29/04/2019 12:03 GMT+7

Lãng mạn khó khăn của tình nguyện khuyến đọc

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Buổi gặp trong khuôn khổ tọa đàm Hoạt động tình nguyện khuyến đọc: Thực trạng và giải pháp do Hội Xuất bản Việt Nam - văn phòng đại diện phía Nam phối hợp với NXB Trẻ và Đường sách TP.HCM tổ chức.

Lãng mạn khó khăn của tình nguyện khuyến đọc - Ảnh 1.

Bạn Trần Thiện Kiều - đại diện nhóm Book Connect - đang giới thiệu Bản tin hẹn hò sách tại tọa đàm - Ảnh: L.ĐIỀN

Để sách có mặt trong cộng đồng

Nói như ông Dương Thành Truyền, chủ tịch hội đồng thành viên NXB Trẻ, công việc của những nhóm tình nguyện đã khiến sách trở thành tài sản có thể sinh lợi trong cộng đồng, quan trọng hơn cả là làm cho sách trở thành sức sống của sự phát triển.

Điểm chung của các nhóm tình nguyện khuyến đọc là những tình nguyện viên mang trong mình một ước vọng làm sao để sách lan tỏa được nhiều hơn, làm sao để cộng đồng - chủ yếu là các bạn học sinh - yêu thích việc đọc và đọc sách có hiệu quả. 

Xuất phát từ mong muốn đẹp đẽ đó, nhóm Sách Chuyền Tay có sáng kiến nhận sách từ người cho tặng và tổ chức cho người có nhu cầu mượn lại. Kể cả những người ở tỉnh xa, nhóm cũng gửi sách đến.

Nhóm tình nguyện Tiếp Bước Tương Lai thì lấy mục tiêu đưa sách đến khắp 63 tỉnh thành là giai đoạn 1 của dự án. Cả nhóm tập trung cho khâu chọn sách (hướng đến độ tuổi học sinh THPT, mỗi tỉnh thành sẽ tài trợ cho 1 trường 1 tủ sách) với các đề tài được ưu tiên gồm: văn học, lịch sử, sách kỹ năng, sức khỏe. 

Khối lượng công việc lớn, hành trình tìm đến các vùng sâu vùng xa, những xã thôn sát đường biên giới... vốn là những khó khăn dễ thấy nhất. "Tuy nhiên, khó khăn khó có thể vượt qua chính là các trường học ở tỉnh thường đòi hỏi các thủ tục hành chính" - Thùy Ngân, đại diện nhóm Tiếp Bước Tương Lai, chia sẻ.

Nhưng vấn đề hành chính kiểu "trường không dám tự tiện làm việc với nhóm vì sẽ bị quy là "vượt mặt" sở giáo dục địa phương" chưa nan giải bằng có khi nhóm gặp những trường hợp không nhận được sự cộng hưởng từ các thầy cô!

Tâm sự này nhận được đồng cảm từ Thảo Vy, thành viên của Tủ sách giải trí & giáo dục, có thâm niên hoạt động 20 năm. Theo Vy, việc đưa các tủ sách về địa phương đã khó khăn vất vả, nhưng phần việc quan trọng và khó khăn hơn nhiều là tìm được người đủ tiêu chuẩn để giao việc giữ tủ sách tại các địa phương.

Cần cú hích trợ lực

Dù vậy, các bạn tình nguyện khuyến đọc vẫn hừng hực một niềm yêu sách vở và việc đọc. Ngọc Đoan - đại diện nhóm Sách & hành động - cho biết mô hình của nhóm là phát triển các câu lạc bộ đọc sách trên khắp cả nước. Ở mỗi câu lạc bộ, nhóm xây dựng một tủ sách với quy mô ban đầu là 50 cuốn. Cả nước đã có 250 câu lạc bộ của Sách & hành động.

Đầy tính chuyên nghiệp hơn cả là nhóm Book Connect. Khởi phát từ Cần Thơ năm 2014, Book Connect kết nối những người cùng mối quan tâm đến sách, yêu thích sách và có nhu cầu chia sẻ những tâm đắc, lợi ích trong việc đọc sách. Với tinh thần đó, nhóm tổ chức các buổi giới thiệu sách, sau đó cùng đọc, rồi hẹn gặp lại để nói chuyện về những gì mình đọc và cảm nhận.

"Hẹn hò sách" là cụm từ mang đầy tính lãng mạn, nhóm ra mắt "Bản tin hẹn hò sách" in ấn hẳn hoi (hiện được 24 số). Ngoài ra, Book Connect còn xây dựng tủ sách Se Sẻ - tài trợ sách cho học sinh khó khăn vùng sâu vùng xa...

Vấn đề là làm sao duy trì những hoạt động tình nguyện khuyến đọc để các mục tiêu, ý tưởng tốt đẹp được lan tỏa thuận tiện hơn. TS Quách Thu Nguyệt - phó giám đốc Công ty Đường Sách - nhận ra trong các câu chuyện có điều bức thiết là tính chính danh của mỗi nhóm/chương trình. 

Điều này có thể tìm được hướng ra khi Hội Xuất bản Việt Nam gắn hoạt động tình nguyện khuyến đọc vào sự nghiệp phát triển thói quen đọc sách mà Hội đang xem như là trọng trách. "Chúng tôi muốn tiếp sức cho các bạn, như cú hích cần thiết để tinh thần thiện nguyện khuyến đọc được tiếp tục lan tỏa" - bà Nguyệt chia sẻ.

Cuộc gặp gỡ của 5 trong số hơn 40 nhóm/tổ chức tình nguyện khuyến đọc độc lập vào sáng 28-4 tại Đường sách TP.HCM đã gợi ra nhiều vấn đề liên quan câu chuyện xây dựng thói quen đọc sách cho người Việt vốn dĩ còn rất gian nan.

Bà Quách Thu Nguyệt cũng chỉ ra các đầu việc từ phía Hội Xuất bản Việt Nam có thể hỗ trợ cho các nhóm tình nguyện này, đó là: Đào tạo, giúp cho các nhóm có thêm khả năng quản trị các dự án khuyến đọc; Công nghệ: cung cấp giải pháp để các nhóm có thể tiếp cận để tăng tính hiệu quả trong công việc; Hỗ trợ tài chính; và xây dựng các kế hoạch truyền thông, mà cụ thể là website hiepsikhuyendoc.com sẽ được ra mắt trong thời gian tới.
Khuyến đọc có khó không?

TTO - Lo ngại về sự đọc ở mức cận số 0 tại nông thôn, cảnh báo về chất lượng đọc ở thành phố, mong mỏi chính sách hợp lý để xây dựng thói quen đọc sách là những vấn đề nêu ra tại hội thảo Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên