Những ngôi nhà bề thế được xây dựng giúp người dân Bình Minh bớt âu lo trước bão - Ảnh B.D.
Cuối chiều 25-9, loa phát thanh dồn dập cập nhật thông báo về diễn biến bão Noru trên Biển Đông làm người dân các ngôi làng biển Bình Minh xôn xao. Dù trong ngày nghỉ nhưng cán bộ các thôn, xã vẫn tới trụ sở UBND xã để bàn cách chống bão.
Nhà kiên cố mọc lên thay hầm hào
Trên con đường bê tông láng mịn mới được mở rộng chạy dọc biển đoạn đi qua tổ 10 thôn Tân An, ông Đặng Phương (xã Bình Minh) thư thả ngồi quan sát tổ thợ xây dựng đang hoàn thiện ngôi nhà bê tông hai tầng bề thế của con trai mình.
Ngôi nhà này nằm quay lưng lại với biển, chỉ cách chân sóng chừng 200m. Dù loa phát thanh dồn dập đưa tin bão về nhưng ông Phương nói không còn mấy âu lo như xưa kia.
"Mọi thứ thay đổi quá nhanh, chứ mấy năm trước mỗi lần cứ nghe tin bão về là làng tôi ám ảnh, nhà nào cũng lũ lượt khiêng đồ chạy bão, nhiều nhất là cảnh cha con hỳ hục chọn khu đất trống rồi đào hầm chất bao cát làm nơi trú ẩn. Nhưng giờ cảnh này hết rồi, nhà kiên cố mọc lên dày đặc nên chẳng còn lo nơi tránh trú nữa", ông nói.
Đưa chúng tôi ra bãi cát nằm sát bên nhà, ông Phương nói vị trí ông đang đứng trước đây năm nào cũng đào một căn hầm, lấy cây phi lao đan ngang trên bề mặt để làm nơi trú ẩn mỗi khi có bão về. Nhưng mấy năm nay hầm hào đã san phẳng vì nhà cửa được gia cố, sửa sang thường xuyên.
Giữa năm nay, con trai ông tích cóp làm một căn nhà bề thế, trị giá khoảng 1,7 tỉ đồng để ở. Ngôi nhà có tổng diện tích sử dụng khoảng 300m2 nên đủ cho ba bốn gia đình vào trú ẩn. "Giờ ai mà đào hầm như hồi xưa nữa, tìm đỏ mắt cả xã chắc cũng hiếm có", ông Phương nói chắc rụi.
Ông Lê Xuân Tới, phó chủ tịch UBND xã Bình Minh, cũng khẳng định với chúng tôi rằng dân Bình Minh một thời gắn với "thương hiệu buồn" từ câu chuyện đào hầm cát trú bão nhưng giờ đây đã chống bão với một cách rất khác.
"Chúng tôi cho anh em cán bộ theo dõi tình hình bão từng giờ, túc trực 24/24 giờ và lên mọi kế hoạch ứng phó. Dù phải di dời rất nhiều hộ gia đình ở khu vực xung yếu nhưng hầu như không phải đào hầm khi bão lớn như hồi xưa nữa", ông Tới nói.
Chúng tôi đi vào các khu dân cư ở thôn Tân An, Hà Bình, Bình Tịnh, Bình Tân... và đâu cũng thấy cảnh nhà cửa kiên cố mọc lên san sát. Gần 2.000 hộ gia đình ở xã giáp biển này đang khoác lên một hình ảnh tươi mới mỗi ngày.
Trên một đoạn đường hẻm dài khoảng 200m dẫn vào tổ 6 Tân An có ít nhất năm ngôi nhà bê tông hai - ba tầng đang xây dựng.
Người dân ngồi ở nhà làm các công việc lặt vặt, thợ xây vẫn mải miết trên công trình để chạy đua trước giờ bão đổ bộ. Ít thấy có sự âu lo bởi đa phần nhà của bà con đã được làm bằng bê tông, mái đổ mê hoặc lợp ngói kiên cố.
Hầm trú bão tạm bợ ở Bình Minh ngày nào giờ gần như không còn nữa - Ảnh: LÊ TRUNG
Chống bão kiểu mới
Một thời mỗi lần trước bão lớn, hình ảnh người dân Bình Minh khốn khổ chạy bão gây ám ảnh. Nằm ngay sát chân sóng và được ngăn cách chỉ bằng những cây phi lao mong manh, những ngôi nhà rung lên bần bật và mái bay tứ tung trong cuồng phong.
Người dân ở đây cho biết chỉ hai năm trước đây thôi vẫn có một số bà con đào hầm trú bão, nhưng giờ đây thì gần như không ai phải đào nữa.
Không phải tất cả dân vùng tâm bão Bình Minh đã có nhà kiên cố nhưng tỉ lệ nhà kiên cố trong dân đã tăng lên nên bà con thoải mái nơi trú ẩn. Thay vì hầm hào, người dân tự san sẻ cho nhau chỗ ở, nơi ăn uống trong gió bão lớn.
Bà Ngô Thị Huệ, một người dân ở thôn Bình Tịnh, nói năm nào có bão nhà bà cũng chật kín người tới trú, nhưng mấy năm gần đây thì ít dần vì bà con đã làm được nhà.
"Ngày xưa chỉ có hầm hào để trú, giờ đây thì chỗ ở mênh mông vì có lực lượng của xã, có trụ sở ủy ban, trường học, rồi đồn biên phòng và cả nhà của bà con. Việc gì phải đào hào như xưa nữa", bà Huệ nói.
Chúng tôi được bà con dẫn tới các hộ gia đình một thời đào hào sau vườn, bên hông nhà. Tất cả giờ đây đã không còn dấu vết. Hầm hào đã được san lấp để trồng rau, làm vườn, làm nhà ở.
Thúng chao, thứ mà bà con Bình Minh vẫn hay làm mái che trên các hầm hào ngày xưa, giờ đây được chằng buộc ở gốc cây. Bao cát vẫn được chất sẵn trước sân nhà nhưng không phải để làm tường hầm mà để dằn lên mái tôn ngăn gió thổi.
Ông Lê Xuân Tới cho biết người dân các làng biển giờ đây không còn ngại gió bão lớn như trước đây bởi nhà kiên cố đã chiếm đa phần các khu dân cư. Người dân trú bão lớn theo hai cách: ai không có nhà kiên cố thì qua hàng xóm, ai không qua hàng xóm thì được lực lượng xã đưa lên trú ẩn tại đồn biên phòng, trụ sở ủy ban, trường cấp II.
Ở đó, bà con đủ an toàn, có điện nước, thức ăn đủ trong thời gian bão vào. Theo ông Tới, nguyên do lớn nhất để xã Bình Minh hết được cảnh đào hầm trú bão là bởi bà con làm ăn khấm khá, nhà cửa kiên cố tăng lên hằng ngày.
Dù đã "đoạn tuyệt" với hầm cát thô sơ, rất nhiều gia đình ở Bình Minh giờ đây vẫn tự chọn cho mình cách trú ẩn trong hầm. Nhưng loại "hầm" của họ cũng rất khác: được xây bán âm (nửa âm xuống mặt đất, nửa lồi lên mặt đất), giằng bằng bê tông cốt thép.
Mỗi căn hầm rộng khoảng 4m2, có điện và giường ngủ, nước uống. Mỗi lúc có bão quá lớn, ở nhà không yên tâm, những căn hầm này sẽ là lựa chọn "phương án hai" để các gia đình đưa nhau xuống trú bão.
Căn hầm đúc bằng bê tông cốt thép trú bão thay hầm cát của gia đình ông Đặng Văn Giàu ở xã Bình Minh - Ảnh: B.D.
"Rốn" bão
Xã Bình Minh (huyện Thăng Bình) được xem là "rốn" bão của tỉnh Quảng Nam khi có rất nhiều trận bão lớn đã "chọn" nơi đây làm tâm đổ bộ. Với vị trí nằm ngay sát biển, nhà cửa dày đặc và phần lớn người dân làm nghề đi biển nên các trận bão lớn đã gây ra hậu quả thương đau.
Ký ức khủng khiếp nhất là bão Chanchu năm 2006 đã làm 87 ngư dân tại vùng biển này thiệt mạng, trong đó nhiều gia đình có 3 - 4 người thân mãi nằm lại, tới nay trận bão này vẫn gây ám ảnh không nguôi.
87
Đó là số ngư dân Bình Minh thiệt mạng trong bão Chanchu năm 2006.
Gần 300 ngôi nhà xây mới trong năm 2022
Theo thống kê của UBND xã Bình Minh, chỉ từ đầu năm đến nay, toàn xã có gần 300 ngôi nhà bê tông kiên cố được xây mới. 60% trong số các hộ làm nhà mới này là tiền từ "trúng đất" trước việc bất động sản biển nóng lên vài năm qua, 30% là xây nhà từ việc có con em đi xuất khẩu lao động ở ngoài nước, 10% còn lại tích cóp làm ăn tại địa phương.
"Bà con làm ăn khấm khá lên nên chúng tôi đỡ vất vả hơn mỗi lần có bão về, việc đào hầm cát đã gần như không còn", ông Lê Xuân Tới nói và cho biết đối với việc ứng phó bão Noru lần này, xã đã chuẩn bị đủ chỗ ở cho bà con và lên danh sách các hộ buộc phải di dời.
"Nhà bán kiên cố vẫn còn, các hộ này nếu không qua nhà của hàng xóm đủ an toàn để ở thì chúng tôi sẽ đưa lên xã, lên đồn biên phòng để đảm bảo an toàn", ông Tới nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận