Những sợi miến vàng óng ánh được phơi ở khắp nơi bên trong làng Cự Đà - Ảnh: CNN
Miến là món ăn truyền thống, quen thuộc và gắn bó với người Việt. Từ miến, người ta có thể làm ra nhiều món ngon phổ biến như miến ngan, miến xào, miến lươn,…
Và nhắc tới miến, là phải nhắc tới làng Cự Đà ở xã cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Đây là một trong những làng nghề làm miến lớn nhất ở miền Bắc.
Video về làng cổ Cự Đà của đài CNN - Nguồn: CNN
Trang du lịch của đài CNN (Mỹ) ngày 21-6 đã có một bài viết kèm theo video giới thiệu về ngôi làng có lịch sử hơn 400 năm và nghề làm miến tại đây.
Mở đầu video dài 2 phút bằng những hình ảnh đời thường quá đỗi quen thuộc: Một cô bán vé số, một cô bán xoài, cùng dòng xe máy đi qua những con phố tấp nập, ống kính CNN dần lần theo chân người làm miến để vào làng Cự Đà.
Những ngôi nhà cổ ở làng Cự Đà vẫn được bảo tồn tốt cho tới ngày nay - Ảnh chụp màn hình
Nằm cách Hà Nội khoảng 13km về phía nam, làng Cự Đà nổi tiếng bởi các kiến trúc cổ được bảo tồn tốt cho tới ngày nay và nghề làm miến trứ danh.
Những sợi miến vàng óng, cũng như miến trắng mượt mà được phơi đu đưa ở mọi nơi trong làng, từ mái nhà, các bức tường… cho đến nhiều bề mặt nào có thể phơi được. Đài CNN gọi làng Cự Đà là thiên đường của miến.
Khung cảnh độc đáo đó có từ khoảng 60-70 năm qua, khi những người đầu tiên bắt đầu nghề làm miến bằng tay để đáp ứng nhu cầu cá nhân.
Tuy nhiên, miến cùng các sản phẩm chất lượng sau đó dần thu hút sự quan tâm của nhiều người trên khắp Việt Nam, và sớm trở thành một nghề kiếm sống của làng Cự Đà. Từ bột dong riềng, người làng cự đà sản xuất hàng trăm tấn miến mỗi năm để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Miến lươn - Ảnh chụp màn hình
"Sản xuất miến chất lượng là một điều bắt buộc. Sau nhiều năm kinh nghiệm, đã có nhiều thay đổi và tiến triển. Chẳng hạn, miến từng được tráng bằng chảo đồng và những khuôn thiếc nhỏ, nhưng giờ chúng tôi dùng các dụng cụ cho ra năng suất cao hơn. Chúng tôi cũng sử dụng các loại máy tự động giúp tạo nhiệt thay vì dùng lửa trực tiếp" Đinh Công Minh, người đứng đầu hiệp hội nông dân của làng Cự Đà, cho biết.
Mặc dù có một số thay đổi, quá trình làm ra miến vẫn mang đậm những nét truyền thống với sức người là chính.
Trước hết, bột dong riềng được ngâm với nước và lọc để chọn lấy phần tinh bột. Một phần bột được ngâm với nước sôi gọi là bột chín. Bột chín được hòa với bột đã lọc, với tỷ lệ 1/10. Tiếp đến, bột được tráng thành bánh trên các mành tre, hấp chín và đem phơi nắng.
Sau khi đã khô, bánh được đưa qua máy cán thành từng sợi miến nhỏ, dài và phơi nắng một lần nữa là ra thành phẩm. Miến tiếp tục được đóng gói và phân phối tới khắp các vùng miền của Việt Nam.
Cổng làng Cự Đà vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc cổ - Ảnh chụp màn hình
"Dĩ nhiên mọi người muốn hiện đại hóa quá trình sản xuất, nhưng mọi thứ vẫn được làm bằng tay tại làng Cự Đà. Tôi cho rằng đó là điều đặc biệt trong thế kỷ 21", đài CNN dẫn lời nhiếp ảnh gia Nguyễn Quỳnh Anh - một người sống ở Hà Nội.
Là minh chứng cho quan điểm của người xưa "nhất cận thị, nhị cận giang", làng Cự Đà nằm bên bờ sông Nhuệ. Cũng nhờ vị trí ngay sát con đường mua bán nhộn nhịp này, mà xuyên suốt cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, ngôi làng hưởng được sự thịnh vượng và giàu có.
Từ đây, những người trong làng có điều kiện để xây dựng và bảo tồn nhiều ngôi nhà cổ đẹp.
"Tôi thật sự yêu thích nơi này, bởi vì bạn có thể tìm thấy rất nhiều ngôi nhà được bảo tồn tốt. Bạn có thể nhận thấy sự pha trộn của kiến trúc châu Á, Trung Quốc, Việt Nam và thậm chí là Pháp chỉ trong một ngôi làng" Nguyễn Quỳnh Anh chia sẻ với CNN.
Trước đó, đài CNN cũng lần đầu phát sóng phim tài liệu mang tên Destination Hanoi (Điểm đến Hà Nội) để nói về những nét đẹp văn hóa vùng kinh kì. Lọt vào ống kính phải nhắc tới vấn đồng trong Tín ngưỡng thờ Mẫu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận