22/01/2018 20:32 GMT+7

Làng dệt lụa Mã Châu hồi sinh

THANH BA
THANH BA

TTO - Không lường trước sự khốc liệt của thương trường, Yến nếm "quả đắng" với mẻ lụa đầu tay.

Làng dệt lụa Mã Châu hồi sinh - Ảnh 1.

Trần Thị Yến (phải) giới thiệu lụa Mã Châu cho khách hàng - Ảnh: THANH BA

Khi cái tên Mã Châu dần trôi vào quên lãng, hồi ức về làng nghề tơ lụa truyền thống trứ danh xứ Quảng theo đó chẳng còn ai nhắc nhớ. Mãi đến khi người con gái sinh ra từ quê lụa dấn thân chọn cây dâu con tằm thì nghề dệt lụa của làng mới trỗi mình hồi sinh.

Trần Thị Yến (25 tuổi, khối Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) quyết định rời công việc ngân hàng, dốc sức đi theo tiếng gọi của tơ lụa.

“Làng nghề suốt một thời gian dài chìm trong khủng hoảng khiến chính quyền địa phương hết sức băn khoăn. Và bây giờ, Yến đã góp công lớn vực dậy nghề truyền thống của cha ông

Chị ĐỖ THỊ KIM BẰNG (phó bí thư Huyện đoàn Duy Xuyên)

Làng dệt lụa Mã Châu hồi sinh - Ảnh 3.

Ba năm trở lại đây, làng lụa Mã Châu tự sản xuất sợi tơ để dệt lụa - Ảnh: THANH BA

Từ nỗi trăn trở của cha

Sinh ra ở làng lụa Mã Châu (khối Châu Hiệp) và có cha là đời thứ 18 kế nghiệp tổ tiên, vậy mà suốt một thời gian dài Trần Thị Yến lại quay lưng với tơ lụa. Thế nhưng chẳng ai đoán được chữ ngờ. Từ chỗ thờ ơ, đột nhiên Yến "ghiền" tơ lụa một cách lạ lùng. Và niềm say mê ấy đến đúng vào ngày cô cầm trên tay tấm bằng cử nhân ngành quản trị kinh doanh (Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng).

Nhắc về điều này, Yến kể: "Cách đây bốn năm, tốt nghiệp đại học và mọi thứ dường như hanh thông khi mình được một ngân hàng lớn ở thành phố tuyển dụng. Trước ngày nhận công tác, hai cha con đã thức trắng đêm hàn huyên. 

Cuộc nói chuyện xoay quanh chủ đề lụa và ba liên tục thở dài vì không cam tâm để làng nghề mà cha ông bao đời gầy dựng đang chết dần, chết mòn. Chính nỗi trăn trở ấy của ba đã thôi thúc mình".

Cách phân biệt sợi tự nhiên và sợi tổng hợp? Sản phẩm Hợp tác xã (HTX) Tơ lụa Mã Châu do cha giữ vai trò chủ nhiệm làm ra là gì? Sản phẩm ra đời sẽ đi về đâu?... Những câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong tâm trí Yến. Nhiều tháng trời ròng rã theo chân cha cùng bảy "tiền bối" hiếm hoi trong HTX còn níu giữ nghề dệt lụa, Yến đã có câu trả lời.

"Thật chua xót khi hỏi người dân địa phương khác thì hầu như chẳng ai biết lụa Mã Châu. Bởi vì ba và các cô chú trong HTX ngày ngày chỉ dệt hàng thô rồi phân phối cho những làng nghề từ Nam chí Bắc tiếp tục gia công, sản phẩm bán ra thị trường không còn mang thương hiệu Mã Châu nữa" - Yến kể.

Sau khi tìm ra "nút thắt" bó buộc làng nghề, đầu năm 2015 nữ cử nhân kinh tế đã thuyết phục cha mình là ông Trần Hữu Phương (chủ nhiệm HTX Tơ lụa Mã Châu) quay lại sản xuất lụa tơ tằm thành phẩm.

Làng dệt lụa Mã Châu hồi sinh - Ảnh 4.

Sản phẩm lụa Mã Châu - Ảnh: THANH BA

Đưa lụa Mã Châu "bay" muôn phương

Ngày ông Phương gật đầu rẽ hướng theo ý tưởng táo bạo của con gái, năm máy chuyên dệt hàng thô được nâng cấp chuyển hẳn sang phục vụ dệt thành phẩm. Thêm các công đoạn như: nấu trụi mềm, nhuộm, in hoa văn..., Yến đã cho ra đời những dải lụa đúng chất Mã Châu tạo tiếng vang thuở nào.

Tuy nhiên, do không lường trước sự khốc liệt của thương trường, Yến nếm "quả đắng" với mẻ lụa đầu tay. Một nửa lụa 100% tơ tằm, nửa còn lại là sự kết hợp giữa tơ tằm và cotton được Yến đem ra Hội An "chào hàng". 

Xem xong, một số chủ quầy lưu niệm lớn nhỏ ở phố cổ tấm tắc khen chất lượng tốt cùng mẫu mã bắt mắt. Thế nhưng với 115.000 đồng/m lụa tổng hợp và 380.000-480.000 đồng/m lụa 100% tơ tằm là mức giá quá "chát", nhất là đem so sánh với hàng nhập khẩu rẻ tiền từ Trung Quốc.

Yến quyết tâm cho thị trường hiểu sự khác biệt, dần dần giúp người tiêu dùng nhận ra giá trị của sản phẩm được dệt bằng sợi tự nhiên. Yến cũng đẩy mạnh quảng bá mặt hàng tơ lụa của mình ở các diễn đàn mạng, đồng thời bày bán trực tiếp tại Hội An và Quảng Nam. 

Lượng khách tìm mua lụa Mã Châu ngày một đông. Lụa này cũng đã có mặt tại TP.HCM và Hà Nội, được nhiều người biết đến. 

Hiện tại, năm công nhân điều khiển bảy máy dệt dưới sự hướng dẫn của Yến trung bình mỗi tháng dệt xấp xỉ 3.500m lụa (bao gồm satanh, hoa, đũi, taffeta), doanh thu ước tính dao động 200-300 triệu đồng.

Tơ lụa Việt Nam: Cây dâu, con tằm, khung cửi trở lại phố cổ Hội An

CTTO - Chừng ba năm nay, nghề ươm tơ dệt lụa thủ công xứ Quảng đã quay về ngay giữa lòng đô thị cổ Hội An để phục dựng lại một nghề xưa một thời vàng bóng.

THANH BA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên