TTCT - Ở tuổi 49, ông Lê Văn Lân quyết định về hưu sớm để tập trung cho một công việc mới mẻ: làm người mang gậy (caddie) cho chính con trai ông, golf thủ Lê Khánh Hưng. Tại Asiad 19 vừa kết thúc ở Hàng Châu, Lê Khánh Hưng nằm trong danh sách những VĐV nhỏ tuổi nhất của đoàn thể thao Việt Nam, khi mới đón sinh nhật tuổi 15 vào ba tháng trước.Chuyện không lạ với làng thể thao thế giớiKhông chỉ Khánh Hưng là VĐV nhỏ tuổi, tuyển golf Việt Nam đến Hàng Châu cũng gồm đa phần là những VĐV rất trẻ, thậm chí ở tuổi vị thành niên. Nguyễn Anh Minh chỉ hơn Khánh Hưng 1 tuổi, Nguyễn Đăng Minh vừa bước sang tuổi 18 trước đó một tháng. Ở nội dung của nữ, Lê Chúc Anh mới 15 tuổi.Ông Lê Văn Lân động viên con trai trước khi bước vào thi đấu. Ảnh: NAM TRẦNVới các VĐV nhỏ như thế, việc có cha mẹ theo sát ở những giải đấu quốc tế là điều dễ hiểu. Nhưng với riêng môn golf, phụ huynh không chỉ là người theo chân cổ vũ. Trong hành trình phát triển sự nghiệp của cậu con trai, ông Lê Văn Lân sắm tất cả các vai. Từ chỗ là người dẫn dắt, đưa Khánh Hưng đến niềm đam mê golf (chuyện khá bình thường với điểm khởi đầu của hầu hết các VĐV hàng đầu thế giới), ông Lân tiếp tục làm HLV kể cả khi con trai đã bước vào giai đoạn VĐV trẻ tiềm năng, rồi sau đó kiêm luôn vai trò caddie và người quản lý.Trong giới golf, những chuyện như vậy không hiếm, gần gũi nhất là trường hợp của nữ golf thủ lừng danh người Thái Lan Ariya Jutanugarn. Năm 2017, Ariya leo lên vị trí số 1 thế giới, trở thành một niềm tự hào lớn của thể thao Thái Lan. Suốt hành trình đó, sát cánh cùng cô là ông Somboon và bà Narumon - cha mẹ cô.Chỉ là một doanh nhân tầm trung lưu với cửa hàng dụng cụ chơi golf ở ngoại ô Bangkok, ông Somboon đưa các con gái mình đến với golf ban đầu chỉ để họ tự chơi đùa với nhau. Nhưng theo thời gian, nhận ra tiềm năng của Ariya và Moriya (người chị lớn, sau này cũng trở thành tay golf chuyên nghiệp), ông Somboon quyết định đầu tư toàn bộ vào sự nghiệp golf của hai con gái. Một tay ông huấn luyện họ trong giai đoạn khởi đầu sự nghiệp, bao gồm theo chân cả hai trong mỗi chuyến thi đấu nước ngoài.Trước sự quan tâm của báo chí, ông Somboon luôn tỏ thái độ kín đáo để Ariya không bị ảnh hưởng tâm lý. Dù vậy, Chính phủ Thái Lan tìm cách loan truyền rộng rãi câu chuyện thành công của gia đình Jutanugarn để tạo nguồn cảm hứng cho giới trẻ. Một năm sau, bộ phim tài liệu chân thực về cuộc đời Ariya ra mắt.Không phải ai cũng hưởng ứng cách dạy dỗ hai cô con gái của ông Somboon, đôi khi quá hà khắc ở đỉnh cao. Cả vợ ông cũng có những lúc không thể đồng tình. "Anh không thể ép các con phải tin vào golf như vậy. Sẽ ra sao nếu chúng thất bại?", bà Narumoon kể lại trận cãi nhau lớn với chồng mình. Đáp lại, ông Somboon trả lời: "Anh không ép chúng phải tin tưởng điều gì cả, anh chỉ tin tưởng vào lựa chọn của mình".Với người Thái Lan, phương pháp giáo dục "cha mẹ hổ" điển hình ở các nền văn hóa Khổng giáo Đông Bắc Á, là khá xa lạ. Nhưng với các môn thể thao hoàn toàn có tính cá nhân như golf, phong cách "cha mẹ hổ" này gần như là điều hiển nhiên. Trung lưu cũng có thể theo đuổi golfMột thời ở Việt Nam, golf được xem là môn thể thao chỉ dành cho giới nhà giàu. Nhưng thực tế không ít tay golf hàng đầu thế giới có xuất thân trung lưu. Chị Ngọc Tâm, một phụ huynh cho con chơi golf ở Sài Gòn, cho biết chi phí để con học golf bài bản vào khoảng 10-20 triệu đồng/tháng."Tất nhiên để chơi golf thì phải có điều kiện nhất định. Nhưng giới trung lưu vẫn có thể đầu tư cho con tập golf. Tôi có quan điểm rằng nếu con em mình đầy đủ quá lại càng khó tập môn này vì thiếu động lực khổ luyện. Golf là môn thể thao rất gian khổ chứ không sung sướng như nhiều người nghĩ", ông Lê Văn Lân nói.Từ chỗ học cho vui đến rèn luyện thành tài là chuyện khác. Ông Lê Minh Tiến, cha của tay golf trẻ Anna Lê, cho biết tổng chi phí đào tạo nên một tay golf đẳng cấp thế giới có thể lên đến 1-2 triệu USD. Bản thân ông cũng chấp nhận chi khoảng 150.000 USD/năm khi cho cô con gái đi du học Hàn Quốc. Mức chi phí này có thể giảm xuống khi các tay golf thi đấu thành công, qua đó kiếm được tài trợ và học bổng. Như trường hợp Khánh Hưng, ngay sau khi giành HCV SEA Games, anh được trao học bổng ở Học viện Golf IJGA tại Mỹ trị giá 100.000 USD cho ba năm. Dành tất cả cho conCó thể khác biệt về mức độ nhưng sự phát triển của làng golf Việt Nam thời gian qua cũng dựa trên vai những bậc cha mẹ giàu nhiệt huyết. Mọi tuyển thủ golf Việt Nam dự Asiad 19 vừa qua đều có cha mẹ theo chân, và đó mới là một phần nhỏ trong chiến lược đầu tư của họ cho sự nghiệp chơi golf của các tài năng trẻ này.7 tuổi, Lê Khánh Hưng đã được cha tập chơi golf và nhanh chóng thể hiện tiềm năng. Rất nhiều tay golf trẻ ở Việt Nam đều có xuất phát điểm như thế nhưng Khánh Hưng may mắn hơn vì ông Lê Văn Lân cũng là một tay golf có tiếng trong giới phong trào. Tuy nhiên phải đến năm 2021, khi Hưng 13 tuổi, ông Lân mới chấp nhận mong muốn theo golf chuyên nghiệp của cậu con trai. "Con đường này không hề dễ dàng. Golf là một môn thể thao giàu tính cá nhân và ở Việt Nam lại chưa thực sự phát triển. Tôi quan sát Hưng rất lâu, thấy con trai thực sự đủ đam mê và nghị lực nên cả nhà đã cùng ngồi bàn bạc. Sau cùng, chị Hưng là golfer Lê Hà Châu tình nguyện bỏ sự nghiệp để gia đình có thể đầu tư cho em trai", ông Lân kể.Tiền bạc chỉ là một phần, điều quan trọng nhất ông Lân đầu tư cho Khánh Hưng là thời gian. Ông làm việc cho Tổng công ty Trực thăng (ở Vũng Tàu) nhưng đã chọn nghỉ hưu non để dễ bề theo chân cậu con trai trong các chuyến thi đấu nước ngoài. SEA Games 32 tại Campuchia là lần đầu tiên ông theo chân con trai thi đấu nước ngoài. Tên tuổi Lê Khánh Hưng cũng nổi lên từ đây với tấm HCV nội dung cá nhân.Tuy nhiên, với một môn thể thao như golf, đấu trường SEA Games chỉ được xem là đẳng cấp nghiệp dư. Từ tấm HCV SEA Games đến các giải đấu thuộc PGA Tour là một khoảng cách xa diệu vợi. Nhưng dù sao, câu chuyện thành công của gia đình Jutanugarn là minh chứng cho thấy làng golf Việt Nam có thể đi đến đẳng cấp chuyên nghiệp trên đôi vai của những phụ huynh.■ Tags: Đánh golfĐoàn thể thao Việt NamThể thao Việt NamTuổi vị thành niênNgười quản lýNgười Thái LanPhí đào tạoĐẳng cấp thế giới
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.