Cổng làng lụa Vạn Phúc - Ảnh: N.An
Sáng 27-10, phóng viên Tuổi trẻ Online đã có mặt tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) để tìm hiểu về câu chuyện giữ gìn và phát triển của làng nghề trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Đặc biệt khi vụ việc ông chủ thương hiệu lụa Khaisilk - vốn rất nổi tiếng ở trong nước và quốc tế, được xem là biểu tượng cho sản phẩm lụa truyền thống Việt Nam chất lượng cao - thừa nhận có đến 50% sản phẩm được bán dưới mác "Khaisilk - Made in Vietnam" nhưng thực chất là hàng "Made in China".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Khắc Hà, chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc, cho biết đã có thời kỳ dài, để tiêu thụ được hàng hóa người dân Vạn Phúc thường mang các sản phẩm lên phố Hàng Gai để bán buôn. Một trong những nhà mua buôn lụa Vạn Phúc chính là ông chủ Khaisilk.
Một xưởng dệt của làng lụa Vạn Phúc - Thực hiện: N.An
"Tuy nhiên, các nhà mua buôn chậm trả tiền hàng, "ngâm vốn" quá lâu, khiến cho nhiều gia đình ở làng nghề gặp khó khăn về tài chính. Vì vậy, từ những năm 2004 - 2005 khi địa phương có chính sách hỗ trợ và tập trung phát triển làng nghề truyền thống, chúng tôi đã không đưa hàng lên phố Hàng Gai bán nữa" - ông Hà nói và khẳng định hiện người dân làng lụa Vạn Phúc không còn cung cấp lụa cho Khaisilk.
Trên phố Lụa - phố chính giới thiệu sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc - không quá sầm uất, nhộn nhịp như những phố cổ trong lòng Hà Nội. Mặc dù làng lụa Vạn Phúc đã được quy hoạch thành một trong những địa điểm du lịch làng nghề, vừa kết hợp tham quan, mua sắm và trải nghiệm tâm linh, trực tiếp xem các nghệ nhân sản xuất, nhưng do chưa có nhiều chính sách đủ hấp dẫn nên lượng khách tham quan đến đây vẫn còn khiêm tốn.
Con phố tại làng lụa không quá sầm uất và rất ít khách mua sắm - Ảnh: N.An
Chị Huệ, chủ một gian hàng tại phố Lụa, cho biết lượng khách du lịch đến tham quan, mua sắm tại làng lụa Vạn Phúc không nhiều, nên tỉ lệ bán hàng cho khách du lịch rất ít.
Thông thường, sản phẩm được bán cho các mối mua buôn trên khắp cả nước, xuất khẩu gián tiếp hoặc bán qua các kênh như nhà sản xuất may mặc, công ty cung cấp quà tặng...
"Với lượng khách ổn định, chúng tôi cũng không chịu nhiều tác động khi có thông tin thương hiệu lụa của Khaisilk giả mạo nguồn gốc khi nhập hàng của Trung Quốc. Lụa Vạn Phúc từ lâu cũng đã không còn ai mang lên phố bán (ra trung tâm Hà Nội để bán buôn - PV) mà có tới 80% là bán tại chỗ và đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh" - chị Huệ nói.
Một khách lựa chọn sản phẩm tại khu trưng bày gian hàng chất lượng cao - Ảnh: N.An
Ông Hà cũng cho biết từng có thời kỳ làng lụa Vạn Phúc gặp rất nhiều khó khăn khi chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm hàng hóa dệt lụa công nghiệp. Các sản phẩm này thường có giá rẻ, và được bày bán ngay trên chính làng lụa, khiến cho niềm tin của khách hàng với các sản phẩm lụa truyền thống giảm sút.
Tuy nhiên, đến nay với sự hỗ trợ của UBND TP, chính quyền địa phương cũng như định hướng phát triển làng nghề mà các nghệ nhân trong làng đưa ra, đã quyết tâm khôi phục và phát triển làng lụa Vạn Phúc bằng sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu để lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng.
Đến nay, dọc trên con phố Lụa là phố chính trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề, địa phương đã quy hoạch một trung tâm trưng bày sản phẩm chất lượng cao, cam kết bán hàng lụa Vạn Phúc 100%.
Trên mỗi lô vải lụa, các nghệ nhân sẽ dập mẫu logo riêng là đặc trưng cho sản phẩm lụa. Theo đó, chỉ cần nhìn logo khách hàng có thể truy suất được nguồn gốc sản phẩm lụa Hà Đông do gia đình nghệ nhân nào sản xuất.
Các điểm bán cũng được yêu cầu phải niêm yết công khai giá bán, tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết, phân biệt.
Hiện nay tại làng lụa Vạn Phúc chỉ còn 165 gia đình giữ nghề truyền thống.
Ông Phạm Khắc Hà, chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc, nêu những khó khăn để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống lụa Vạn Phúc - Thực hiện: N.An
Có khoảng 70 - 80% lụa Vạn Phúc được bày bán tại phố Lụa, còn lại là các sản phẩm bên ngoài, trong đó có hàng Trung Quốc - Ảnh: N.An
Khu trưng bày gian hàng chất lượng cao bán 100% lụa Vạn Phúc vắng khách tham quan, mua sắm - Ảnh: N.An
Trên mỗi sản phẩm đều có logo riêng của từng gia đình nghệ nhân để truy suất nguồn gốc - Ảnh: N.An
Việc giữ gìn làng nghề truyền thống đang là thách thức với lụa Vạn Phúc - Ảnh: N.An
Công đoạn nhuộm vải lụa được các nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc thực hiện bằng tay - Ảnh: N.An
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận