29/03/2016 09:05 GMT+7

Làng “5 không” và công nghiệp hóa

LÊ MINH TIẾN (ĐH Mở TP.HCM)
LÊ MINH TIẾN (ĐH Mở TP.HCM)

TT - Công nghiệp hóa có lẽ là một trong những chiến lược mà gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đều chọn lựa để đưa đất nước phát triển nhanh hơn.

Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoài chiến lược đó mà chúng ta đang nỗ lực để đưa đất nước nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp trong tương lai.

Mặc dù là một con đường quan trọng để phát triển nhưng nếu không có sự chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng thì quá trình công nghiệp hóa sẽ khiến cho một bộ phận các thành viên trong xã hội bị gạt ra bên lề, tức là đối với một bộ phận người này thì công nghiệp hóa lại là nguyên nhân khiến họ rơi vào tình cảnh khốn khó hơn chứ không phải là điều mang lại sự sung túc và thăng tiến.

Quả vậy, khi tiến hành công nghiệp hóa trên một đất nước vốn có hoạt động nông nghiệp chiếm đa số, một bộ phận cư dân nông nghiệp sẽ bị mất đi sinh kế do phương tiện chính của họ là đất đai đã bị trưng dụng cho hoạt động sản xuất công nghiệp.

Hệ quả là họ phải tìm kiếm một kế sinh nhai khác mà đôi khi là vất vả hơn, khốn khó hơn như loạt ảnh về những người trong xóm “5 không”: không hộ khẩu, không điện, không nước sạch, không biết chữ và không biết tương lai (Tuổi Trẻ ngày 27-3-2016).

Do vậy, để tiến trình công nghiệp hóa có thể mang lại sự tích cực cho tất cả mọi người thì điều cần thiết trước hết là phải chuẩn bị những phương tiện sinh kế khác cho các cư dân tại những vùng được công nghiệp hóa.

Công nghiệp hóa không chỉ đơn giản là xây dựng các khu công nghiệp, các nhà máy mà còn phải chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động sản xuất công nghiệp lẫn chuẩn bị cho sự thay đổi nghề nghiệp cho những người vốn chỉ biết đến hoạt động nông nghiệp hay lao động giản đơn.

Như vậy, để có thể hạn chế được đến mức thấp nhất những tác động ngược của quá trình công nghiệp hóa đối với một bộ phận dân cư có liên quan, lẽ ra người ta phải tính toán được số lượng cư dân bị tác động, phân loại được những cư dân có khả năng tham gia vào hoạt động sản xuất công nghiệp.

Những cư dân nào cần được huấn luyện và đào tạo để có thể chuyển hướng sang những hoạt động sống khác khi họ không thể tiếp tục sống bằng hoạt động nông nghiệp nữa.

Nói cách khác, để giảm thiểu tối đa những cái giá phải trả cho quá trình công nghiệp hóa, người ta phải có những giải pháp mang tính “chuyên biệt” cho từng nhóm dân cư có liên quan, những giải pháp mang tính “đồng phục” sẽ không có hiệu quả bởi từng nhóm dân cư sẽ có những khả năng, những hiểu biết và mong muốn khác biệt nhau.

Một điều cũng cần lưu ý đó là hình như có lúc, có nơi chúng ta đã bỏ rơi trẻ em trong quá trình thực thi các chính sách. Thực tế trong phóng sự ảnh cho thấy nhiều trẻ em phải rời nơi sinh sống của mình để theo cha mẹ đi tìm kiếm kế sinh nhai.

Khi rời đi như vậy, các em cũng bị buộc phải rời bỏ luôn khỏi ghế nhà trường, sẽ không được dạy dỗ, uốn nắn một cách đầy đủ, không được trang bị kiến thức và kỹ năng để hội nhập được vào xã hội khi đến tuổi trưởng thành.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là những quá trình tất yếu để đi đến sự phát triển, nhưng phải đảm bảo không ai bị gạt ra bên lề trong tiến trình phát triển của đất nước.

LÊ MINH TIẾN (ĐH Mở TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên