phát... Điều quan trọng nữa là hãy đi theo nhóm và tuân thủ các điều kiện an toàn. Bích Chi Tags: Bắc Sơn
Phó bí thư thường trực Nguyễn Thanh Nghị: Sẽ chung sức để TP.HCM ngày càng phát triển TIẾN LONG 25/01/2025 Ngay sau khi được trao quyết định, tân Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị phát biểu nhận nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Thanh Nghị làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM VIỄN SỰ 25/01/2025 Ông Nguyễn Thanh Nghị - ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.
Ông Vũ Hồng Văn làm Bí thư Đồng Nai HÀ MI 25/01/2025 Ông Vũ Hồng Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Ngoại trưởng Mỹ: Quan hệ Việt - Mỹ là hình mẫu tiêu biểu trong quan hệ quốc tế DUY LINH 25/01/2025 Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định như vậy trong cuộc điện đàm đầu tiên với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tối 24-1.